Trường học nỗ lực hỗ trợ học sinh bằng tham vấn học đường

31/01/2024 - 06:06

PNO - Nhiều trường học đã vượt qua khó khăn chung để xây dựng phòng tham vấn học đường “hữu danh, hữu thực” - giúp học sinh vượt qua những khó khăn tâm lý trong học tập và cuộc sống.

Điểm đến tin cậy của học sinh

Giờ ra chơi, một nhóm học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM) đến trước cửa Phòng tham vấn tâm lý học đường của trường. Các em dừng lại hồi lâu trước chiếc hộp màu vàng - hòm thư của hoạt động “Thay lời muốn nói”, được thực hiện bởi Câu lạc bộ Tâm lý và Kỹ năng thuộc phòng tham vấn. Bất cứ học sinh nào cũng có thể đến đây, nhận giấy, viết ra những tâm tư, tình cảm của mình và tên người mình muốn gửi. Cuối tuần, phòng sẽ tổng hợp lại và chuyển đến tận tay người nhận.

Buổi “Giáo dục cảm xúc xã hội thông qua nghệ thuật” do Phòng tham vấn học đường của Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Ba Đình, TP Hà Nội) tổ chức - ẢNH: N.T.
Buổi “Giáo dục cảm xúc xã hội thông qua nghệ thuật” do Phòng tham vấn học đường của Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Ba Đình, TP Hà Nội) tổ chức - Ảnh: N.T.

“Em có nhiều tâm sự muốn gửi đến cô giáo chủ nhiệm nhưng lại ngại nói trực tiếp, may nhờ có hộp thư này mà em đã bày tỏ được đến cô” - một học sinh lớp Mười hai chia sẻ.

Phòng tham vấn học đường của Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa, TP Hà Nội) ấm cúng, thân thiện, bày trí bàn ghế, lọ hoa như không gian của thư viện hiện đại. Học sinh có thể đến gặp cô Thanh An - phụ trách phòng tham vấn - để trò chuyện, chia sẻ như những người bạn. Cuối học kỳ I vừa qua, các em đã được hòa mình vào hoạt động “Giáo dục cảm xúc xã hội thông qua nghệ thuật” cùng cha mẹ, người thân của mình.

Lê Minh Hạnh - có em đang học ở đây -  chia sẻ: “Em trai tôi học lớp Sáu, khá nhút nhát nên gia đình luôn mong em được tham gia những hoạt động như vậy để mạnh  dạn hơn”.

Đây là 1 trong 6 phòng tham vấn học đường đầu tiên của TP Hà Nội hoạt động với tiêu chuẩn 3C (chuyên nghiệp, chuyên môn, chuyên trách). Nhân viên chuyên trách của phòng là chuyên viên được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực tâm lý và kỹ năng tham vấn tâm lý lứa tuổi học đường.

Với khẩu hiệu “phòng tham vấn học đường - nơi chia sẻ và trao gửi yêu thương”, đây không chỉ là nơi các em được lắng nghe mà còn giúp các em thực hiện nhiều bài kiểm tra liên quan đến năng lực, hành vi. Q.A. (học sinh lớp Tám) cho biết: “Ngoài trực tiếp đến phòng, nếu ngại chúng em có thể chia sẻ với các thầy cô qua điện thoại, Zalo, Facebook”.

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, TP Hà Nội) thì thành lập phòng tư vấn học đường vào năm 2002. Đây là một trong những cách làm hiệu quả đối với việc “cảm hóa” học sinh. Năm học trước, trường đón 1 học sinh cuối cấp từ trường khác chuyển sang. Giáo viên chủ nhiệm đã phát hiện em mắc chứng ám ảnh, sợ xã hội. Em không tập trung chú ý học, không chơi với ai. Vấn đề của em lập tức được chuyển đến phòng tư vấn.

Sau 3 buổi trao đổi, nhân viên chuyên trách xác định em mắc chứng hoang tưởng, nghiện game. Gia đình cũng xác nhận em mắc chứng này từ lâu. Nhận thấy vấn đề của em phải can thiệp chuyên sâu, trường đã kết nối với chuyên gia tâm lý. Đến buổi trò chuyện thứ tư với nhân viên chuyên trách, em mới đồng ý gặp chuyên gia.

Suốt 35 năm hoạt động, đầu vào của trường đều là những em có hoàn cảnh đặc biệt. Các em hổng kiến thức từ cấp dưới, cả nền nếp học tập và khả năng tự học đều yếu. Vì vậy, trường vừa vận hành phòng tư vấn học đường chuyên nghiệp vừa kết hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp để nắm được vấn đề cần tháo gỡ của từng em.

Đầu tư lực lượng chuyên trách

Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6, TPHCM) đã đầu tư sửa sang phòng tham vấn thành không gian kín đáo, chuyên nghiệp và an toàn hơn. Một cô giáo có nhiều gắn kết với học sinh phụ trách để hỗ trợ tham vấn cho các em. Tránh tình trạng không kịp thời hỗ trợ khi cần thiết, trường đã tuyển thêm cộng tác viên là những học sinh có đam mê và năng khiếu về tư vấn tâm lý. Các em đảm nhận việc kiểm tra bước đầu để đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề, xếp thứ tự tham vấn. Đây sẽ là “cánh tay nối dài” của cô giáo ở các khối, các lớp để quan sát biểu hiện, động viên và hỗ trợ học sinh từ góc độ bạn bè.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành nhận được nhiều lời khuyên hữu ích từ giáo viên tham vấn tâm lý - ẢNH: T.T.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành nhận được nhiều lời khuyên hữu ích từ giáo viên tham vấn tâm lý - Ảnh: T.T.

Cô Bùi Thị Phương Quyên - giáo viên kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý học đường Trường THCS Lý Phong (quận 5, TPHCM) - đang học văn bằng hai chuyên ngành tâm lý học tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM để có thể làm tốt hơn nữa công tác tham vấn. Cô Quyên chia sẻ: “Ngoài phòng tư vấn tôi là cô giáo nhưng trong phòng tư vấn tôi là bạn học sinh. Các em nói tôi nghe và tôi cho các em lời khuyên chứ không áp đặt”. Ông Trần Tấn Tài - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trường hiện có hơn 1.700 học sinh nên trong tương lai, trường sẽ cử những thầy cô dạy giáo dục công dân và phụ trách Đội đi học các khóa học tâm lý.

Đầu các năm học, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về vai trò của phòng tư vấn học đường. Những hoạt động này đã giúp học sinh chủ động tìm gặp giáo viên chủ nhiệm và nhân viên phòng tư vấn. Phòng tư vấn của trường có 3-5 nhân viên chuyên trách được đào tạo chính quy về tâm lý học và có chứng chỉ tham vấn tâm lý. 

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng nhà trường, Phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam - cho biết, trường xác định chính giáo viên là những “nhà tâm lý” hỗ trợ ban đầu cho các em. Trường đã đào tạo lại giáo viên để có thể nắm bắt và hiểu được tâm lý của những học trò đặc biệt. 

Ông nhận định: “Để tư vấn cho tất cả học sinh thì một người không thể làm xuể. Điều này phải cần tới sự liên kết giữa chuyên viên tư vấn tâm lý với toàn bộ giáo viên trong trường cũng như phụ huynh học sinh. Vai trò của hiệu trưởng rất quan trọng, không phải chỉ là giao cho nhân viên tham vấn làm theo ý muốn mà cũng cần phải tự học, tự tìm hiểu về vấn đề này. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh cũng phải được tập huấn tâm lý học đường một cách thường xuyên”. n

Trong nhiệm kỳ 2024-2029, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội củng cố, phát triển các tổ tư vấn học đường; đồng thời thành lập Cộng đồng tâm lý học đường Hà Nội - tập hợp đội ngũ người được đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về tâm lý học đường để hỗ trợ lẫn nhau về công tác tư vấn học đường, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.

Uông Ngọc - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI