Trường học mở cửa: Lo cho học sinh không học tại nơi cư trú

25/11/2021 - 06:55

PNO - Theo kế hoạch, ngành giáo dục TPHCM sẽ tổ chức dạy học trực tiếp từ tháng 12 với hai khối lớp đầu tiên là Chín và 12. Đây là tín hiệu đáng mừng, song nhiều phụ huynh vẫn còn lo ngại. Đó là chưa kể, với phần đông trường phổ thông ngoài công lập, học sinh còn kẹt lại ở các tỉnh rất nhiều, việc mở cửa trường cũng nan giải hơn.

Trường học mở cửa, nhà ở vùng đỏ, cam có được đi học?

Theo kế hoạch dạy học trực tiếp thích ứng với “bình thường mới” mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) báo cáo trong buổi làm việc mới đây với UBND TPHCM, hình thức dạy học sẽ tùy thuộc vào cấp độ dịch của địa bàn. Địa bàn cấp độ 1 sẽ dạy trực tiếp.

Cấp độ 2 dạy trực tiếp nhưng thời gian, số lượng học sinh, ngừng một số hoạt động theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT kết hợp với dạy học trực tuyến và qua truyền hình theo hướng dẫn của UBND và Sở GD-ĐT. 

Cấp độ 3: tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và qua truyền hình. Tùy vào thực tế, địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng khối lớp, bố trí học lệch ca, lệch giờ, không tập trung đông người, giãn cách tối đa… Cấp độ 4 tiếp tục dạy học trực tuyến, truyền hình, giao bài tự học. 
 

Tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp giúp phụ huynh an tâm đưa con đến trường - ảnh chụp tại buổi tiêm vắc-xin ngày 23/11 tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) - ẢNH: PHÚC TRẦN
Tiêm vắc xin là một trong những biện pháp giúp phụ huynh an tâm đưa con đến trường - ảnh chụp tại buổi tiêm vắc xin ngày 23/11 tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) - Ảnh: Phúc Trần

Chính điều này làm nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng. Bởi, tại TPHCM việc học sinh cư trú ở quận, huyện này nhưng học ở một địa phương khác hết sức phổ biến. Chị Thanh Hoa, nhà ở Q.7 nhưng con học phổ thông tại Q.1, cho biết, chị cũng như phần đông phụ huynh khác rất mừng khi nghe tin thành phố đề xuất cho học sinh cuối cấp (Chín, 12) đi học trực tiếp trở lại từ ngày 10/12. Lúc này, học sinh đã tiêm đủ hai mũi vắc xin qua 14 ngày nên đỡ lo. Nhưng điều chị băn khoăn là con không học ngay trên địa bàn cư trú nên đến lúc đó, trường nằm ở cấp độ được mở cửa còn nhà ở cấp độ nguy cơ cao thì trẻ có được đến trường không? Nếu không thể thì các bạn cùng lớp sẽ được học trực tiếp còn những đứa trẻ bị “kẹt” ở vùng đỏ, cam có bị thiệt thòi không?

Băn khoăn của chị Hoa cũng là lo lắng của rất nhiều phụ huynh tại TPHCM, bởi đa phần học sinh, nhất là từ bậc THPT, thường học xa nhà. Vì vậy, sự tréo ngoe về cấp độ dịch giữa nhà ở và trường học rất dễ xảy ra, dẫn đến thiệt thòi cho một số em. 

Nhiều học sinh trường ngoài công lập còn kẹt ở tỉnh

Xét trên bình diện rộng hơn, trường ngoài công lập đang vô cùng khó khăn để có thể mở cửa đón đông đủ học sinh về trường. 

Là một trong những trường ngoài công lập có số lượng học sinh lớn với khoảng 4.000 em, cô Phan Thị Ánh Hoàng, Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS - THPT Nam Việt (TP.Thủ Đức), nhận định: Việc đề xuất đi học trở lại ở những vùng an toàn về dịch đối với học sinh cuối cấp là cần thiết. Thế nhưng, trường ngoài công lập có một số lượng lớn học sinh ở các tỉnh về học nên có nhiều khó khăn khi học sinh quay trở lại học trực tiếp. Đó là một số ít học sinh ở các tỉnh chưa có điều kiện quay trở lại thành phố học, có thể là gặp hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Ngoài ra, một số phụ huynh cũng e ngại tình hình dịch tại TPHCM chưa được ổn định và giao thông từ các tỉnh về thành phố cũng chưa thuận lợi. 

Còn thầy Nguyễn Thuyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Lý Thái Tổ (Q.Gò Vấp), cho biết, chỉ tính riêng khối 12 thì trường có khoảng 300 học sinh. Trong đó, học sinh tại TPHCM chuẩn bị phủ hai mũi vắc xin; học sinh từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương đã được đưa lên TPHCM tiêm ít nhất một mũi. Nhưng, trường vẫn còn một số em đang kẹt lại các tỉnh như Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắk Lắk, Kiên Giang chưa thể di chuyển về TPHCM học và các em cũng chưa được tiêm mũi nào. Do đó, nếu mở cửa vào tháng 12 thì phải chấp nhận sự tương đối, học sinh đã tiêm đủ vắc xin và đang ở địa bàn lân cận TPHCM sẽ học trực tiếp, các em còn lại vẫn phải học trực tuyến.

Thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (Q.Tân Phú), cho hay: Trường có khoảng 1.500 học sinh và có đến khoảng 80% là học sinh ở các tỉnh. Hiện nay, nhiều địa phương chưa tiêm vắc xin cho học sinh, nhiều gia đình muốn đưa con lên TPHCM tiêm nhưng vì chưa tiêm mũi nào nên cũng không thể. Học sinh ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ có thể còn kẹt lại khá lâu vì tốc độ tiêm chậm hơn. Hầu hết trường ngoài công lập đều gặp vấn đề này. Vì thế, kể cả khi trường được mở cửa thì các trường ngoài công lập cũng khá căng, phải duy trì cả việc dạy trực tiếp cho một số và số còn lại vẫn phải dạy trực tuyến. Đó là giải pháp không hoàn hảo nhưng phải chấp nhận.

Theo một cán bộ của Sở GD-ĐT TPHCM, các phương án tổ chức đi học trực tiếp trở lại hiện vẫn đang được hoàn thiện, trong đó các trường sẽ thực hiện hết sức linh hoạt với từng đối tượng học sinh cụ thể để chắc chắn rằng việc học của các em không bị gián đoạn. Mở cửa trường học không có nghĩa là bắt buộc tất cả học sinh đều đi học trực tiếp trong cùng thời điểm, sẽ vẫn còn một số học sinh, khối lớp học trực tuyến kết hợp. 

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho rằng, để đi học trở lại an toàn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Với các trường ngoài công lập, để giảm bớt sự lo lắng, băn khoăn của phụ huynh thì nhà trường nên thực hiện công tác phòng, chống dịch chặt chẽ, có thể test COVID-19 với tất cả học sinh, có chế độ ăn uống - nội trú an toàn, tiêm ngừa cho học sinh đủ hai mũi theo quy định. Đồng thời, các trường có thể cân nhắc xếp lớp cho học sinh ở tỉnh học một lớp, học sinh TPHCM học một lớp. Việc này nhằm tầm soát tốt hơn, chứ không phải cách ly học sinh tỉnh; hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa học sinh tỉnh với học sinh thành phố. Sau giờ học, các em về thẳng ký túc xá sinh hoạt, ăn uống chung với nhau…

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI