Trường nào cũng không quan trọng bằng cái nôi giáo dục gia đình

05/07/2017 - 08:39

PNO - Khi con không thành công, phụ huynh hay đổ lỗi cho trường lớp, giáo viên. Nhưng sai rồi, con không thành công là do giáo dục gia đình chưa tốt. Có học trường công hay tư gì thì giáo dục gia đình cũng rất quan trọng.

Đồng hành cùng con

Trên trang Giáo dục báo Phụ Nữ số ra ngày 3/7/2017 có đăng bài “Ra đường, vào chợ học tiếng Anh” và “Chọn trường cho con, khó quá”. Những vấn đề mà hai bài báo đặt ra đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh (PH). 

Những câu hỏi PH gửi về nhờ báo giải đáp tập trung vào các vấn đề: đầu tư thế nào để con học giỏi tiếng Anh và có kỹ năng sống tốt? Chọn trường cho con như thế nào là tốt? Phải làm gì để giúp con hình thành ý thức tự giác học tập…? Từ sự “đặt hàng” của PH, báo Phụ Nữ tổ chức tuyến bài “Đồng hành cùng con” hầu mong sẽ giúp được quý PH có được nhiều thông tin bổ ích.


“Chọn trường nào để con đeo đuổi 12 năm học phổ thông” là câu hỏi thuộc loại “suy nghĩ mãi vẫn không tìm được câu trả lời” đối với nhiều PH. Cuộc trao đổi của chúng tôi với ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh - giảng viên Trường ĐH Sài Gòn, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, nguyên là chuyên viên phụ trách mảng tiếng Anh tiểu học của Sở GD-ĐT TP.HCM, đồng thời cũng là người đồng hành cùng hai đứa con - sẽ phần nào giải đáp được câu hỏi trên. 

Truong nao cung khong quan trong bang cai noi giao duc gia dinh
Cha mẹ quan tâm đến việc học của con sẽ là yếu tố giúp con học hành thành đạt

PV: Gia đình chị định cư ở nước ngoài, chị từng sinh sống ở Mỹ rồi lại trở về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực giáo dục, chị đã chọn trường cho con mình như thế nào? Theo chị đâu là yếu tố quan trọng nhất khi chọn trường?

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh: Khi con gái đầu đến tuổi học mầm non và cấp I, với tình hình tài chính của gia đình, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài trường công. Lúc ấy hai tiêu chí được tôi đặt lên hàng đầu là gần nhà và nhà vệ sinh trong trường phải sạch. Trẻ con dễ ốm và khi thay đổi môi trường lại càng dễ, nên đi học gần nhà vừa bảo đảm an toàn; nắng, mưa, kẹt xe cũng không lo. Bước vào một ngôi trường, vào toilet của học sinh (HS) là hiểu ngay sự chăm chút của ban giám hiệu dành cho các cháu. 

Đến cấp II và cấp III, giai đoạn con chịu ảnh hưởng nhiều bởi những người bạn cùng tuổi, tôi cũng chọn trường công nhưng phải là trường công tốt, trường chuyên càng hay. Nói vậy là vì HS ở những trường tốt tương đối lành, phần đông có định hướng rất rõ cho tương lai.

* Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, học ở trường công, cha mẹ và trẻ phải làm quen với những “lệ trường” như phải học thêm, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu kỹ năng, con không được chăm chút kỹ như ở trường tư, trường quốc tế…?  

- Nếu quyết định cho con học trường công, cha mẹ bắt buộc phải hình thành kỹ năng tự học cho con ngay từ tuổi tiểu học. Kỹ năng này sẽ giúp con tránh được tình trạng quay cuồng với các lớp học thêm đến mụ mẫm cả người. Hai con tôi không học thêm gì cả cho đến khi con gái vào lớp 6. Môn duy nhất con học thêm là toán. Thầy giáo dạy thêm là thầy dạy khoa toán tiểu học của một trường đại học. Tôi chưa bao giờ đánh cắp tuổi thơ của con, buộc con vào các lớp học chữ, luyện viết hay luyện thi, mặc dù con gái đậu chuyên Anh cấp III Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa với 
điểm cao.

Khi quyết định vào học trường công, tôi phải có kế hoạch cho con học các môn năng khiếu như võ (con gái tôi học Takwondo, con trai học Aikido), bơi, đàn và đặc biệt là tiếng Anh. Tiếng Anh rất quan trọng với tương lai của trẻ.

Nếu quyết định cho con học trường công, cha mẹ bắt buộc học cách giúp con vượt qua những cú sốc về tâm lý do những áp lực đến từ những bất cập của trường công. Tôi vẫn nhớ tim mình đã thắt lại như thế nào khi hồi lớp 2 con bảo “Mẹ ơi, lúc ngồi trong lớp nhìn ra cửa sổ, con thấy có con chim mẹ ạ, con chỉ ước mình biến thành con chim bay ra khỏi lớp ngay lập tức thôi mẹ ạ”. 

Con gái tôi là sản phẩm của mười một năm học trường công và sự đồng hành không ngơi nghỉ của bố mẹ. Tối nào, tôi hoặc ông xã cùng làm bài với con. Học cùng không có nghĩa làm giùm. Khi học cùng con, mình sẽ phát hiện ra những cái mẹo để kịp thời uốn nắn, sẽ hiểu những gì xảy ra với con mình ở trường…

* Nhưng đến đứa thứ hai, chị đã chọn trường quốc tế cho cậu bé. Phải chăng vì đã sợ áp lực của trường công?

- Cậu nhóc nhà tôi thì hoàn toàn khác cô chị. Tính cách không chịu được áp lực nên sẽ phát triển tốt ở môi trường cá thể. Và khi đó mình cũng muốn “thử” hiểu cách một trường quốc tế xịn giáo dục HS như thế nào. Họ cực kỳ tôn trọng HS nhưng cũng có những kỷ luật hết sức tích cực để rèn các cháu. Họ giáo dục theo từng cá thể để phát triển trẻ, giúp trẻ tự tin. Nhưng cũng phải nhìn nhận, họ làm được điều đó vì chi phí nhiều, sĩ số cực kỳ ít. Chúng ta không thể đòi hỏi các cô ở trường công với sĩ số 40-50 cháu/lớp làm được điều này.

Khi con không thành công, phụ huynh hay đổ lỗi cho trường lớp, giáo viên. Nhưng sai rồi, con không thành công là do giáo dục gia đình chưa tốt. Có học trường công hay tư gì thì giáo dục gia đình cũng rất quan trọng. Bằng chứng là Minh Anh con gái tôi, sản phẩm trường công hoàn toàn nhưng giờ thì con chững chạc, tự tin, kỹ năng tự học tuyệt vời. Cháu biết mình cần gì và lập kế hoạch cho những gì cháu muốn. Việc nhà vẫn chưa giỏi, nhưng cũng tạm ổn và đang tự tìm học bổng để đi du học.

Tôi nói như vậy để thấy rằng trường nào không quan trọng bằng việc gia đình phải tạo ra cái nôi giáo dục để con có được kỹ năng. Kể cả cho con học trường quốc tế, mình cũng phải tự trang bị kỹ năng cho con. Bởi không trường học nào trang bị điều đó cho trẻ tốt bằng sự định hướng của cha mẹ.

* Xin cảm ơn chị. 

Tiêu Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI