Trường học đổ nát, trẻ em Gaza phải đối mặt với tổn thương tâm lý

06/04/2024 - 14:59

PNO - UNICEF cho biết 8/10 trường học ở Gaza bị phá hủy, nhưng những thiệt hại về mặt tâm lý mà chiến tranh gây ra cho gần 1,2 triệu trẻ em ở lãnh thổ này mới khiến các chuyên gia lo lắng.

Một cô gái chải tóc cho anh chị em của mình tại một trường học ở Gaza hiện là nơi ở của các gia đình phải di dời
Một bé gái đang chăm em tại một trường học ở Gaza hiện là nơi trú ẩn của các gia đình phải di dời

Thiệt hại về nhận thức

David Skinner của tổ chức Save The Children cho biết: “Điều thường bị bỏ qua khi đưa tin về Gaza đây là một thảm họa đối với trẻ em. Ở đây, những đứa trẻ mất người thân, đói khát, bệnh tật và suy dinh dưỡng”. Ông Skinner nói, trẻ nhỏ có bộ não vẫn đang phát triển nên khi chứng kiến những gì đã trải qua chúng đặc biệt có nguy cơ bị tổn thương về sức khỏe tâm thần và nhận thức.

UNICEF ước tính có trên 620.000 trẻ em ở Gaza không được đến trường. Việc đưa các em trở lại lớp học và xây dựng lại trường học chỉ là những bước đầu tiên. Nhưng thử thách thực sự là chữa lành trẻ em Gaza để chúng quên những gì đã xảy ra và có thể học cách đi học lại.

Một nữ sinh ngồi giữa đống đổ nát của thành phố Gaza
Một nữ sinh ngồi giữa đống đổ nát của thành phố Gaza

Giao tranh đã tàn phá Gaza kể từ cuộc tấn công chưa từng có vào ngày 7/10/2023 của Hamas khiến 1.170 người thiệt mạng ở Israel, hầu hết là dân thường.

Israel đã đáp trả bằng một cuộc tấn công không ngừng nhằm vào Hamas khiến ít nhất 33.037 người Palestine thiệt mạng.

Khi chiến tranh nổ ra, các trường học ngay lập tức đóng cửa lớp học và phần lớn biến thành nơi trú ẩn cho các gia đình chạy trốn khỏi các cuộc không kích.

Gần một nửa dân số lãnh thổ Palestine dưới 18 tuổi và hệ thống giáo dục của nước này đang gặp khó khăn sau 5 cuộc chiến tranh trong 20 năm.

Những ngôi trường bị phá hủy

Theo UNICEF, cho đến nay ít nhất 53/563 tòa nhà trường học ở Gaza đã bị phá hủy hoàn toàn. Theo báo cáo của các cơ quan viện trợ bao gồm UNICEF, hơn 8/10 trường học đã bị hư hại và 67% trường học bị ảnh hưởng trực tiếp.

Juliette Touma thuộc Cơ quan tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) cho biết: “Đây là một tình huống chưa từng có".

Em Majd Halawa cho biết, khi bom đạn phá hủy trường học của mình ở Thành phố Gaza, ước mơ trở thành luật sư của em đã bị gác lại.

Hai tuần sau khi chiến tranh bắt đầu, quân đội Israel cho gia đình em 3 phút để rời khỏi khu chung cư của họ ở phía bắc Gaza.

“Em đã bỏ lại tất cả sách vở, nghĩ rằng sẽ không mất nhiều thời gian để quay lại, nhưng điều đó đã không xảy ra”, cô gái 16 tuổi nói rằng ngôi nhà của em đã bị san phẳng bởi một cuộc không kích.

Trong một căn lều tạm, cô giáo Hiba Halaweh đang dạy 30 đứa trẻ học đọc những từ đầu tiên. “Bọn trẻ rất vui khi được quay trở lại với con chữ" - cô Haba dạy đám trẻ bằng những kiến thức mình có vì không còn sách vở, tài liệu nào.

Theo UNICEF, những nơi khác trên thế giới, nhiều trẻ em sống qua chiến tranh khó hoặc không bao giờ trở lại trường học.

Ở Iraq, 6 năm sau khi chính phủ tuyên bố chiến thắng nhóm Nhà nước Hồi giáo, hàng chục ngàn người vẫn chưa được đến trường. Theo Ngân hàng Thế giới, hàng ngàn trường học bị phá hủy vẫn chưa được xây dựng lại.

Nhưng đối với Majd, điều quan trọng không chỉ là có được một ngôi trường để đi học lại mà là cách em và những đứa trẻ khác sẽ phải quên đi những gì đã thấy, đã đau đớn trải qua. "Không ai có thể quên đi tất cả ký ức về những gì đã xảy ra, dù là trong 100 năm nữa" - em nói.

196 nhân viên cứu trợ thiệt mạng ở Gaza

Hôm 5/4, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi điều tra độc lập về cái chết của tất cả 196 nhân viên cứu trợ thiệt mạng ở Dải Gaza trong cuộc chiến Israel-Hamas và cho biết ông hy vọng Israel tăng cường viện trợ nhanh chóng và hiệu quả.

Sự phẫn nộ toàn cầu về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng với 2,3 triệu dân ngày càng leo thang, nhất là khi quân đội Israel thừa nhận đã vô tình tấn công một xe chở những nhân viên cứu trợ khiến 7 người thiệt mạng trong tuần này.

“Chính phủ Israel đã thừa nhận sai lầm. Nhưng vấn đề cốt yếu không phải là ai đã phạm sai lầm, mà chính chiến lược và thủ tục quân sự hiện hành đã cho phép những sai lầm đó. Việc khắc phục những thất bại đó đòi hỏi phải có các cuộc điều tra độc lập. 196 nhân viên nhân đạo đã thiệt mạng và chúng tôi muốn biết tại sao họ lại bị giết.”

Hôm 5/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên cũng đã họp để thảo luận về nạn đói sắp xảy ra ở Gaza và các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên cứu trợ. Phát biểu trước hội đồng, quan chức viện trợ cấp cao của Liên Hợp Quốc Ramesh Rajasingham kêu gọi tất cả các nước giúp ngăn chặn hành vi vi phạm luật nhân đạo.

Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward cho biết các nhân viên cứu trợ không bao giờ nên trở thành mục tiêu, đồng thời nói thêm: "Israel phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ họ và đảm bảo an toàn cho họ để họ có thể cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cần thiết".

Trọng Trí (theo AP, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI