Trường học là doanh nghiệp siêu lợi nhuận?

23/01/2018 - 10:30

PNO - Cần định danh lại vai trò của trường ĐH tư thục; “đòi” quyền tự chủ và mong muốn nhà quản lý chỉ đóng vai trò giám sát, hỗ trợ, hạn chế can thiệp vào chuyện của các trường…

Là đề xuất của nhiều trường đại học, chuyên gia giáo dục tại buổi lấy ý kiến “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đại học tư thục” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội vừa tổ chức tại TPHCM.

Cần định danh lại trường đại học tư thục

“Giáo dục đại học tư thục là một trong hai cánh của một con đại bàng, cùng vỗ cánh với giáo dục đại học công lập để nâng cao chất lượng và trình độ của nguồn nhân lực quốc gia”. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ví von như vậy.

Ông đề nghị, Luật GDĐH phải làm sao thiết kế theo tinh thần đó, định danh lại vị trí, vai trò của trường đại học tư thục bởi vì xã hội chưa thể có nhận thức đầy đủ.

Truong hoc la doanh nghiep sieu loi nhuan?
Đại biểu đề xuất cần định danh lại trường đại học tư thục, đòi được tự chủ

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ, Luật sư Chu Hồng Thanh, rào cản không nhỏ trong phát triển đại học tư thục nằm ngay trong nhận thức chính sách về đại học tư thục. Cách nhìn đối với trường tư thục còn rất nhiều vấn đề, định kiến và thiếu thiện cảm. Theo ông, dù là công lập hay tư thục thì vẫn phải phân biệt rõ nhà trường và doanh nghiệp.

Theo PGS Thanh, không nên có sự phân biệt công tư quá, sự khác nhau đó chỉ là khác nhau về chủ đầu tư. Trường công hay tư đều có thể sinh lời nếu vận hành tốt. Vấn đề là tái đầu tư cho giáo dục như thế nào. Vì vậy, khi xem xét phân biệt giữa nhà trường hay doanh nghiệp, thì dù là đại học công lập hay tư thục vẫn cần phải phân biệt.

Người học trả tiền trước khi mua dịch vụ, trường học có phải là doanh nghiệp?

Bà Nguyễn Lan Hương - phó vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và đầu tư) - đặt vấn đề có xem ĐH tư thục là doanh nghiệp hay không.

Theo bà, vì né tránh việc coi ĐH tư thục là doanh nghiệp nên các quy định liên quan đại hội đồng cổ đông không thống nhất, có điều khoản giống Luật doanh nghiệp, có điều khoản lại không giống.

Theo bà, dự thảo Luật giáo dục ĐH hiện nay đang sử dụng một số điều của Luật doanh nghiệp, nhưng chưa đầy đủ và không thống nhất. Cần phải làm rõ ĐH tư thục là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

Giáo dục có phải là một dịch vụ và trường tư thục có phải là doanh nghiệp là vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các đại biểu. Tiến sĩ Phạm Thị Ly, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá giáo dục, trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng, quan niệm giáo dục là một lĩnh vực kinh doanh hiện nay vẫn chưa được chấp nhận. Quan niệm chung trong vấn đề kinh doanh giáo dục vẫn là cái nhìn rất nặng nề và ảnh hưởng đến người làm chính sách. Nếu không gỡ được thì mãi mãi lúng túng. Trong thời đại kinh tế tri thức, giáo dục đại học là một dịch vụ.

Tiến sĩ Ly nói: “Việc công nhận giáo dục đại học là một dịch vụ đang ngày càng được chấp nhận nhiều hơn trên thế giới. Một khi chúng ta quan niệm giáo dục đại học là một dịch vụ thì việc xem xét trường đại học có phải là doanh nghiệp hay không có thể tìm được câu trả lời. Thật ra, giáo dục đại học là một dịch vụ, cho nên về bản chất các trường đại học tư là doanh nghiệp là một thực tế. Dù chúng ta không nhìn nhận thì đó vẫn là thực tế”.

Truong hoc la doanh nghiep sieu loi nhuan?
GS Nguyễn Ngọc Trân thẳng thắn góp ý

Cùng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cho rằng Luật giáo dục ĐH cần xác định trường tư thục là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Dự thảo luật hiện nay khá nhập nhằng, đọc mà không biết vị trí của trường ĐH như thế nào. “Có trường ĐH lương một năm của riêng hiệu trưởng lên đến 2.5 tỷ, mỗi tháng lương 200 triệu đồng. Lương lấy từ học phí thu từ người học chứ ở đâu. Nếu trường là doanh nghiệp thì mức này khác nào siêu lợi nhuận?

Nhà nước giảm can thiệp để trường được tự chủ

Đại diện các trường cho rằng cần phải có sự công bằng giữa trường công và trường tư, bằng cách giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính…

Tiên phong với định hướng trở thành ĐH tự chủ, năm 2017, ĐH Nguyễn Tất Thành đã có nghiên cứu về tự chủ trong ĐH tư thục, đã có một số ý kiến đề xuất gửi các cơ quản quản lý để được công nhận ĐH tư thục tự chủ. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa chính thức được công nhận. PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường này phân tích tự chủ ĐH hiện nay là xu hướng mang tính toàn cầu trong quản trị ĐH. Trong đó xu hướng chính là cắt giảm can thiệp của quản lý nhà nước, tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường.

Ông Hùng cho rằng việc tự chủ về quản trị, tổ chức, chương trình đào tạo, nhân sự giúp các trường giảm phụ thuộc ngân sách nhà nước trong hoạt động. “Hiện cả nước đã có 23 trường công lập được tự chủ, thế nhưng các trường ĐH ngoài công lập mặc dù hoàn toàn tự chủ tài chính vẫn chưa có trường nào được tự chủ”, ông Hùng boăn khoăn.

Các đại biểu khẳng định, giáo dục là một thị trường bất đối xứng thông tin, khách hang- người học phải trả tiền trước khi sử dụng dịch vụ. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò giám sát, điều tiết để đảm bảo lợi ích cho người học, cho xã hội. Nhưng chỉ nên dừng lại ở vai trò giám sát, đưa ra chính sách chung để tạo môi trường phát triển, hạn chế việc quản quá nhiều chuyện lẽ ra các trường phải tự lo và dư sức giải quyết.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI