Trường học nỗ lực giúp học sinh Mười hai vượt “vũ môn”

27/02/2024 - 05:34

PNO - Là lứa cuối cùng học và thi theo chương trình cũ, học sinh lớp Mười hai năm nay gặp nhiều áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường do đó phải tăng cường củng cố kiến thức, và giúp học sinh giữ vững tinh thần để đối diện với kỳ thi.

Học đến đâu, chắc đến đó

Sau khi kết thúc kỳ thi học kỳ I, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TPHCM) đã nhìn theo bảng điểm để chọn ra những học sinh có học lực chưa tốt và phụ đạo cho các em. Lớp học được tổ chức nghiêm túc, điểm danh như một buổi học bình thường và bắt buộc những học sinh này phải tham gia để nắm vững kiến thức. Mặt khác, trường cũng mở các lớp học chuyên đề, nâng cao và cho phép học sinh tự nguyện đăng ký nếu có nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Ánh Mai - Hiệu trưởng nhà trường - nhận định: “Vì đây là lứa cuối cùng của chương trình cũ, đồng thời chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, phải xét tuyển và học trực tuyến gần 1 năm nên học lực có phần không bằng các năm trước. Do đó, thầy cô và phụ huynh đều phải phối hợp quyết liệt, đầu tư thời gian, công sức để đồng hành cùng các em”. 

Học sinh lớp Mười hai Trường THPT Võ Trường Toản tích cực học tập trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 - ẢNH: T.T.
Học sinh lớp Mười hai Trường THPT Võ Trường Toản tích cực học tập trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 - Ảnh: T.T.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Việt Phương - Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TPHCM) - nhấn mạnh: “Vì là năm cuối học theo chương trình giáo dục 2006 nên học sinh khá áp lực. Nếu không vượt qua kỳ thi, các em có thể gặp nhiều khó khăn. Bởi dù kiến thức không thay đổi hoàn toàn nhưng cách tiếp cận của chương trình mới theo hướng phát triển phẩm chất năng lực, phương pháp triển khai sẽ rất khác, các em khó thích ứng trong một thời gian ngắn”.

Hiện, ngoài việc giảng dạy trên lớp, nhà trường đang tận dụng hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS), xây dựng ngân hàng câu hỏi để ôn luyện kiến thức cho học sinh. Thầy cô sẽ tạo các đề thi thử để các em linh động làm bài, nhận phản hồi đúng sai và rút kinh nghiệm. Dự kiến tháng 5/2024, trường sẽ bắt đầu các tiết ôn thi buổi sáng tại trường, buổi chiều là thời gian để học sinh tự học. Với 698 học sinh lớp Mười hai, trường chia thành 5 lớp tự nhiên và 10 lớp xã hội để dễ dàng xếp thời khóa biểu, học tập theo môn thi. 

Từ đầu năm học, 667 học sinh lớp Mười hai của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TPHCM) đã được lựa chọn môn thi, xếp lớp và học xuyên suốt theo định hướng này. Ông Phùng Nhật Anh - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trong quá trình dạy học, thầy cô các tổ bộ môn luôn chủ động tạo các đề thi thử cho học sinh làm trong lớp. Sau khi thi học kỳ II, giáo viên và học sinh sẽ có 6 tuần tăng tốc ôn luyện kiến thức và giải đề.

“Nhà trường xây dựng kế hoạch rất kỹ, tuần nào dạy nội dung nào, phần nào cần nâng cao. Đến giai đoạn ôn tập, các tổ bộ môn phải nộp kế hoạch giảng dạy theo tuần cho ban giám hiệu duyệt và các thầy cô phải thực hiện đúng theo để đảm bảo việc học tập của học sinh” - vị phó hiệu trưởng chia sẻ.

Còn tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6, TPHCM), ông Trần Quang Vũ - Phó hiệu trưởng nhà trường - cũng thông tin, đề kiểm tra cuối kỳ luôn được xây dựng theo cấu trúc, ma trận bám sát đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, qua đó giúp học sinh làm quen các dạng đề, cách thức, kỹ năng làm bài. Trường cũng tổ chức thi thử để nắm được những học sinh chưa đáp ứng yêu cầu kiến thức cần đạt để tổ chức phụ đạo, củng cố kiến thức ngay.

Giúp học sinh giữ vững tinh thần

Với sự rộng mở của các phương thức xét tuyển vào đại học như xét tuyển bằng học bạ, điểm thi đánh giá năng lực hay xét tuyển thẳng, hằng năm, gần 80% học sinh Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú, TPHCM) đã đậu đại học trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chính - Hiệu trưởng nhà trường - vẫn yêu cầu học sinh duy trì trạng thái học tập bình thường, tránh học lệch hoặc không học. “Các em không nên chủ quan vào việc đã đậu đại học bằng các phương thức khác mà lơ là việc học, nhất là ở các môn không phải sở trường hoặc không có dự định xét tuyển. Bởi các em vẫn có khả năng trượt tốt nghiệp nếu nhận điểm liệt các môn thi này” - ông nói.

Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, tỉ lệ học sinh đậu đại học bằng phương thức xét tuyển sớm cũng dao động từ 70 - 80%. Ông Phùng Nhật Anh cho biết, dù không tạo áp lực nhưng nhà trường vẫn đảm bảo việc dạy học theo kế hoạch. Trong quá trình giảng dạy sẽ thường xuyên động viên, khích lệ học sinh cố gắng hơn. Đồng thời, giáo viên cũng yêu cầu học sinh hoàn thành các yêu cầu bài tập của thầy cô và dành thời gian để luyện các đề thi thử, đọc thêm tài liệu, sách vở bên ngoài. 

Nhận thấy thực trạng học sinh khối Mười hai có nhu cầu tư vấn tâm lý, tư vấn hướng nghiệp khá cao, Trường THPT Võ Trường Toản rất đầu tư cho hoạt động này. Chỉ cần học sinh băn khoăn lập tức sẽ có thầy cô hỗ trợ. Bà Đỗ Thị Việt Phương cũng cho rằng, để có lộ trình học tốt nhất, học sinh nên xác định các mục tiêu cá nhân như học trường nào, ngành gì, xét tuyển bằng phương thức nào. Sau đó lập kế hoạch học tập phù hợp, đảm bảo có nhiều thời gian dành cho môn học đang cần cải thiện.

“Các bạn cũng nên tham gia nhóm học tập với bạn bè để trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau. Sau thời gian học tập, các em phải có sự đánh giá, nếu chưa hiệu quả thì phải điều chỉnh để tốt hơn. Việc chăm sóc sức khỏe, giữ thái độ tích cực cũng rất quan trọng” - bà nhắn nhủ. 

Tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành, phòng tư vấn tâm lý vẫn luôn có giáo viên túc trực và sẵn sàng hỗ trợ học sinh, đặc biệt là học sinh khối Mười hai. Trường thường xuyên mời các chuyên gia đến để hướng dẫn học sinh cách chăm sóc sức khỏe tâm thần, giảm căng thẳng, áp lực… Ngoài ra, trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt hướng nghiệp để học sinh định hướng, củng cố niềm tin vào ngành nghề lựa chọn. 

Xây dựng lộ trình học tập 3 giai đoạn

Có nhiều năm đồng hành cùng học sinh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Trần Quang Vũ khuyên học sinh cần xây dựng lộ trình học tập thành 3 giai đoạn. Đầu tiên là xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc trong suốt quá trình học tập, bằng cách làm bài tập để hiểu căn bản lý thuyết, đảm bảo giải quyết được các câu hỏi ở mức độ trung bình - khá.

Tiếp theo là rèn luyện phương pháp và kỹ năng làm bài bằng cách luyện đề thi trong quá trình tự học. Học sinh nên bấm thời gian để tạo áp lực như khi thi thật, đồng thời đánh giá khả năng của bản thân và rút kinh nghiệm từ những lỗi sai trong quá trình giải đề.

Cuối cùng là giai đoạn nước rút, kéo dài từ khi kết thúc chương trình học cho đến trước kỳ thi vài ngày. Học sinh nên ôn lại toàn bộ kiến thức, học các thủ thuật, mẹo giải bài thi để tối ưu điểm số.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI