Trường học vắng bóng điện thoại

11/11/2024 - 06:35

PNO - Để học sinh “nói không với điện thoại”, các trường ở tỉnh Nghệ An đã đưa trò chơi dân gian vào trường, tổ chức cho các em vui chơi trong giờ giải lao thay vì “dán mắt” vào điện thoại di động.

Cất điện thoại để tăng tương tác

Giờ chơi, sân Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu) rộn rã tiếng cười đùa của các học sinh (HS) cổ vũ bạn chơi nhảy dây, ô ăn quan, cờ vua, cờ gánh… Hình ảnh này rất khác với trước đây khi HS cứ dán mắt vào điện thoại di động để chơi game, lướt Facebook.

Hội ý với bạn cách đi trò ô ăn quan, Trần Khánh Duyên - HS lớp Mười một - cho biết, rất thích thú khi được chơi lại những trò chơi tuổi thơ. Gần 2 tuần qua, nữ sinh này không còn mang điện thoại đi học khi được nhà trường phổ biến cuộc vận động “HS Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học”. Em nói: “Bạn nào cũng có điện thoại, nhưng giờ ra chơi chẳng còn ai sử dụng nữa. Chơi với nhau như thế này em thấy thư giãn hơn nhiều”. Hiệu trưởng nhà trường Phan Trọng Đông cho hay, dù mới triển khai nửa tháng, song cuộc vận động đã tạo nên chuyển biến tích cực. HS năng động, tỉnh táo và có sự kết nối với nhau nhiều hơn.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân chơi trò chơi dân gian trong giờ giải lao
Học sinh Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân chơi trò chơi dân gian trong giờ giải lao

Gần nửa tháng qua, những trò chơi dân gian tưởng chừng như đã bị lãng quên cũng được HS Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (huyện Thanh Chương) làm “sống lại” trong tiếng cười rộn rã. Ông Lê Hải Nam - Hiệu phó nhà trường - cho hay, để hoạt động này được duy trì, và tạo thêm sức hút, trường đã đưa các trò chơi vào thi đấu hằng tuần để tìm nhà vô địch từng môn thi ở từng khối, lớp. Đây cũng là một trong các tiêu chí đánh giá hạnh kiểm, khuyến khích điểm thi đua cho HS. “Từ khi trường tổ chức thi đấu các trò chơi dân gian đã có sự chuyển biến rất rõ. Các em cùng chơi, thảo luận, trò chuyện với nhau nhiều hơn. Khi tinh thần đã thoải mái, các em cũng tập trung và tích cực hơn trong giờ học” - ông nói.

Phụ huynh ủng hộ

Trước khi vào tiết học đầu tiên, HS Trường THPT Quỳnh Lưu 1 (huyện Quỳnh Lưu) tắt tiếng điện thoại, để vào tủ đựng đồ chung của lớp. Quy định này đã được trường thực hiện 4 năm nay. Theo Hiệu phó nhà trường Hồ Đình Quỳnh: “Năm đầu, vẫn còn một số phụ huynh không tán thành. Chúng tôi phân tích cái được, cái mất và thiết lập đường dây nóng để phụ huynh liên lạc với trường trong giờ học khi cần thiết nên họ đồng ý. Mọi thứ đã đi vào nền nếp, không khí vui tươi luôn tràn ngập ở trường, thành tích học tập của HS cũng tăng lên”. Ngoài tổ chức trò chơi dân gian, trường còn thiết kế các không gian đọc sách ngoài trời để những HS thích không gian yên tĩnh tìm đến.

Với đặc thù hơn 90% HS là con em người dân tộc thiểu số từ các huyện miền núi xuống học, việc sử dụng điện thoại của HS được Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Nghệ An số 2, TP Vinh quản lý rất chặt. HS phải nộp lại điện thoại cho giáo viên chủ nhiệm giữ hộ. Không còn phụ thuộc vào điện thoại, phần lớn HS đều chỉ chơi cờ, đọc sách trong giờ giải lao. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp trường luôn đứng tốp đầu của tỉnh về kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ông Hồ Quốc Việt - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: “Vì các em ở nội trú, nếu quản lý không chặt thì đêm có thể các em sẽ sử dụng điện thoại nhiều, ảnh hưởng đến việc học và giấc ngủ. Khi đã đi vào nền nếp thì HS cũng quen không dùng đến điện thoại nữa”.

Sau 2 tuần ngành giáo dục phát động “HS Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học”, đa số trường học đã tích cực hưởng ứng. Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Nghệ An - thông tin: “Hình ảnh HS cầm điện thoại lướt Facebook, TikTok, chơi game… ở trường học cơ bản không còn. HS tương tác với nhau nhiều hơn, thúc đẩy môi trường giáo dục lành mạnh hơn. Phụ huynh cũng ủng hộ cuộc vận động này. Nhiều người bày tỏ làm sao lan tỏa được tinh thần này ở nhà, vì HS sử dụng điện thoại rất nhiều, cha mẹ nhắc nhở không được”.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI