Trường học không phải là trại lính

21/05/2020 - 23:26

PNO - Trường học không phải là trại lính để áp dụng quy chế kỷ luật, xử phạt, càng không phải là chốn để ta bêu rếu học trò.

Chỉ vì đi học sớm, một học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Quang Trung (quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng), chỉ mới 6 tuổi đầu, phải đứng ngoài cổng trường, dưới cái nắng gay gắt của trưa hè. Vụ việc khiến rất nhiều phụ huynh phẫn nộ, đặt câu hỏi về chức năng và vai trò của lực lượng sao đỏ lẫn trách nhiệm của nhà trường trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Chỉ vì “tội” đi học sớm, em bé này phải đứng trước cổng trường, giữa cái nắng nóng khủng khiếp của mùa hè
Chỉ vì “tội” đi học sớm, em bé này phải đứng trước cổng trường, giữa cái nắng nóng khủng khiếp của mùa hè

Chuyện những học sinh bình thường bỗng chốc trở thành hung thần trong mắt bạn bè, trở thành những nhân vật đầy quyền lực, là “người thi hành công vụ” khi tham gia lực lượng sao đỏ đã từng được nhiều người nói, nhưng đến nay vẫn không hề có chuyển biến.

Ngay từ những bước chân chập chững vào học đường, trẻ em đã phải làm quen với việc bị ghi tên, bị trừ điểm, bị bêu xấu trước mặt bạn bè trong khi những đứa trẻ khác phải dành thời gian soi xét bạn xem bạn vi phạm điều gì so với nội quy, để ghi tên, để báo cáo. Điều gì sẽ nằm lại trong đầu của những học sinh nhỏ xíu bình thường ấy lẫn những học sinh được trao trách nhiệm, quyền lực ấy, khi các em lớn lên?

Trong giáo dục, nhất thiết phải hiểu rằng trường học không phải là trại lính và việc của thầy cô giáo không phải là bắt ép học sinh vào khuôn phép bằng cách cho sao đỏ ghi tên, trừ điểm hạnh kiểm hay bêu xấu học trò giữa lớp. Xin thứ cho tôi nói thẳng, đó là hành vi phản sư phạm, nếu không muốn nói là man rợ.

Trong giáo dục, thầy cô giáo cần và nhất thiết phải dìu dắt học trò rèn luyện phẩm chất để làm người ngay ngắn, bằng tình yêu thương (có vẻ là thứ xa xỉ hiện nay) và sự trân trọng đối với học trò (có vẻ là thứ xa xỉ khác). Học trò có thể không đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, nhưng rất cần làm người tử tế và biết yêu thương đồng loại. Hạnh kiểm không phải là chuyện đi học sớm hay trễ mà là cách sống chan hoà với xung quanh.

Từ bao giờ mà học sinh đi học sớm lại bị phạt và từ bao giờ chúng ta đặt ra cái quy định quái gở - phải đúng giờ học sinh mới được phép vào trường? Phải chăng chúng ta, từ lúc nào đó, đã không còn xem học trò là những đứa trẻ, không còn quan tâm đến việc chúng ở đâu, làm gì bên ngoài cổng trường, nên chúng ta chỉ việc đóng cửa là xong và nếu bọn trẻ vẫn muốn vào trường thì sẽ bị phạt?

Ngay cả trong trả lời của cô Hiệu trưởng Đào Thị Cẩm Ly khi đoàn công tác của Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đến kiểm tra cũng rõ ràng sai trái. Cô bảo đã họp quán triệt với giáo viên, sẽ bố trí phòng y tế, phòng bảo vệ cho những học sinh đi học sớm.

Thưa cô Cẩm Ly, học trò đi học sớm chỉ cần có sân trường, bóng cây, ghế đá cũng đủ, nếu các em không thể vào lớp ngồi tranh thủ học bài. Dưới bóng cây, ghế đá, sân trường ấy, bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ tuổi học trò đã được ghi lại. Còn hôm nay, chúng ta ghi lại kỷ niệm của một học sinh lớp 1, đội nắng đứng trước cổng trường, dù em không làm gì sai.

Kỳ thực, có một chỗ tốt hơn nhiều lần để mở cửa và rất nên mở cửa đón học sinh là thư viện, chứ học trò có đau yếu chi mà cô cho vào phòng y tế, có làm gì quấy mà vô phòng bảo vệ ngồi.

Chỉ cần ta xem học trò như người thân, như những người cần được yêu thương, chăm sóc, bảo vệ, uốn nắn... thay vì là những “đối tượng” cần phải canh chừng, chúng ta sẽ hành xử với học trò rất khác. Mà, có khi cũng chẳng cần những điều cao siêu lẽ ra là bình thường đó, chỉ cần nhớ học trò là con người thôi cũng đã không thể buộc các em phải phơi nắng trước cổng trường.

Phạm Thành Nhân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI