Trường học xoay xở đủ cách lấp “khoảng trống” thiếu giáo viên

29/08/2023 - 11:55

PNO - Thiếu giáo viên trầm trọng, nhiều trường học ở Nghệ An, Thanh Hóa buộc phải tìm nhiều giải pháp lấp “khoảng trống” trong thời gian chờ đợi chỉ tiêu biên chế.

Năm học 2023-2024, Nghệ An thiếu khoảng 6.500 giáo viên. Trong đó nhiều nhất là bậc mầm non với hơn 2.909 giáo viên, sau đó là bậc tiểu học, THCS và THPT và đội ngũ nhân viên trường học. Việc tăng học sinh, tăng lớp trong khi thiếu giáo viên gây khó khăn trong công tác bố trí dạy học. Trước bối cảnh đó, nhiều địa phương buộc phải luân chuyển giáo viên từ các trường với nhau để cân đối.

Cô trò Trường mầm non Hưng Dũng, TP. Vinh - Ảnh: Khánh Trung
Cô trò Trường mầm non Hưng Dũng, TP Vinh - Ảnh: Khánh Trung

Từ quy mô trường học có 24 lớp, năm nay Trường THCS Trung Đô (TP Vinh) tăng lên 28 lớp. Tăng học sinh, tăng lớp, năm học này nhà trường vẫn có thể đảm bảo đủ phòng học cho học sinh học 1 ca khi chuyển các phòng học chung như phòng ngoại ngữ, phòng máy chiếu sang phòng học. Song vấn đề “đau đầu” nhất của trường này là hiện đang thiếu quá nhiều giáo viên.

Thầy Nguyễn Minh Khoa - Hiệu trưởng Trường THCS Trung Đô - cho biết, hiện trường này đang thiếu 7 giáo viên các môn: thể dục, hóa học, vật lý, sinh học, tin học, toán... Đây là điều khó khăn cho nhà trường trong việc bố trí giáo viên cho năm học này. Trong lúc chờ đợi được bổ sung biên chế, nhà trường buộc phải trích một phần học phí để hợp đồng giáo viên.

Bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh - cho biết, chỉ riêng cấp THCS, năm nay TP Vinh đã tăng 4.000 học sinh. Năm học 2022-2023, hàng chục giáo viên ở TP Vinh xin nghỉ việc dù đã vào biên chế. 

“Nghỉ việc nhiều nhất vẫn là giáo viên mầm non. Cũng đáng lo chứ, thà rằng là giáo viên hợp đồng, chứ đàng này đã vào biên chế nhiều cô vẫn xin nghỉ” - bà Thảo nói và cho biết có nhiều nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do áp lực công việc cao, trong khi thu nhập lại thấp. 

“Trước mắt các trường cũng chỉ có thể trích tiền hợp đồng thỉnh giảng, hoặc kêu gọi giáo viên dạy thêm giờ. Nếu trường thiếu ít giáo viên có thể liên kết 2 trường ký hợp đồng thỉnh giảng với 1 giáo viên” - bà Thảo nói.

Nói về điều này, thầy Nguyễn Minh Khoa cho rằng, việc hợp đồng giáo viên để đủ giáo viên đứng lớp chỉ là giải pháp trước mắt bởi khó đảm bảo chất lượng. Bởi lẽ, đây đều là những giáo viên trẻ, mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa được tập huấn nhiều về chuyên môn. Vì vậy, khi tuyển các giáo viên này về, nhà trường phải mất nhiều tháng bồi dưỡng, hướng dẫn và cho các giáo viên tập giảng. 

Ông Hà Tự Nhiên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) - cho biết, năm học 2023-2024, toàn huyện thiếu hơn 230 giáo viên ở các cấp. Trăn trở lớn nhất hiện nay là thiếu giáo viên môn tin học để thực hiện Chương trình GDPT 2018. “Cũng không còn cách nào khác, giờ phải tăng tiết, tăng giờ, biệt phái liên trường để đảm bảo công tác dạy và học thôi” - ông Nhiên nói.

Thanh Hóa là một trong những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất trên cả nước khi thiếu gần 7.000 giáo viên. Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII giữa tháng 7/2023, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa - cho biết, trước mắt đơn vị này sẽ phối hợp với ngành nội vụ ưu tiên tuyển dụng giáo viên ở các bộ môn còn thiếu nhiều.

Trường hợp chưa kịp tuyển dụng giáo viên, các địa phương sẽ hợp đồng với sinh viên mới ra trường và giáo viên đã nghỉ hưu, còn đủ sức khỏe và tâm huyết với nghề. Ngoài ra, tỉnh sẽ bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp, dạy tăng tiết.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI