Mới đây, sau đợt thanh tra ngẫu nhiên tại tám trường thuộc sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Thanh tra TP.HCM đã phát hiện nhiều sai phạm, đặc biệt là tại các trường trung học phổ thông (THPT), nổi bật là việc tự ý mang tài sản của nhà trường cho thuê.
Cụ thể, tháng 9/2016, Trường THPT Marie Curie ký hợp đồng (HĐ) hợp tác đầu tư, xây dựng khu liên hợp thể dục - thể thao và thư viện phục vụ công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao tại trường với Công ty TNHH GYM ONE. Công trình được xây dựng trên diện tích 1.600m2, nằm ngay góc đường Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn. HĐ kéo dài 20 năm; khi hết hạn, đối tác sẽ chuyển giao công trình cho trường.
|
Phòng tập gym hoành tráng mọc lên trong khuôn viên Trường THPT Marie Curie |
Ngoài HĐ “hợp tác” vừa nêu, Trường THPT Marie Curie còn ký một HĐ “hợp tác” khác với Công ty cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh với nội dung: công ty sẽ đầu tư 4,5 tỷ đồng thực hiện dự án bảo tồn và phục hồi nguyên trạng công trình kiến trúc của trường để đổi lấy việc được thành lập trung tâm thông tin hướng nghiệp kết hợp khai thác dịch vụ văn hóa du lịch tại khuôn viên trường trong 10 năm.
Dù được gọi là “hợp tác đầu tư”, nhưng bản chất của các phi vụ này là đem mặt bằng của trường cho thuê. Cụ thể, theo HĐ ký với Công ty TNHH GYM ONE, Trường THPT Marie Curie được trả 30 triệu đồng/tháng (năm 2017), 40 triệu đồng/tháng (năm 2018 và 2019), sau đó giá thuê sẽ tăng 7% mỗi năm; còn theo HĐ ký với Công ty cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh, trường được trả 10 triệu đồng/tháng (năm 2013) và 20 triệu đồng/tháng (năm 2014 và 2015), sau đó giá thuê sẽ tăng 10% mỗi năm.
Cũng vậy, lãnh đạo Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã mang bãi giữ xe, căng-tin, nhà thi đấu thể dục - thể thao, phòng học, sân bóng đá (rộng 8.000m2) của trường đi “hợp tác khai thác, kinh doanh, liên kết đào tạo” với các đối tác bên ngoài để… thu tiền. Việc đem tài sản công cho thuê của lãnh đạo các trường như vừa nêu, theo Thanh tra TP.HCM, là hoàn toàn sai trái, vì không xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền là UBND TP.HCM theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Các HĐ của Trường THPT Marie Curie có nội dung, Công ty cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh đầu tư 4,5 tỷ đồng, Công ty TNHH GYM ONE sẽ đầu tư 12,4 tỷ đồng, nhưng khi thanh tra về làm việc, trường không cung cấp được chứng từ để xác nhận giá trị đầu tư thực tế. Trong khi, dù là “hợp tác đầu tư”, các bản HĐ này lại không xác định vốn góp của nhà trường (giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) là bao nhiêu.
Sự không tuân thủ quy định pháp luật, “mập mờ” trong ký kết HĐ đã dẫn đến những nghi ngờ về giá cho thuê. Tại các trường này, không thiếu những ý kiến nghi ngờ và bất bình về giá cho thuê rẻ mạt.
Từ nghi ngờ dẫn đến mâu thuẫn, chia rẽ và xung đột trong tập thể sư phạm tại các trường. Bài học đắt giá cho vấn đề này là vụ nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2) Phạm Văn Nghĩa tự ý ký HĐ đem tài sản của trường cho thuê 25 năm với giá “rẻ như cho”.
Vụ việc bị báo Phụ Nữ TP.HCM phanh phui cuối năm 2016 và sau đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo phải chấm dứt ngay các thỏa thuận cho thuê này. Tuy nhiên, đến nay, dù đã trải qua nhiều phiên làm việc tại tòa, sự việc vẫn chưa thể giải quyết.
Đáng tiếc là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vẫn chưa thực sự quan tâm đến bài học này khi tiếp tục để cho những sai phạm tương tự tồn tại và "lây lan" ra nhiều trường, như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường THPT Marie Curie.
Trước đó, tại Trường THPT Long Trường (Q.9), Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng đã thanh tra và kết luận nhiều sai phạm, trong đó có việc cho đối tác sử dụng miễn phí mặt bằng để kinh doanh bếp ăn bán trú trong 10 năm. Thế nhưng, đến nay, những sai phạm tại trường này vẫn tiếp diễn.
Do vấn đề lịch sử, có một thời, diện tích của các trường Lê Hồng Phong, Marie Curie bị lấn chiếm cho các mục đích khác và UBND TP.HCM đã phải rất nỗ lực mới giành lại phần đất bị lấn chiếm cho trường. Thật phi lý khi giờ đây, người ta lại cắt nó ra, mang cho thuê! Dư luận đặt dấu hỏi: Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đang buông lỏng quản lý hay đồng tình với những việc làm sai trái của các trường?
Vụ đưa Hiệu phó xuống làm giám thị: Sở GD-ĐT TP.HCM mời ông Luân đến làm việc
Ngày 6/3, Báo Phụ Nữ TP.HCM có đăng bài Hiệu phó xuống làm giám thị: Quyết định không nhân văn, phản ánh việc “không bổ nhiệm lại chức hiệu phó” và “đưa xuống làm giám thị” đối với ông Trần Minh Luân (Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.3, TP.HCM) và cho rằng, đây là một cách làm không nhân văn, không thuyết phục, ẩn chứa nhiều điều khó hiểu.
Tiếp thu nội dung bài báo, ngày 15/3, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã mời ông Luân lên làm việc để thông tin rằng, sở xem xét những thành tích đóng góp và có khả năng sẽ bổ nhiệm ông làm phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lê Quý Đôn (Q.1). Tuy nhiên, ông Luân nêu nguyện vọng được làm việc tại các trường phổ thông, vì bao năm nay đã quen với môi trường này.
Cũng liên quan đến Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, từ tháng 8/2018 và tháng 11/2018, hiệu trưởng trường này là ông Đỗ Đình Đảo đã bị cán bộ, giáo viên viết đơn tố cáo nhiều sai phạm, trong đó có khoản tiền 2,2 tỷ đồng do người tiền nhiệm bàn giao từ tháng 5/2015 đến nay, tập thể trường không biết nó đã được sử dụng như thế nào.
Ngoài ra, đơn tố cáo còn nêu, ông Đảo đứng tên dạy môn tin học nhưng không dạy mà để cho một nhân viên không đủ trình độ trực tiếp giảng dạy suốt ba năm qua.
|
Minh Nhật