Trường học vẫn gặp khó về kit xét nghiệm F1

04/03/2022 - 08:42

PNO - Đây là một trong những khó khăn của các cơ sở giáo dục khi dạy và học trực tiếp được Sở GD-ĐT TPHCM nêu ra trong báo cáo gửi HĐND TPHCM.

Cụ thể, theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM gửi HĐND TPHCM về kết quả tổ chức học tập trực tiếp năm học 2021-2022 giai đoạn từ sau tết đến nay trên địa bàn thành phố, số trường tổ chức dạy học trực tiếp trên toàn thành phố ngày 18/2 đã tăng so với ngày đầu tiên trở lại trường sau tết (14/2).

Cụ thể, ở bậc mầm non, số trường mở cửa đón học sinh đạt 85,34%, với tỷ lệ trẻ đến trường là 70,51%. Ở bậc tiểu học, THCS, THPT 100% trường học mở cửa đón học sinh, với tỷ lệ học sinh trở lại trường lần lượt là 96,01%, 96,89% và 98,93%.

Trong khi đó, tuần đầu tiên trở lại trường sau tết (14/2), số trường tổ chức dạy học trực tiếp trên toàn thành phố ở bậc mầm non đạt 85,20%, với tỷ lệ 66,30% trẻ đến trường. Ở bậc tiểu học, tỷ lệ trường tổ chức dạy học trực tiếp là 99,82% (509/510 trường) với 95,99% học sinh trở lại trường. Ở bậc THCS, số trường dạy học trực tiếp đạt 98,65% (281/285 trường) với 96,89% học sinh đi học. Ở bậc THPT, 100% trường mở cửa với 98,93% học sinh đến trường.

Trường học vẫn gặp khó khăn về kit xét nghiệm F1
Trường học vẫn gặp khó khăn về kit xét nghiệm F1

Sở GD-ĐT đánh giá, hoạt động học tập trực tiếp trên địa bàn thành phố thời gian qua dù có nhiều thuận lợi khi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và các quận huyện. Sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa Sở Y tế và Sở GD-ĐT, đội ngũ nhà trường được tập huấn đầy đủ...

Tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều khó khăn: cơ sở y tế nhiều nơi không phối hợp kịp thời trong việc kiểm soát dịch COVID-19 tại cơ sở giáo dục. 

Phần lớn các cơ sở giáo dục khó khăn về thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, xử lý tình huống khi có ca nghi hoặc nhiễm bệnh và tầm soát F1 trong trường học. Sở GD-ĐT đã phối hợp Sở Y tế cấp kit xét nghiệm nhanh đợt 1 về trường công lập, tuy nhiên chỉ được dùng để tầm soát F0 theo quy định. Việc xét nghiệm cho F1 hiện nay vẫn còn là vấn đề lớn. Do nhiều nơi, y tế cơ sở chưa thực hiện đúng theo quy định việc sử dụng kit xét nghiệm của cơ sở y tế để xét nghiệm F1.

Nhiều cơ sở giáo dục thiếu nhân viên y tế trường học chuyên trách. Do đó, giáo viên vừa làm chuyên môn vừa kiêm nhiệm, điều này gây khó khăn trong việc thực hiện phòng, chống dịch tại trường.

Một số cha mẹ học sinh không khai báo y tế địa phương và nhà trường khi có con em bị nhiễm bệnh trong thời gian học trực tiếp tại trường, gây cản trở trong công tác khoanh vùng xử lý F1 tại trường.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm đang tăng trở lại. Số lượng cơ sở giáo dục và học sinh tổ chức dạy học và tham gia học trực tiếp với quy mô toàn thành phố là rất lớn.

Để đảm bảo công tác tổ chức hoạt động học tập trực tiếp tại các đơn vị bền vững và hiệu quả, Sở GD-ĐT TP kiến nghị HĐND TP quan tâm đến chế độ, chính sách cho giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý trường học, nhân viên y tế trường học, nhằm tăng cường lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chăm sóc sức khỏe học sinh tại cơ sở giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, thống kê từ phòng GD-ĐT cấp huyện, từ ngày 7/2 đến ngày 2/3 có 3.689 ca nghi nhiễm là cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 381 ca phát hiện tại trường. Có 40.385 ca nghi nhiễm là học sinh, trong đó, phát hiện tại trường 2.160 ca.

Tấn Dũng - Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI