Trường muốn chuyển đổi số nhưng phụ huynh nghĩ trường "vẽ rắn thêm chân"

23/02/2023 - 16:50

PNO - Thực hiện mục tiêu đưa 25%, 35% nội dung chương trình giáo dục lên trực tuyến, trường học tại TPHCM đang gặp khó về tài khoản.

Phụ huynh phản ứng khi phải mua tài khoản

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 12 kể, mới đây khi nhà trường thông báo đến phụ huynh về việc trường đang tính toán sẽ triển khai phần mềm LMS dạy học trực tuyến để hỗ trợ học sinh tự học, cũng như từng bước đạt được mục tiêu 25% nội dung chương trình giáo dục lên trực tuyến theo quy định của Sở GD-ĐT, ngay lập tức đã gặp phải “làn sóng” phản ứng của phụ huynh.

“Phụ huynh cho rằng việc phải bỏ tiền ra để mua tài khoản học trực tuyến hiện nay là không cần thiết, thay vào đó nhà trường có thể sử dụng các nền tảng miễn phí như Zalo, Facebook… Theo phụ huynh, học sinh tiểu học còn nhỏ, không thích hợp để học trực tuyến. Do vậy, hiện nay nhà trường đã phải dừng triển khai”- hiệu trưởng này chia sẻ.

Nhiều trường tại TPHCM đang gặp khó khăn về triển khai tài khoản dạy học trực tuyến khi chuyển đổi số
Nhiều trường tại TPHCM đang gặp khó khăn về triển khai tài khoản dạy học trực tuyến khi chuyển đổi số

Tương tự, tại quận 1, ngay giữa học kỳ 1 năm học này, một trường THCS đã phải thông báo dừng triển khai tài khoản LMS đến học sinh vì gặp phản phản ứng của phụ huynh, dù đã thực hiện từ đầu năm.

“Phần nhiều phụ huynh, học sinh rất hưởng ứng khi qua nền tảng học trực tuyến học sinh được tương tác thêm với giáo viên, nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu bài học. Thế nhưng, vẫn có những phụ huynh không hiểu, không chia sẻ, nghĩ rằng nhà trường “tự vẽ” ra để thu thêm tiền của phụ huynh. Họ nghĩ rằng nhà trường thành tích nên gây thêm áp lực học tập cho học sinh trên mạng…”- hiệu trưởng nhà trường bày tỏ. 

Thầy Ngô Hùng Cường- Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) nhìn nhận, khi thực hiện đưa 35% nội dung chương trình giáo dục lên trực tuyến nhà trường không gặp khó khăn từ lộ trình mà phần nhiều khó khăn lại đến từ sự đồng thuận của phụ huynh về tài khoản học trực tuyến.

“Không phải phụ huynh nào cũng hiểu việc sử dụng tài khoản là cần thiết và phục vụ việc chuyển đổi số của ngành giáo dục. Nhiều phụ huynh phản ứng khi cho rằng việc mua tài khoản học trực tuyến khi đã đi học trực tiếp là lãng phí…”. 

Cần Bộ GD-ĐT gỡ khó

Ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho rằng, để đạt được các chỉ số về chuyển đổi số, Sở GD-ĐT cần định hướng việc chuyển đổi như thế nào.

Theo ông, hiện nay giáo viên quận Gò Vấp đang làm theo hình thức soạn các câu hỏi gợi ý để giao nhiệm vụ cho học sinh tìm hiểu bài ở nhà. Khi lên lớp giáo viên sẽ giải đáp thêm các vấn đề mà các em còn thắc mắc sau quá trình nghiên cứu. Thời lượng còn lại chuyển bài tập trên hệ thống LMS cho học sinh làm dưới sự giám sát của giáo viên. Điều này giúp thầy cô giảm cường độ làm việc rất nhiều mà vẫn tăng tính tự học cho học sinh.

“Trong bối cảnh dạy học trực tiếp thì tài khoản trực tuyến LMS sẽ không còn miễn phí như trước đây nữa mà phải mua. Bộ GD-ĐT không có quy định bắt buộc học sinh phải mua, như vậy các trường chỉ có thể triển khai theo hình thức vận động, trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh, đồng nghĩa với việc một số học sinh sẽ không có tài khoản học tập, không thể tiếp cận hình thức học tập này. Đây là khó khăn nhiều đơn vị đang đối mặt, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT cần có giải pháp tháo gỡ về điều này để hỗ trợ các trường khi chuyển đổi số”- ông Trịnh Vĩnh Thanh phân tích. 

Sở GD-ĐT TPHCM sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT gỡ khó về tài khoản nền tảng số
Sở GD-ĐT TPHCM sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT gỡ khó về tài khoản cho các nhà trường trên nền tảng số

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, sử dụng thế mạnh của công nghệ, chuyển đổi số vào trong giáo dục là xu thế không thể cản lại được. Với việc đưa chuyển đổi số vào giáo dục, tuỳ theo đặc thù nhà trường mà linh động sử dụng phù hợp, thầy cô có thể giao bài tập, thảo luận, trao đổi, định hướng cho học sinh. 

“Mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 25% nội dung chương trình giáo dục bậc tiểu học và 35% bậc trung học được đưa lên hình thức dạy học trực tuyến thì theo từng nhà trường, trên lộ trình đó từng bước đạt được, tuy nhiên, phải hiểu là không phải giáo viên phải đối mặt, gặp gỡ học sinh trên nền tảng số mà là ứng dụng nền tảng số để giúp học sinh có nhiều thời gian tương tác hơn với giáo viên”- ông Quốc nhấn mạnh. 

Trước khó khăn của các đơn vị về tài khoản học trực tuyến, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM thừa nhận đến thời điểm này Bộ GD-ĐT chưa có nội dung hướng dẫn cụ thể nào đối với việc hỗ trợ nhà trường trong việc đẩy mạnh việc quản lý và tổ chức học tập trên nền tảng số, do vậy phần nào gây khó khăn cho đơn vị. Trong khi đó, xã hội hoá lại đòi hỏi tính đồng thuận cao nên rất khó đạt được…

“Hiện nay, Sở đang có giải pháp để hỗ trợ cơ bản các phầm mềm, công cụ chuyển đổi số giúp giáo viên thành phố. Đồng thời, Sở cũng sẽ tiếp tục đề xuất Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng nền tảng số trong nhà trường”- ông Nguyễn Bảo Quốc nói. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI