Trường học thông minh, học sinh được lợi gì?

06/11/2020 - 08:43

PNO - Hoạt động dạy và học sẽ không còn theo kiểu truyền thống, không cố định trong một lớp học hay giới hạn thời gian trong một tiết học 45 phút.

Hai đề án giáo dục quan trọng: giáo dục thông minh và đào tạo nhân lực trình độ quốc tế vừa được Thường trực Thành ủy thông qua, được xem như bước chuẩn bị ươm mầm và đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố trong tương lai.  

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết: “Về cơ bản, đề án giáo dục thông minh sẽ tạo nền tảng cho học sinh (HS) thành phố đủ trình độ công nghệ và ngoại ngữ nhất định, trở thành đầu vào cho nguồn nhân lực chất lượng cao”. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Dạy - học linh hoạt 

* Phóng viên: Nói sơ bộ để dễ hình dung thì giáo dục thông minh như tên gọi của đề án thứ nhất là như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Hiếu: Giáo dục thông minh trong đó trường học thông minh sẽ hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong việc quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục, đồng thời xây dựng môi trường tương tác trên không gian mạng giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Sự thay đổi rõ rệt nhất là dạy thông minh, học thông minh và quản lý thông minh. 
Khi đó, giáo viên sử dụng thành thạo bảng tương tác, thiết kế và thường xuyên áp dụng bài giảng e-learning trong dạy học; khai thác và đóng góp cho kho dữ liệu dạy học mở; ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học; dạy học tích hợp; dạy học trực tuyến; tổ chức thi, kiểm tra trên máy tính hoặc thiết bị cầm tay cá nhân… Ngoài những kỳ kiểm tra theo đề chung, giáo viên có thể ra đề kiểm tra, giao bài tập về nhà cho từng HS theo năng lực các em.

Còn HS sẽ học trong môi trường trực tuyến, có sách giáo khoa điện tử và tương tác, nhận được sự trợ giúp của giáo viên, bạn học. Các em sẽ có thời gian hình thành và rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm… 

Mục tiêu của đề án đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đưa ra: khuyến khích trẻ em học tiếng Anh từ mầm non, 100% trường phổ thông được dạy và học theo mô hình STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), toàn bộ trường phổ thông có hoạt động trao đổi giáo viên, HS với các trường phổ thông trong khu vực và quốc tế, 100% chương trình đào tạo của các ngành trọng điểm được kiểm định bởi tổ chức quốc tế… 
Đối với đề án giáo dục thông minh, bước đầu là mô hình thí điểm trung tâm điều hành giáo dục thông minh và mô hình trường học thông minh đang được gấp rút triển khai. Sắp tới thí điểm tại Q.1, Q.12 và năm trường trung học phổ thông chuyên, trường theo mô hình tiên tiến hội nhập của thành phố.

* Đó là sự thay đổi về cách thức, phương tiện. Thế thì hiệu quả mang lại cho HS từ những phương tiện này là gì?

- Sự thay đổi lớn nhất là môi trường học tập cởi mở hơn, thời gian không giới hạn, dữ liệu dạy học không gói gọn trong bài giảng mà là một chuỗi dữ liệu. Khi đó, hoạt động dạy và học sẽ không còn theo kiểu truyền thống, không cố định trong một lớp học hay giới hạn thời gian trong một tiết học 45 phút. Giáo viên lên lớp không chỉ cầm phấn viết, giảng rồi về. 
Giáo viên chuẩn bị sẵn dữ liệu dạy học theo chủ đề đưa lên hệ thống để cung cấp cho người học. Thầy có thể giảng trên lớp nhưng cũng có thể dạy học từ xa, dạy trên internet. Việc trao đổi với HS cũng có thể trực tiếp hoặc trực tuyến, liên thông với người học bằng dữ liệu.

Quá trình tham gia bài học của HS trở nên nhiều hơn, kể cả trước và sau giờ học. HS có thể dùng dữ liệu đó ở nhà, ở trường hay bất cứ đâu, linh hoạt thời gian, không phải chờ đến tiết đó giờ đó mới được học bài này. Giáo án mở, HS có thể tương tác, trích xuất bài giảng của thầy cô bất cứ lúc nào để xem lại đoạn giảng không hiểu hoặc cần đào sâu…

Internet thì không có giới hạn nên giáo viên phải có kỹ năng tìm kiếm thông tin và định hướng nguồn dữ liệu cho học trò. Ngoài thiết kế bài giảng chính còn có nhiều tài liệu kèm theo. Khi đó, HS sẽ được học và tìm hiểu theo nhu cầu và năng lực riêng. Có em chỉ học trong bài giảng là đủ nhưng sẽ có em mở rộng vấn đề. Lúc này, đòi hỏi người thầy phải có khả năng dạy học cá thể hóa theo năng lực và nhu cầu của từng HS. 

* Điều này có nghĩa là HS học trong trường học thông minh có thể không cần đến lớp?

- Trong các điều kiện đặc thù như dịch bệnh hay thiên tai, HS có thể ở nhà, học từ xa một cách chủ động. Khi ấy, các em sẽ học trực tuyến, làm bài kiểm tra trực tuyến.

* Vấn đề đau đầu hiện nay của nhiều cha mẹ là không thể tách con ra khỏi các thiết bị công nghệ. Liệu việc cho trẻ dùng máy tính bảng, điện thoại để học càng làm tăng thêm sự lệ thuộc vào công nghệ? Phụ huynh có gánh thêm phần trang bị những thiết bị này?

- Chỉ một số tiết học sử dụng chứ không phải tất cả. Khi cần sử dụng thì thầy cô cho phép. Máy tính bảng để học sẽ không có nhiều chức năng như chơi game, điện thoại… Riêng đối với học sinh tiểu học, việc sử dụng các thiết bị thông minh sẽ được nghiên cứu và thực hiện sao cho phù hợp với lứa tuổi các em.
Đề án được phê duyệt thì kinh phí mua sắm trang thiết bị là của Nhà nước. 

Học sinh thành phố sẽ đủ trình độ công nghệ và ngoại ngữ

* Dường như giáo viên sẽ phải làm việc với một khối lượng khổng lồ?

- Đúng vậy, yêu cầu với giáo viên cao hơn rất nhiều. Giáo viên phải có sự chuẩn bị công phu. Hoạt động dạy học thông minh xây dựng theo chủ đề, không phải theo bài học nên dữ liệu liên quan đến chủ đề sẽ khá lớn, đòi hỏi hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Trường học thông minh đòi hỏi giáo viên có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và cả vốn ngoại ngữ tốt. Với giáo viên trẻ hiện nay, ứng dụng công nghệ không phải vấn đề lớn lao. 

Học sinh Trường THPT chuyên  Trần Đại Nghĩa đang học trong thư viện thông minh - Ảnh: Thanh Thanh
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đang học trong thư viện thông minh - Ảnh: Thanh Thanh


* Ông có cho rằng giáo dục theo nhu cầu và năng lực cá thể quá lý tưởng trong điều kiện sĩ số lớp học đông như hiện nay?

- Hiện thành phố đang thí điểm ở năm trường có hạ tầng công nghệ và đội ngũ tốt gồm: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Du, THPT Nguyễn Hiền. 

Những trường này có sĩ số dưới 35 HS/lớp. Nếu đề án 300 phòng học/10.000 dân số độ tuổi đi học đạt được thì khi đó mỗi lớp chỉ 35 HS. Tuy nhiên, chỉ tiêu này cũng hơi lý tưởng.

* Liệu công nghệ có làm thay đổi các môn đạo đức, văn, sử, địa…?

- Tôi cho rằng không nhiều. Môn văn đòi hỏi thần thái của người truyền đạt, gieo đam mê và tình yêu với văn chương. Công nghệ có thể hỗ trợ thêm hình ảnh, âm nhạc giúp sự truyền đạt sinh động hơn nhưng không thể thay thế người thầy.

Chất văn, đạo đức thì dựa vào cái tâm và khả năng truyền đạt của người thầy sẽ quyết định mức độ thẩm thấu của người học. Dù trong trường thông minh tôi cho rằng, cũng có những giá trị truyền thống tồn tại song song. 

* Thế còn việc đưa trí tuệ nhân tạo vào dạy ở trường phổ thông có quá sớm không?

- AI là xu hướng của tương lai nhưng không phải ai cũng có khả năng. Hiện nay, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã đưa môn AI vào giảng dạy mỗi tuần từ 2-4 tiết cho những HS có nhu cầu và năng khiếu ở lĩnh vực này. Thời gian tới cũng chưa hẳn sẽ triển khai đại trà cho tất cả, mà chỉ cần đầu tư phát triển chuyên sâu cho những đối tượng phù hợp. 

Đưa công nghệ vào quản lý
Ngoài chuyện quản lý đơn thuần như mã số HS, bố trí trường thi, quản lý điểm số, tương tác với gia đình… cái lợi khác khi đưa công nghệ vào là quản lý được dữ liệu lớn và tính toán các vấn đề vĩ mô như quy hoạch trường lớp, tuyển sinh…

Thí dụ như dựa vào đăng ký địa chỉ tạm trú hoặc hộ khẩu được mã hóa thành dữ liệu điện tử, phần mềm quản lý có thể giúp tính toán khu vực nào cần thêm bao nhiêu phòng học trong tương lai, đặt tại khu vực nào là hợp lý… 
Khi đó, việc tuyển sinh cũng khắc phục được hạn chế như hiện nay. Trường bên đây nhưng nhà bên kia đường đã là trái tuyến, sẽ dẫn đến những khó khăn nhất định.

Trường từ mầm non đến trung học cơ sở do quận quản lý, đầu tư kinh phí… nên HS bên kia đường rơi vào trường hợp trái tuyến. Áp dụng quản lý thông minh, dựa vào bản đồ GIT sẽ đo khoảng cách để chỉ ra trường nào gần với địa chỉ khai báo nhất thì người học sẽ có tên trong danh sách trường đó, phụ huynh đến đăng ký. 
Camera phải thông minh, quét nhận dạng bằng mống mắt. Khi học sinh đi qua, ít nhất có ba người nhận được thông tin: quản lý nhà trường, giám thị trực và phụ huynh. Trẻ con rất cần sự quản lý này để đảm bảo an toàn.


Tiêu Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI