Có “Trường học hạnh phúc” hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thầy cô, nhưng hết cô giáo bắt học sinh quỳ vì mua bánh kem không đúng ý, đến thầy giáo “mày, tao” với trò…
Chưa khi nào câu chuyện giáo dục lại nóng như những ngày qua, không chỉ vì câu chuyện thu quỹ lớp lên đến hơn 300 triệu (rồi phải trả lại) ở Trường tiểu học Hồng Hà, TPHCM, như “vấn nạn” đến hẹn lại lên mang tên tiền trường vào mỗi đầu năm học.
|
Vụ việc học sinh quỳ trước cửa lớp khóc, giáo viên kéo học sinh xôn xao trên mạng xã hội ngày 29/9. Ảnh: Cắt từ Clip |
Chỉ vì đặt bánh kem không đúng yêu cầu của cô, mà một nữ sinh Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) bị cô giáo mắng, dọa hạ hạnh kiểm khiến em hoảng sợ, quỳ khóc và xin lỗi trước phòng cô suốt 2 tiếng đồng hồ. Chưa hết, cô giáo này – oái ăm thay lại đang dạy môn Giáo dục công dân – lại dùng lời lẽ xúc phạm nữ sinh, và sau đó kéo lê nữ sinh này dưới đất...
Câu chuyện còn đang khiến nhiều người chưa hết bàng hoàng về cách ứng xử của một cô giáo, thì lại xuất hiện clip thầy giáo tiếng Anh Trường THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất, Hà Nội) xưng "bố, mày", chỉ tay vào mặt, bóp cằm học sinh và mắng "có hiểu không con chó".
Làm sao có thể thốt lên như thế? Điều gì đang xảy ra cho một số môi trường giáo dục thế này? Trong giải trình, cô giáo kéo lê nữ sinh phân bua rằng vì nữ sinh “nhiều lần làm sai”, nên cô đã không kiểm soát được. Nhưng, là sai vì đặt bánh kem không đúng ý cô – một hoạt động hoàn toàn nằm ngoài phạm vi học tập, lại là một cái sai gần như chẳng thể gọi là sai. Thế mà một nữ sinh đã phải quỳ trong hoảng loạn suốt 2 giờ, và bị kéo lê dưới đất. Hoàn toàn không thể có sự lý giải nào chấp nhận được cho việc “thiếu kiềm chế” như cô giáo giải thích, ngoài việc đã và đang tồn tại một lối ứng xử phi giáo dục, thậm chí là phi văn hóa, phi tình người, từ chính cô giáo này.
Cũng như, nam giáo viên dạy tiếng Anh của Trường THPT Phan Huy Chú kia, sẽ dạy điều gì cho học trò qua cách gọi “mày”, “con chó” ngoài sự bạo lực học đường bằng ngôn từ ghê sợ như vậy? Người học trò, ở đây đã bị bạo hành đúng nghĩa đen, từ tinh thần đến thể xác.
Năm 2023, chúng ta nghe rất nhiều đến cụm từ “học đường hạnh phúc” hay “trường học hạnh phúc”. Tại TPHCM, đã có rất nhiều thay đổi từ các trường, từ trường công đến trường tư, Trung tâm Giáo dục thường xuyên để có thể kiến tạo điều này: Trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức) thay đổi cách đánh giá hạnh kiểm học sinh theo hướng giảm bớt rất nhiều áp lực; Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) cho thí sinh được mang ba lô tự do (miễn đừng lố lăng); Trường tiểu học Lê Đình Chinh (quận 11) thiết lập “Ngày sắc màu” trong tuần, với việc học sinh được tự do mặc trang phục mình yêu thích vào ngày thứ 6… Mới đây nhất, Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã có văn bản yêu cầu các trường không được giao bài tập về nhà cho học sinh lớp tiểu học, để việc học hành không trở thành nỗi ám ảnh của trẻ...
“Trường học hạnh phúc” có hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thầy cô và những gì thầy cô thiết lập cho 8 tiếng học mỗi ngày ở trường. Đó phải là ngôi trường mà nói như tiến sĩ Huỳnh Công Minh - Nguyên giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM: “Làm giáo dục không phải cứ mỗi khi xây một ngôi trường rồi chọn lấy một học trình để dạy là xong. Ngược lại, làm giáo dục trước tiên phải tạo dựng được một lộ trình học xuyên suốt, sau đó mới bắt tay vào xây dựng ngôi trường đáp ứng được các tiêu chí giáo dục của học trình đó, đó mới là ngôi trường hạnh phúc cho học sinh".
Thực tế, từ năm 2014, UNESCO đã triển khai dự án “Trường học hạnh phúc”. Theo đó, trường học là môi trường chú trọng giảng dạy không chỉ giới hạn ở những điều học sinh cần và thiếu mà còn phải hỗ trợ các em phát huy tối đa mọi tiềm năng, đặc biệt là niềm hăng say học tập. Làm thế nào để con trẻ vui vẻ mỗi ngày đến trường, từ đó mới có thể tiếp thu kiến thức một cách cao nhất.
Cùng với đà phát triển xã hội, áp lực học tập hiện tại đã không còn giống như của vài chục năm trước. Chính vì thế, những gì không còn phù hợp nhất thiết phải được cởi bỏ. Người thầy phải cởi mở hơn, và tránh áp đặt hơn. Dĩ nhiên, những cách “giáo dục” phi giáo dục – như hành xử mà cô giáo đã dành cho nữ sinh mua bánh kem sai, hay thầy giáo dạy tiếng Anh kia - tuyệt đối phải được chấm dứt, ngay lập tức.
Hữu Hoàng