Trường mầm non cho con em công nhân: Bài toán khó!

17/12/2013 - 23:32

PNO - PN - Nhiều sự cố liên tiếp đã xảy ra ở các nhóm trẻ gia đình (NTGĐ). Nạn nhân chủ yếu là con em công nhân không đủ điều kiện để gửi con vào trường tốt. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT...

edf40wrjww2tblPage:Content

Truong mam non cho con em cong nhan: Bai toan kho!

Cô giáo mầm non ở nhóm trẻ Phương Anh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) dốc ngược trẻ vào thùng nước để dọa trẻ, bắt phải ăn nhanh. Ảnh: Tuổi Trẻ.

* Từ năm 2008, UBND TP đã có Chỉ thị 03 yêu cầu các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) xây trường mầm non (MN) để đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân. Sau 5 năm triển khai, số trường MN trong KCX-KCN vẫn rất hạn chế. Vì sao? Quá trình thực hiện có gì khó khăn không, thưa ông?

- Từ năm 2008 đến nay, số trường và nhóm lớp tăng 2,5 lần; gần 1.300 NTGĐ được cấp phép, tăng hơn ba lần so với năm 2008 nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Mạng lưới trường lớp chưa đủ để huy động trẻ ra lớp đồng đều giữa các quận, huyện. Số lượng trường lớp công lập cả thành phố chỉ đáp ứng được 70% tổng số trẻ năm tuổi, 30% còn lại học ở các trường tư thục.

Hiện nay, trong 13 KCX-KCN chỉ có một trường MN hoạt động là Trường MN tại tầng trệt thuộc khu nhà lưu trú công nhân của KCN Hiệp Phước tại ấp 1, xã Long Thới, huyện Nhà Bè (là chi nhánh của Trường mầm non Đồng Xanh, huyện Nhà Bè). Trường mầm non KCX Linh Trung, Q.Thủ Đức có chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) Q.Thủ Đức (diện tích 5000m2, 14 phòng học và khu phụ, tổng mức đầu tư 30 tỷ) đã hoàn thành hồ sơ.

Ngoài ra, một số dự án như Trường mầm non KCX Tân Thuận, UBND Q.7 đang thực hiện các thủ tục về cơ sở vật chất, Sở GD-ĐT đã thỏa thuận về quy mô. Khu công nghiệp Vĩnh Lộc với chủ đầu tư là Ban quản lý dự án ĐTXD Q.Bình Tân đã trình hồ sơ dự án tại Sở Kế hoạch và đầu tư (diện tích khoảng 5000m2, 16 phòng học và khu phụ, tổng mức đầu tư 28 tỷ)...

Sở GD-ĐT vẫn tổ chức họp giao ban xây dựng trường MN định kỳ một tháng/một lần với 24 quận, huyện nhằm nắm tiến độ và đôn đốc đẩy nhanh các công trình xây dựng trường MN trong KCX-KCN. Song song đó, Sở đang làm việc với các KCX-KCN và Ban quản lý các KCX và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) để xây dựng 13 trường MN ở đây với diện tích bình quân mỗi trường 5.000m2. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là quỹ đất, các KCX-KCN phải có quỹ đất cho các dự án MN.

* NTGĐ góp phần không nhỏ vào việc giải quyết chỗ học cho các đối tượng lao động nhưng chất lượng và việc quản lý đối tượng này vẫn còn nhiều vấn đề. Sở có biện pháp nào để chấn chỉnh?

- Để đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh nên gửi con ở các trường, nhóm lớp có phép (có bảng tên trường, quyết định cấp phép của UBND…). Sở đã chỉ đạo các quận, huyện quản lý chuyên môn, hỗ trợ tập huấn, xây dựng chuyên đề, cung cấp tài liệu… cho các trường MN tư thục, dân lập và nhóm trẻ có phép. Các quận, huyện đều thực hiện chia các trường thành cụm và sinh hoạt chuyên môn không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập.

Trường công lập thường nhận trẻ từ 16-18 tháng trở lên; trường ngoài công lập nhận từ 12 tháng trở lên. Với số trẻ dưới 12 tháng, phụ huynh buộc phải gửi ở những điểm giữ trẻ để đi làm. Những hộ kinh doanh nhóm trẻ mà không đăng ký hoạt động đàng hoàng thì vẫn phải kiên quyết xử lý để đảm bảo an toàn cho trẻ. Phụ huynh nên chọn những NTGĐ được cấp phép.

* Quan điểm xử lý của Sở GD-ĐT trong sự việc bạo hành trẻ ở Q.Thủ Đức như thế nào?

- Từ 6g sáng ngày 17/12, Chủ tịch UBND TP.HCM và tôi đã có cuộc làm việc về việc xử lý vấn đề này. Đồng chí Chủ tịch UBND TP cùng với Sở GD-ĐT đã có buổi làm việc với UBND Q.Thủ Đức. Chúng tôi không thể chấp nhận cách hành xử thiếu đạo đức và phản sư phạm như vậy. Dù quản lý địa bàn đối với những điểm giữ trẻ gia đình được phân cấp về địa phương nhưng quan điểm của TP là sẽ xử lý đến nơi vụ này. Trước mắt, Sở tham mưu để UB ra chỉ thị chấn chỉnh hoạt động và nâng cao chất lượng các NTGĐ. Đề nghị Q.Thủ Đức tổng rà soát lại những điểm giữ trẻ tự phát, nắm thật chắc danh sách những điểm chưa ổn, nơi nào không đủ chất lượng bắt buộc phải ngưng hoạt động ngay. Sau đó là tập huấn chuyên môn, kỹ năng nuôi dạy trẻ theo từng cụm...

* Ông nghĩ sao khi chủ điểm giữ trẻ này tốt nghiệp ĐH ngành sư phạm, có đầy đủ chứng chỉ hẳn hoi nhưng vẫn bạo hành trẻ dã man như vậy?

- Đây là hành vi rất đáng trách. Chủ điểm giữ trẻ chẳng những có bằng cấp hẳn hoi, từng là giáo viên MN nhưng lại có cách hành xử vi phạm đạo đức nghề giáo. Thêm nữa, người này vẫn cố tình không xin phép mở điểm giữ trẻ hợp pháp, dù đã bị kiểm tra xử phạt. Việc tuyển dụng người giữ trẻ cũng không đúng quy định.

* Xin cám ơn ông.

 TIÊU HÀ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI