Trường học nói "không" với thiết bị di động

25/12/2015 - 16:34

PNO - Trung Quốc có những trại “cai nghiện game” với kỷ luật kiểu quân đội kèm trị liệu tâm lý, “cai nghiện điện thoại di động” bắt đầu xuất hiện ở nhiều nơi.

Điện thoại di động dùng trong lớp học có thể hỗ trợ học sinh tra cứu nhanh thông tin, dễ tiếp cận tài liệu liên quan đến bài học. Tuy nhiên, sử dụng điện thoại không đúng mục đích lâu dần trở thành thói quen khó bỏ của nhiều học sinh, buộc nhà trường phải ngăn chặn. Mới đây, Đại học Công nghệ tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) yêu cầu sinh viên để lại điện thoại trên túi treo bên ngoài cửa lớp, tránh sự xao nhãng học hành.

Truong hoc noi
Sinh viên Đại học Công nghệ thuộc tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) phải cất điện thoại một chỗ trong giờ học - Ảnh: CHINA NEWS

Trung Quốc hiện có 668 triệu người thường xuyên truy cập internet thì 594 triệu người thao tác tìm kiếm thông tin bằng điện thoại. Trong đó, 78% số người từ 10-39 tuổi ăn, ngủ cùng điện thoại, riêng số người trong khoảng 20-29 tuổi là 31,4%.

Trung Quốc có những trại “cai nghiện game” với kỷ luật kiểu quân đội kèm trị liệu tâm lý, giờ đây, “cai nghiện điện thoại di động” bắt đầu xuất hiện ở một số nơi. Người nghiện phải thực hiện bài tập với chiếc điện thoại trong những tư thế lạ lùng như kẹp điện thoại bằng môi, giữ điện thoại thăng bằng trên đầu, trên một bàn chân… Song song đó là bài tập thể lực, kỹ năng mềm, giúp ”con nghiện” tìm thấy niềm vui trong giao tiếp và các hoạt động hàng ngày.

Nghiện điện thoại giờ là “cuộc chiến” với chính mình của người trẻ, nhằm giành lại trí tuệ, năng lực tư duy. Nhiều nơi trên thế giới cũng không cho phép học sinh, sinh viên dùng điện thoại trong giờ học.

Trung tâm thực nghiệm thuộc Trường kinh tế London thực hiện cuộc khảo sát với một số trường học cấm học sinh dùng điện thoại trong lớp một tuần. Kết quả cho thấy, 6,4% học sinh có kết quả học tập tích cực hơn và tỷ lệ này được cho là có thể tăng nhiều nếu nhà trường kiên trì áp dụng.

Ở Anh, hơn 90% trẻ từ 10- 19 tuổi sở hữu điện thoại riêng. Từ năm 2012, 98% các trường học ở Anh không cho phép sử dụng điện thoại di động trong lớp bằng cách yêu cầu học sinh nộp điện thoại vào đầu giờ.

Những năm gần đây, các nhà khoa học thực hiện rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu tác động của nghiện điện thoại di động, đặc biệt đối với giới trẻ. Họ phát hiện hội chứng có tên “nomophobia” - nỗi ám ảnh vì không có điện thoại di động.

Giới chuyên gia tâm lý cho rằng, hội chứng trên ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các cá nhân phụ thuộc vào thiết bị công nghệ thông minh này. Vì lẽ đó, không ít học sinh sẵn sàng có hành vi khiếm nhã một khi “cơn nghiện” không được đáp ứng.

Hồi tháng Chín, đoạn clip xuất hiện trên mạng quay lại cảnh một nữ sinh liên tiếp đánh lên đầu thầy giáo chỉ vì bị thầy tịch thu điện thoại. Vụ việc xảy ra tại trường trung học Roosevelt (thành phố Fresno, bang California, Mỹ). Sự hung hăng của học sinh này khiến nhiều người bất ngờ. Theo ý kiến của các nhà tâm lý học, nhà trường, gia đình hoặc tổ chức xã hội địa phương nên cùng tư vấn, giúp em “tái hòa nhập cộng đồng”, sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào điện thoại.

Ông John Fenaughty, Giám đốc Tổ chức An toàn mạng NetSafe (New Zealand) khuyên, song song với việc cấm sử dụng điện thoại, người lớn phải giải thích cho các em cặn kẽ tác hại của việc phụ thuộc thiết bị công nghệ.

Bằng cách cung cấp nhiều hoạt động bổ ích cho giới trẻ, chúng ta mới giúp các em tự làm chủ thời gian, lựa chọn những gì hữu ích. John Fenaughty nhấn mạnh: “Chúng ta không thể cưỡng lại mặt tích cực mà công nghệ mang đến vì giúp chúng ta tiếp cận tri thức nhanh chóng”.

Cô Monica Burn, chuyên gia tư vấn ứng dụng công nghệ trong giáo dục chia sẻ: “Đi cùng sự bùng nổ thiết bị di động là thị trường ứng dụng với muôn vàn tiện ích mà các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên có thể tận dụng. Giáo viên ở thời đại này không cần photo tài liệu dày cộp, chỉ cần chuyển tư liệu lên dropbox và cài đặt chia sẻ cho tất cả học sinh dễ dàng tham khảo. Chúng ta hãy khai thác các ứng dụng ấy một cách thông minh, tạo môi trường học tập năng động hơn”.

Tại trường trung học Melrose (bang Massachusetts, Mỹ), khi học về các môn khoa học tự nhiên, học sinh sẽ cài ứng dụng đo lường nhiệt độ, truy cập khối lượng riêng, công thức tính toán, đo cường độ âm thanh… để không tốn nhiều thời gian tính toán. Ở trường Burlington, học sinh học tiếng Tây Ban Nha thực hành kỹ năng giao tiếp bằng phần mềm tải về iPad.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI