Ngành giáo dục TPHCM đang tổ chức lấy ý kiến lần thứ 3 về bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc. Ngành giáo dục đưa ra trụ cột 3 tiêu chí xây dựng hạnh phúc, gồm: môi trường nhà trường, dạy học và hoạt động giáo dục, các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường.
Theo bà Trần Hải Yến - Phó trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM - để có trường học hạnh phúc thì chỉ khi thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc. Điều này đòi hỏi cả một quá trình, với các lộ trình cụ thể chứ không phải một sớm một chiều.
Bà nhìn nhận, ngành giáo dục chỉ ra nhiều định nghĩa, tiêu chí đặt ra trong xây dựng trường học hạnh phúc, như để cô hạnh phúc cần có cơ sở vật chất, môi trường giảng dạy, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy, sự gắn kết của đồng nghiệp, kính trọng của học sinh… Thế nhưng, để thầy cô hạnh phúc thì trước hết phải có cuộc sống hạnh phúc, giải quyết được những yêu cầu về cơm áo gạo tiền. Như vậy, để thầy cô hạnh phúc, ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa đến thu nhập của giáo viên, từ tiền lương cho đến thu nhập tăng thêm chính đáng từ chuyên môn. Xã hội không nên quá khắt khe với việc dạy thêm của giáo viên nếu đó là nhu cầu chính đáng của học sinh.
|
Cần quan tâm xây dựng đội ngũ ban giám hiệu nhà trường khi xây dựng trường học hạnh phúc |
Với học sinh, để hạnh phúc cần có chương trình giáo dục phù hợp, phương pháp giảng dạy của thầy cô thú vị, học sinh được tự do sáng tạo với nhiều hoạt động trải nghiệm…
“Người mang lại hạnh phúc cho học sinh là giáo viên. Người mang lại hạnh phúc cho giáo viên là ban giám hiệu nhà trường, là quản lý ngành giáo dục. Nói vậy để thấy rằng xây dựng trường học hạnh phúc cần bắt đầu từ những điều đơn giản nhất. Đó là quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ lãnh đạo tốt, ban giám hiệu nhà trường tốt, nhà quản lý giáo dục tốt, quan tâm giáo viên, học sinh từ những điều nhỏ nhất. Việc nhà trường có thể bắt đầu làm ngay là quan tâm đến nhà vệ sinh, không có nhà vệ sinh bẩn, để làm sao các em cảm thấy thoải mái khi có nhu cầu vệ sinh ở trường. Đó là việc sắp xếp chỗ ngồi có thể bố trí xen kẽ nam và nữ để có môi trường học đường rạng rỡ hơn…” - bà Trần Hải Yến nhấn mạnh.
Bàn về trường học hạnh phúc, một giáo viên Trường THPT Trung Lập (huyện Củ Chi) cho rằng, để trường học thực sự trở thành “thiên đường” của người dạy, người học thì phụ thuộc rất nhiều vào hiệu trưởng nhà trường. Hiệu trưởng phải quyết liệt làm, làm bằng trách nhiệm mong muốn xây dựng trường học hạnh phúc thì mới kéo theo từng cá nhân, chủ thể trong trường cùng làm. “Sự quyết liệt ở đây khi xây dựng trường học hạnh phúc phải làm sao tạo ra tinh thần tự nguyện, để cùng thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành chứ không phải là áp đặt thi đua, bởi thi đua sẽ tạo ra áp lực…” - giáo viên này kỳ vọng.
|
Để trường học thực sự trở thành “thiên đường” của người dạy, người học thì phụ thuộc rất nhiều vào hiệu trưởng nhà trường |
Từ thực tế nhà trường, cô Đỗ Thị Mỹ Hòa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Triệu Thị Trinh (quận 10) - nhìn nhận, xây dựng trường học hạnh phúc phục thuộc nhiều vào sự mạnh dạn, sáng tạo của lãnh đạo đơn vị. Hướng đến xây dựng được tập thể đoàn kết, đồng thuận, cộng đồng trách nhiệm, làm nền tảng vững chắc cùng nhau hoàn thành các hoạt động giáo dục nhà trường. Đồng thời phát huy tinh thần dân chủ tập trung trong nhà trường cũng như thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng…
Theo hiệu trưởng này, lãnh đạo nhà trường phải quan tâm đúng mức đến đội ngũ, làm việc công tâm, phân công lao động công bằng, phù hợp với khả năng từng đối tượng. Luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian, biết khích lệ giáo viên nhân viên có được cảm giác thoải mái, yên tâm trong công tác, thực hiện tốt việc nâng cao các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, rèn luyện ý thức tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…
Cần chú trọng giáo dục nhân cách học sinh hơn là điểm số Theo ông Nguyễn Văn Tính - Phó phòng Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM - hiện TPHCM có quá nhiều mô hình trường học, từ trường học an toàn, trường học thân thiện học sinh tích cực, trường học lấy học sinh làm trung tâm, trường học xanh… “Như vậy, khi xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, ngành giáo dục thành phố đã tổng kết các điểm thành công của những mô hình trước đó để đưa vào trường học hạnh phúc chưa? Nếu không vô tình sẽ gây thêm áp lực cho cả người dạy, người học” - ông băn khoăn. Đặc biệt, với vai trò bảo vệ trẻ em, ông Tính đặt vấn đề, hiện nay có rất nhiều học sinh vi phạm pháp luật theo các cách thức rất khác nhau, “rất xót xa”. Ngành giáo dục cần nhìn nhận rằng trong quá trình đào tạo đã thực sự quan tâm, sâu sát nhất đến học sinh hay chưa, “Các tiêu chí được ngành giáo dục TPHCM đưa ra trong xây dựng trường học hạnh phúc như tiêu chí về môi trường học đường, dạy học và hoạt động giáo dục, mối quan hệ trong và ngoài nhà trường thì phần lớn vẫn chỉ đề cập đến vấn đề dạy chữ nhiều hơn là dạy về nhân cách học sinh. Như vậy, xây dựng trường học hạnh phúc vẫn còn quá khuôn mẫu, chưa đi sâu vào thực tế” - ông thẳng thắn. Thí điểm trước khi nhân rộng Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng thông tin, năm học 2023-2024, 100% trường học TPHCM sẽ triển khai xây dựng trường học hạnh phúc. Thế nhưng, trước khi nhân rộng ngành giáo dục sẽ chọn một số trường ở mỗi quận, huyện để thực hiện thí điểm. Kết quả thí điểm sẽ được đánh giá, đo lường, định lượng về sự phù hợp của các tiêu chí khi áp dụng. “TPHCM xác định xây dựng trường học hạnh phúc là một hành trình chứ không phải là một nội dung để đánh giá thi đua. Các tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc không chỉ phù hợp với TPHCM mà còn phải phù hợp với từng địa bàn, mục tiêu cuối cùng là làm sao nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn thành phố, hướng tới mỗi giáo viên, học sinh cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui” - ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh. |
Quốc Trung