Vừa kết thúc đợt tuyển dụng vào đầu năm học, huyện Bình Chánh ban hành kế hoạch tuyển dụng viên chức đợt 2 với số lượng cần tuyển là 365 giáo viên, nhân viên. Trong đó, mầm non cần 31 giáo viên, 8 nhân viên; tiểu học cần tuyển 91 giáo viên, 22 nhân viên; THCS cần 109 giáo viên và 24 nhân viên.
Đại diện phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh thông tin, trong đợt tuyển dụng đầu năm học, với 487 giáo viên, nhân viên còn thiếu ở cả 3 bậc mầm non, tiểu học, THCS, huyện chỉ tuyển được trên 100 giáo viên, nhân viên, không đáp ứng đủ số lượng giáo viên đứng lớp ở hầu khắp các trường học.
Số giáo viên còn thiếu vẫn tập trung nhiều ở bậc tiểu học với 32 giáo viên nhiều môn và các môn khác như tin học công nghệ (15 giáo viên), mỹ thuật (8 giáo viên), âm nhạc (14 giáo viên). Trong khi đó tiếng Anh chỉ thiếu 2 giáo viên.
|
Nhiều địa phương lại ráo riết tuyển dụng giáo viên |
Đối với bậc THCS, các môn thiếu nhiều giáo viên là tiếng Anh với 15 giáo viên, văn 51 giáo viên, lịch sử địa lý (25), khoa học tự nhiên (15), mỹ thuật (13), tin học (8)…
Tương tự, quận Bình Tân cũng đang lên kế hoạch ráo riết tuyển dụng giáo viên đợt 2 với 177 giáo viên, nhân viên ở cả 3 cấp học, để phục vụ giảng dạy học kỳ 2 năm học 2023-2024. Trong đó, thiếu nhiều nhất là bậc THCS với 89 giáo viên, 3 nhân viên; tiểu học với 58 giáo viên, 1 nhân viên; mầm non với 17 giáo viên, 8 nhân viên…
Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân cho hay, trong đợt 1 quận đã tuyển được hơn 300 giáo viên, nhân viên. Hiện tại, các trường học trên địa bàn quận đã báo số lượng giáo viên còn thiếu để tuyển dụng trong đợt 2. Dự kiến, vào tháng 2/2024, các trường sẽ bắt tay vào xét tuyển hồ sơ và phỏng vấn tuyển dụng.
“Số giáo viên còn thiếu chủ yếu vẫn tập trung vào những bộ môn trước giờ khó tuyển như tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc cùng những bộ môn khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 như lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên… Hiện tại, khi chưa có đủ giáo viên cơ hữu đứng lớp, tùy theo điều kiện thực tế, các trường sẽ linh hoạt hợp đồng, thỉnh giảng, cân đối nguồn lực tài chính chi trả để có giáo viên giảng dạy các bộ môn còn thiếu” - ông Ngô Văn Tuyên thông tin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huỳnh Long- Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cho biết, sau đợt tuyển dụng đợt 1, nhiều trường học trên địa bàn huyện vẫn chưa tuyển dụng đủ. Theo kế hoạch, tới đây phòng sẽ phối hợp với phòng Nội vụ xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên, đáp ứng nhu cầu giảng dạy ở các trường…
Tuy nhiên, theo ông Long, khó khăn của huyện là những trường ở khu vực vùng sâu vùng xa do điều kiện đi lại xa xôi rất khó tuyển dụng, nên đã thiếu lại càng thiếu, nhất là các bộ môn như tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật, tin học. Còn những trường ở khu vực thị trấn thì lại tập trung đông ứng viên dự tuyển, dẫn đến dư thừa nguồn tuyển. Có những trường ở khu vực xa xôi trên địa bàn huyện hiện không có giáo viên tiếng Anh cơ hữu mà phải phụ thuộc vào giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng thì mới có giáo viên đứng lớp.
|
Việc tuyển dụng giáo viên gặp khó ở nhiều địa phương |
“Việc xây dựng chế độ đặc thù để thu hút giáo viên các bộ môn này hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào quy chế của từng trường. Phòng đã có kiến nghị với Sở GD-ĐT trong việc xây dựng nghị quyết chính sách thu hút giáo viên tiểu học những bộ môn này, từ đó mới làm cơ sở để huyện ban hành chính sách thu hút giáo viên”- ông Long nói thêm.
Cần chính sách "đặc thù" để thu hút ứng viên
Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân tâm tư, nhiều năm nay việc tuyển dụng giáo viên trên địa bàn quận gặp khó không chỉ từ việc "khát" ứng viên dự tuyển mà còn nằm ở chỗ tuyển dụng được rồi giáo viên vẫn… bỏ nhiệm sở. Có trường hợp trúng tuyển, đi dạy rồi vẫn nghỉ ngang giữa chừng.
Để dứt điểm khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, theo ông Tuyên cần thay đổi căn cơ từ chính sách. Cụ thể, Luật Giáo dục 2019 quy định giáo viên tiểu học phải có bằng đại học, tuy nhiên các môn âm nhạc, mỹ thuật nếu có bằng đại học thì đã không đi dạy tiểu học…
“Kiến thức bậc tiểu học ở 2 môn này chỉ dừng ở mức cơ bản, nên chăng cho phép tuyển dụng trình độ từ trung cấp, bổ sung thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là có thể giảng dạy được. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng cần tăng chỉ tiêu ngành sư phạm ở các môn khó tuyển để dồi dào nguồn tuyển cho các địa phương. Riêng TPHCM cần đa dạng chính sách để giúp thu hút giáo viên…".
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, mặc dù TPHCM đã có Nghị quyết 03 hỗ trợ thu nhập tăng thêm, song chưa phải là chế độ đặc thù cho riêng giáo viên. Hiện, Sở GD-ĐT TPHCM đang xây dựng đề án thu hút giáo viên tiểu học ở các môn khó tuyển. Dự kiến, trong kỳ họp HĐND TP đầu năm 2024 sẽ trình nhằm giúp giáo viên có mức sống cơ bản để an tâm đứng lớp.
Đặc biệt, với số lượng giáo viên còn thiếu ở các môn âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ, ông Hiếu cho biết TPHCM đang tính đến phương án sinh viên tốt nghiệp các ngành học trên (không phải chuyên ngành sư phạm), nhà trường sẽ được hợp đồng thỉnh giảng, sinh hoạt các CLB, tạo điều kiện cho học sinh thành phố có môi trường để phát triển toàn diện.
Quốc Trung