Trường khuyết lãnh đạo, sinh viên lãnh đủ

22/01/2022 - 07:11

PNO - Hai trường đại học vì thiếu các chức danh lãnh đạo nên người tốt nghiệp cứ mòn mỏi… chờ bằng.

Chờ bằng tốt nghiệp hoài không thấy

Hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ của Trường đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TPHCM dù đã tốt nghiệp các đợt từ tháng 5/2021 đến nay vẫn chưa nhận được bằng. Lý do, trường chưa có hiệu trưởng. Nhiều sinh viên tốt nghiệp các đợt xét tháng 7 và tháng 10/2021, học viên cao học và nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ tháng 5/2021 cho biết, vẫn chưa nhận được bằng tốt nghiệp, gây khó khăn cho việc đi làm. Những ngày qua, nhiều người đã liên hệ với nhà trường đề nghị cấp bằng tốt nghiệp chính thức nhưng vẫn chưa được. Mới đây, phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Trường Thịnh, phụ trách nhà trường, phải có thông báo đến người học liên quan đến việc chậm cấp, phát văn bằng tốt nghiệp các trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ. 

 

 

Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nơi đang có hàng ngàn cử nhân tốt nghiệp các đợt từ tháng 5/2021 đến nay vẫn chưa nhận được bằng - ẢNH: PHÚC TRẦN
Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nơi đang có hàng ngàn cử nhân tốt nghiệp các đợt từ tháng 5/2021 đến nay vẫn chưa nhận được bằng - Ảnh: Phúc Trần

Theo số liệu chúng tôi có được, hiện có ba tiến sĩ, 67 thạc sĩ, hơn 1.680 cử nhân ĐH chính quy và hơn 860 cử nhân ĐH hệ không chính quy dù đã tốt nghiệp từ lâu nhưng vẫn phải chờ bằng tốt nghiệp. Điều này gây không ít khó khăn cho người học, bởi nhiều người trong số này đang cần bằng chính thức để hoàn tất hồ sơ xin việc, thi tuyển công chức, học lên tiếp…

PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh cho rằng, theo quy định tại Thông tư 21/2019 về quy chế quản lý bằng tốt nghiệp, “văn bằng giáo dục ĐH do giám đốc ĐH, hiệu trưởng trường ĐH, giám đốc học viện, viện trưởng viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo và cấp văn bằng ở trình độ tương ứng cấp”. Tuy nhiên, hiện nay, trường chưa có quyết định công nhận hiệu trưởng nên chưa thực hiện việc cấp, phát văn bằng theo kế hoạch dự kiến.

Thực trạng này đã được người trong giới sớm dự báo, bởi trường này hiện đang khuyết nhiều nhân sự lãnh đạo dẫn đến nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến người học. Tháng 4/2021, Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có quyết nghị PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Nguyễn Trường Thịnh được Hội đồng trường giao phụ trách nhà trường từ ngày 1/5/2021. Nhưng đến tháng 7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có văn bản gửi trường thông báo lý do không công nhận hiệu trưởng đối với PGS Thịnh. Sau đó không lâu, vào tháng 10/2021, PGS-TS Ngô Văn Thuyên, Chủ tịch Hội đồng trường, đã nộp đơn xin từ chức. Ngày 29/11/2021, hội đồng trường này đã họp xem xét đơn xin từ chức và bỏ phiếu đồng ý cho ông Ngô Văn Thuyên thôi chức vụ. Từ đó đến nay, trường này khuyết những vị trí lãnh đạo cao nhất.

Giữa tháng 12/2021, Bộ GD-ĐT một lần nữa có hướng dẫn và yêu cầu nhà trường phải kiện toàn hội đồng trường và các vị trí lãnh đạo, quản lý. Hiện nay, trường này vẫn trống nhiều vị trí: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Trưởng phòng Đào tạo.

Khoảng 2.000 sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng từng nằm trong hoàn cảnh tương tự khi hiệu trưởng nhà trường đột ngột bị đình chỉ công tác và cách chức. Trong lúc nhà trường chờ đoàn công tác của Bộ GD-ĐT chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Giáo dục ĐH về việc thành lập hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo thì sinh viên phải chịu cảnh hoãn cấp bằng trong thời gian dài. Sinh viên tốt nghiệp từ tháng 9/2020 nhưng chỉ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp và bảng điểm… dùng tạm cho đến khi trường có Quyền hiệu trưởng mới vào tháng 4/2021 và đến tháng Năm mới bắt đầu cấp bằng.   

Chỉ có người học chịu thiệt

Theo PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, trong tháng 1/2022, trường sẽ tổ chức cấp chứng nhận tốt nghiệp cho tất cả học viên cao học, nghiên cứu sinh và sinh viên đã được công nhận tốt nghiệp trong thời gian trên. Chứng nhận tốt nghiệp có giá trị sử dụng thay thế cho văn bằng tốt nghiệp chính thức trong thời gian trường kiện toàn nhân sự. Nhà trường cam kết sẽ đảm bảo tối đa các quyền lợi hợp pháp của người học, hỗ trợ việc xác minh thông tin đã tốt nghiệp cho các công ty, doanh nghiệp, tổ chức mà người học của trường đang công tác khi có nhu cầu.

Thực tế “lời hứa” đảm bảo quyền lợi của người học chỉ có hiệu nghiệm khi nhà trường kiện toàn xong bộ máy. Nhưng khi nào kiện toàn xong bộ máy nhân sự để có thể cấp phát bằng chính thức cho người học thì bản thân nhà trường rất khó đưa ra câu trả lời. Còn nhớ, tháng 1/2021, sau nhiều tháng liền Trường ĐH Tôn Đức Thắng khuyết hiệu trưởng thì cả những người được giao điều hành trường cũng không thể biết chính xác khi nào có thể cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Trường phải kiện toàn bộ máy nhân sự, hội đồng trường theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Khi nào có hội đồng trường và nhân sự lãnh đạo thì khi đó sinh viên mới có thể nhận được bằng tốt nghiệp. Chỉ biết rằng, đã và đang có hàng ngàn sinh viên, học viên phải… dài cổ chờ bằng vì sự dùng dằng, thiếu khuyết lãnh đạo của trường. Lỗi đó có thể không thuộc về nhà trường và chắc chắn không do người học nhưng có vẻ đến thời điểm này đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất lại chính là người học. 

Theo một chuyên gia giáo dục, câu chuyện liên quan đến việc bầu và công nhận hiệu trưởng tại nhiều trường ĐH công lập hiện nay chứng tỏ đang có những khoảng trống pháp lý. Cơ sở giáo dục ĐH công lập hiện nay chịu sự chi phối của Luật Giáo dục ĐH vừa có hội đồng trường vừa có hiệu trưởng và cũng là đơn vị sự nghiệp công lập chịu sự chi phối của Luật Viên chức, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công… nên dễ xảy ra vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành, có thể gây ảnh hưởng đến người học. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI