Trường học trở thành mặt trận mới chống COVID-19

30/10/2021 - 06:01

PNO - Việc tái mở cửa trường học khiến số ca nhiễm gia tăng, buộc các nước đẩy nhanh tiêm chủng cho học sinh để bảo vệ các em, nhân viên nhà trường và cả cộng đồng.

Áp lực ca nhiễm khi mở cửa trường học

Một nghiên cứu đăng trên kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học Quốc gia Mỹ cho thấy, việc các trường học mở cửa trở lại vào cuối năm 2020 tại Mỹ có liên quan đến sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 và tử vong. Một phần xu hướng gia tăng liên quan đến việc nới lỏng các hạn chế khác và do phụ huynh quay trở lại nơi làm việc. Nhưng quan trọng nhất, số trường hợp mắc và tử vong tăng nhiều nhất ở các quận mà học sinh và giáo viên không bị buộc phải đeo khẩu trang ở trường.

 

Số ca nhiễm COVID-19 tăng khi trường học mở cửa tại nhiều nước cho thấy sự cấp thiết trong việc chủng ngừa cho trẻ em - ẢNH: LOS ANGELES TIMES
Số ca nhiễm COVID-19 tăng khi trường học mở cửa tại nhiều nước cho thấy sự cấp thiết trong việc chủng ngừa cho trẻ em - Ảnh: Los Angeles Times

Ví dụ ấn tượng nhất về thất bại trong việc bảo vệ trường học đến từ nước Anh. Các trường tại nước này đã mở cửa trở lại vào tháng 9, nhưng giáo viên, học sinh… không bị buộc phải mang khẩu trang, các trường cũng đầu tư rất ít vào việc nâng cấp hệ thống thông gió để tạo sự thông thoáng tốt nhất.

Trong vòng một tháng sau đó, xét nghiệm ngẫu nhiên cho thấy có 8% trẻ em trung học và 3% trẻ em ở cấp mầm non, tiểu học dương tính. Trong khi tỷ lệ nhiễm bệnh ở người lớn thấp hơn nhiều - khoảng 1% hoặc ít hơn ở tất cả nhóm tuổi - nhờ hơn 80% người từ 16 tuổi trở lên đã tiêm đủ hai liều vắc xin.

Theo giáo sư Paul Elliott - Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hoàng gia London - dữ liệu mới nhất cũng chỉ ra rằng, các hộ gia đình có trẻ em cũng có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn, cho thấy trẻ em dường như là nguồn mang virus về nhà.

Trong khi đó, hàng loạt giáo viên trên khắp nước Mỹ bắt đầu nghỉ việc hoặc xin nghỉ hưu sớm giữa lúc trường học mở cửa trở lại cho năm học mới và số trường hợp mắc COVID-19 ở trẻ em không ngừng tăng lên trong những tuần gần đây. Amanda Tower - giáo viên tiểu học ở hạt Collier, bang Florida - quyết định nghỉ việc sau 11 năm giảng dạy.

Cô cho biết mình lo ngại khi trường đã ngừng áp dụng bắt buộc các biện pháp phòng dịch, các lớp học thì đông đúc và thông gió kém; học sinh không cần phải đeo khẩu trang và thường đến lớp ngay cả khi bị bệnh. 

Cần nhanh chóng tiêm chủng cho học sinh

Vào ngày 9/9, Los Angeles trở thành nơi đầu tiên tại Mỹ yêu cầu tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 tuổi trở lên tham gia lớp học trực tiếp. Mặc dù quyết định dẫn đến sự phản đối từ các phụ huynh và học sinh đang có tâm lý do dự trước vắc xin nhưng nhiều người đã hoan nghênh quyết định này. 

Trong khi đó, các bác sĩ nhi khoa và nhiều phụ huynh Mỹ đang rất trông đợi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép các loại vắc xin COVID-19 dùng để tiêm chủng cho khoảng 28 triệu trẻ em từ 5 - 11 tuổi trên toàn quốc.

Hôm 26/10, Ủy ban cố vấn của FDA đã xem xét dữ liệu thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em của vắc xin liều thấp do Pfizer/BioNTech sản xuất và nhất trí đề nghị FDA cấp phép tiêm chủng khẩn cấp. Qua đó, FDA và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) dự kiến sẽ sớm chấp thuận mũi tiêm Pfizer cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi trong những tuần tới. 

Trung Quốc cũng đã phát động chiến dịch tiêm chủng COVID-19 cho trẻ vị thành niên từ 3 - 11 tuổi trong tuần qua. Theo thông báo của các Ủy ban Y tế tại ít nhất năm tỉnh, trẻ em trong độ tuổi này sẽ tiêm hai mũi vắc xin do Sinopharm và Sinovac sản xuất, cách nhau ít nhất ba tuần. 

Các chuyên gia cho rằng, cần phải đẩy nhanh việc tiêm chủng cho trẻ em, để biến trường học - mặt trận mới chống COVID-19 - trở thành nơi an toàn, đồng thời để bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là người cao tuổi, khi mùa đông đến gần và làn sóng lây nhiễm mới đang lan rộng. 

Tấn Vĩ (theo New York Times, CNA, Nature, The Conversation, Guardian

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI