Trường học hạnh phúc, từ đâu?

06/05/2023 - 05:49

PNO - Mô hình trường học hạnh phúc đã được Bộ GD-ĐT triển khai từ năm 2019 với 3 tiêu chí cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Để hiện thực hóa mô hình này, TPHCM đang xây dựng bộ tiêu chí đo lường trường học hạnh phúc. Nhiều ý kiến cho rằng việc “lượng hóa” hạnh phúc trong nhà trường cần hết sức thận trọng để tránh khô cứng, cào bằng.

Sự yêu thương, quan tâm, gần gũi của thầy cô dành cho học sinh là một trong những yếu tố quan trọng  để xây dựng trường học hạnh phúc (trong ảnh: Cô Nguyễn Uyên Uyên - giáo viên Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, quận 5, TPHCM và học trò của mình) - ẢNH: P.T.
Sự yêu thương, quan tâm, gần gũi của thầy cô dành cho học sinh là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc (trong ảnh: Cô Nguyễn Uyên Uyên - giáo viên Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, quận 5, TPHCM và học trò của mình) - Ảnh: P.T.

Theo dự thảo mà Sở GD-ĐT TPHCM đang xây dựng và lấy ý kiến, việc đánh giá trường học hạnh phúc dựa trên 3 thành tố chính: môi trường nhà trường, dạy học và hoạt động giáo dục, các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường. Với 20 tiêu chí thành phần, dự thảo bao quát gần như đầy đủ yếu tố cả về cơ sở vật chất, đa dạng hóa hoạt động giáo dục cũng như sức khỏe tinh thần, quản lý cảm xúc, phối hợp hiệu quả với phụ huynh và các lực lượng liên quan trong giáo dục…

Cần chú trọng mặt tinh thần  

Đánh giá các tiêu chí đưa ra trong dự thảo đã khá đầy đủ về mặt kỹ thuật, bà Lê Thị Xinh - Phó trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức - cho rằng để thực sự hướng đến hạnh phúc cần chú trọng thêm về mặt tinh thần. Trong đó, tiêu chí quản lý cảm xúc tiêu cực nếu thực hiện hiệu quả thì bản thân mỗi người, từ cán bộ quản lý, giáo viên đến học sinh đều cảm thấy hạnh phúc.

Trong thời đại 4.0 hiện nay, giáo viên đối mặt với nhiều áp lực từ phụ huynh, dư luận, khi bất kỳ lời nói, hành động nào của thầy cô cũng có thể bị đẩy lên, gọi nôm na là bị “ném đá”. Trong khi giáo viên và ngay cả cán bộ quản lý đều gặp khó khăn nhất định trong việc quản lý cảm xúc. Do đó, các trường rất cần nhân sự được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học đường, để tư vấn một số ca điển hình về tâm lý, đây cũng là yếu tố giúp nhà trường thực hiện tiêu chí trường học hạnh phúc.

Thời gian qua, quận 3 rất quan tâm và triển khai xây dựng trường học hạnh phúc tại Trường THCS Lê Quý Đôn. Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa - Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 - cho hay, nếu thời gian tới, TPHCM ban hành bộ tiêu chí sẽ là ngọn cờ chung để các trường nỗ lực xây dựng trường học hạnh phúc.

Về cơ bản, những tiêu chí đưa ra hầu như không mới vì ngành giáo dục cả nước cũng như TPHCM đã và đang nỗ lực thực hiện. Từ thực tế của ngành giáo dục quận 3, ông Phạm Đăng Khoa chia sẻ, bên cạnh 3 tiêu chí “yêu thương, tôn trọng và an toàn”, quận còn có triết lý 5H: “hạnh, học, hỏi, hiểu và hành”. Tức là học sinh được giáo dục đức hạnh, được học, được hỏi, được hiểu và được thực hành. Muốn vậy, các trường học phải đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, qua đó các em cảm thấy hạnh phúc khi lĩnh hội kiến thức, có được kỹ năng theo đúng tinh thần giáo dục mới. 

Bên cạnh đó, phải triển khai rất kỹ đến đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên về nội dung yêu thương. “Hạnh phúc đến từ những điều rất nhỏ, chẳng hạn phụ huynh đưa con đi học gặp chú bảo vệ nở nụ cười thì cảm giác rất khác nếu chú bảo vệ “mặt ngầu”. Xây dựng sự tôn trọng lẫn nhau trong ban giám hiệu, trong đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Tôn trọng sự khác biệt, dạy học sinh tư duy phản biện, dám thể hiện ý tưởng của mình. Giáo viên cũng được quyền phản biện với ban giám hiệu, ngay cả phòng GD-ĐT cũng sẵn sàng tiếp nhận ý kiến phản biện. Song song đó là các yêu cầu về an toàn trường học, chú trọng tư vấn tâm lý học đường…” - ông Phạm Đăng Khoa góp ý.

Hiệu trưởng phải hạnh phúc thì mới có trường học hạnh phúc

Nhà giáo ưu tú Trần Đức Huyên - nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) - cho rằng nói đến trường học hạnh phúc phải nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu. Bản thân hiệu trưởng phải hạnh phúc, phải thẩm thấu được mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc thì mới có thể lan tỏa được giá trị này đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Ở cấp độ nhỏ hơn, tổ trưởng là “hiệu trưởng” của tổ bộ môn, giáo viên chủ nhiệm là “hiệu trưởng” của lớp học cũng cần có tư duy tích cực để chia sẻ đến giáo viên và học sinh của mình. Nếu người đứng đầu lan tỏa tinh thần yêu thương, bao dung, tôn trọng, xuất phát từ mục đích vì cái chung, vì học sinh thì sẽ tạo ra môi trường giáo dục tích cực, khi đó tự khắc sẽ có trường học hạnh phúc chứ không cần phải đi tìm. 

Ông Lê Hồng Trung - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trung Lập (huyện Củ Chi) - góp ý: việc xây dựng tiêu chí trường học phải phù hợp với điều kiện chung của thành phố và đặc điểm riêng của từng trường, từng khu vực nội thành, ngoại thành. Điều kiện cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng dẫn đến hạnh phúc, song không có nghĩa trường ở khu vực khó khăn hơn thì không hạnh phúc bằng trường ở khu vực phát triển.

Theo ông, không có trường học hạnh phúc nếu thiếu sự yêu thương, quan tâm của thầy cô đối với mỗi học sinh. Điều này đòi hỏi sự chuyển hóa từ trách nhiệm hành chính sang tình yêu thương. Chẳng hạn, với một học sinh thường xuyên không thuộc bài, nếu với trách nhiệm hành chính, giáo viên chỉ cần nhắc nhở em. Còn nếu xuất phát từ tình yêu thương thì thầy cô sẽ quan tâm lý do vì sao học sinh không học bài, cùng học sinh tìm cách tháo gỡ khó khăn đó. Điều này rất khó nhưng là giá trị thực dẫn đến hạnh phúc.

Ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - nhìn nhận, khi đưa ra những tiêu chí để đánh giá trường học hạnh phúc thì cảm giác rất khô khan. Chưa kể, hôm nay chúng ta thấy với những tiêu chí này thì trường học sẽ hạnh phúc, nhưng ngày mai có khi phải bớt hoặc thêm tiêu chí thì trường học mới hạnh phúc. Tuy vậy, việc xây dựng tiêu chí là cần thiết để đưa ra định hướng chung về xây dựng trường học hạnh phúc phù hợp với điều kiện của TPHCM.

Hiện nay, chương trình 2018 có hướng mở tiệm cận với sự phát triển chung của giáo dục thế giới trong đó định hướng học sinh học tập, trải nghiệm để phát triển toàn diện. Cho nên tiêu chí trường học hạnh phúc cũng phải hàm chứa đầy đủ nội dung giáo dục toàn diện học sinh. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Yến - Phó trưởng khoa Giáo dục tiểu học Trường đại học Sư phạm TPHCM: Tư duy tích cực để có trường học hạnh phúc 

Thực tế hiện nay vẫn tồn tại nhiều áp lực đối với học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Chúng ta đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những đặc trưng và yêu cầu mới, sự tác động sâu sắc, mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 buộc học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý cần thay đổi.

Sự kỳ vọng của cha mẹ học sinh, đặt gánh nặng “con người ta” lên vai con em mình. Với sự lan tỏa mạnh mẽ của công nghệ, sự giám sát của xã hội đối với các trường học ngày càng cao. Vẫn còn những quan niệm lệch lạc về kiểm tra đánh giá dẫn đến bệnh thành tích trong giáo dục. Và còn rất nhiều nguyên nhân khác nên mỗi thành viên trong nhà trường đang cảm thấy áp lực. 

Tuy vậy, việc xây dựng trường học hạnh phúc trong bối cảnh mới càng trở nên cấp thiết vì hiểu một cách đơn giản trường học hạnh phúc là ngôi trường mà ở đó tất cả thành viên của nhà trường đều cảm nhận được hạnh phúc, được yêu thương, được an toàn và được tôn trọng.
Phải xác định, xây dựng trường học hạnh phúc không phải biến trường học của mình trở nên khác đi một cách nhanh chóng, không cứ nhất thiết phải có tiền mà trước hết là bắt đầu bằng tình yêu thương và những bước đi từng chút một, vì hạnh phúc là một hành trình chứ không phải đích đến.

Chỉ khi chúng ta trả lời được câu hỏi “Thành công đích thực của học sinh là gì?” thì sẽ tìm ra hành trình hạnh phúc của ngôi trường vì thành công không đồng nhất với hạnh phúc. Từng thành viên trong nhà trường luôn có cảm nhận tích cực để có tư duy tích cực dẫn đến hành vi tích cực. Một ví dụ nhỏ như khi thấy trường mình có một viên gạch vỡ, có thể gây mất an toàn cho học sinh, thay vì báo cáo lãnh đạo hoặc chung sức sửa lại viên gạch thì lại chụp ảnh đưa lên mạng xã hội để chê bai. Đó chắc chắn không phải là cảm nhận tích cực, tư duy tích cực và hành vi tích cực. 

Xây dựng trường học hạnh phúc có cần tiền không? Nở một nụ cười mỗi khi gặp học sinh hoặc đồng nghiệp, nói một câu yêu thương, tha thứ cho lỗi lầm của học sinh, đồng nghiệp. Thay vì đòi hỏi sự cầu toàn thì đánh giá học sinh bằng sự tiến bộ của mỗi em. Thực tế những hành động này hoàn toàn có thể mang đến cảm xúc hạnh phúc cho ngôi trường mà không cần thật nhiều tiền, mà cần sự yêu thương, tôn trọng.

 Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI