Trường học "đau đầu" ứng phó khi TPHCM tăng hơn 34.000 học sinh THCS trong năm học mới

16/07/2023 - 07:07

PNO - Năm học 2023-2024, TPHCM dự kiến tăng thêm 35.055 học sinh, trong đó có 34.107 học sinh bậc THCS. Điều này khiến các địa phương “lo” chất lượng giáo dục giảm sút.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng giáo dục quận Gò Vấp - cho biết, năm học 2023-2024 số học sinh lớp 6 trên địa bàn quận tăng gấp rưỡi so với năm học 2022-2023. Việc tăng đột biến số học sinh đầu cấp ở bậc THCS khiến công tác tuyển sinh bậc học này gặp nhiều áp lực hơn.

“Năm học 2022-2023 quận Gò Vấp đã phấn đấu để gần như 100% học sinh khối 6 được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, với việc số học sinh khối 6 trong năm học tới tăng đột biến mà cơ sở vật chất, trường lớp chưa theo kịp thì chắc chắn sĩ số học sinh ở các khối lớp bậc THCS sẽ phải tăng, đồng thời tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày cũng phải giảm so với năm học trước mới có thể đảm bảo đủ chỗ học cho con em trong độ tuổi trên địa bàn” - ông Trịnh Vĩnh Thanh nói.

TPHCM tăng khủng học sinh lớp 6 trong năm học tới
Năm học 2023-2024, số lượng học sinh lớp 7 tại TPHCM tăng cao

Ông Trịnh Vĩnh Thanh đánh giá, trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT 2018, sĩ số học sinh tăng, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày giảm sẽ tác động không nhỏ đến chất lượng giáo dục, đòi hỏi các giải pháp thiết thực và đội ngũ phải nỗ lực nhiều hơn nữa. “Năm học tới, quận sẽ đẩy mạnh việc dạy và học trên internet, học trên nền tảng số ở bậc THCS, hướng tới gia tăng khả năng tự học của học sinh và nâng cao tỉ lệ học 2 buổi/ngày của học sinh thông qua hình thức này” - ông nêu giải pháp.

Năm học 2023-2024 quận Bình Tân tăng thêm hơn 2.300 học sinh ở bậc THCS. Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng giáo dục quận Bình Tân - cho hay, do đã lường trước từ 5 năm trước ngay khi học sinh độ tuổi này bước vào lớp 1 nên quận không bị động, lúng túng trong phân bổ trường, lớp.

“Với số học sinh gia tăng, quận cần thêm khoảng 52 phòng học mới. Tuy nhiên, theo kế hoạch phải đến quý 2/2024 quận mới đưa vào sử dụng thêm 1 trường THCS, vì thế giải pháp được quận đưa ra là tăng sĩ số học sinh/lớp, giảm tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, dồn sĩ số học sinh các khối lớp trên để có phòng cho học sinh khối 6. Các giải pháp này sẽ được áp dụng tùy theo từng trường, để phù hợp nhất” - ông Ngô Văn Tuyên nói.

Dù vậy, theo ông Tuyên, để đáp ứng được số học sinh gia tăng thêm đòi hỏi tăng số lượng giáo viên bậc THCS tuyển dụng thêm trong năm học mới. Đồng thời, việc giảm tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày sẽ tác động đến hiệu quả triển khai Chương trình GDPT 2018 bậc THCS…

Áp lực sĩ số học sinh khiến nhiều địa phương lo chất lượng giáo dục sụt giảm
Áp lực sĩ số khiến nhiều địa phương lo chất lượng giáo dục giảm sút

Theo tính toán, năm học 2023-2024 TP Thủ Đức có 20.226 học sinh hoàn thành chương trình tiểu học huy động vào lớp 6. So với năm học 2022-2023, con số này tăng thêm hơn 4.000 học sinh. Trong khi đó, toàn TP Thủ Đức còn tới 8 dự án xây dựng và xây dựng mới trường THCS chậm tiến độ. Địa phương này xác định, trong giai đoạn từ 2023-2025 phải cần thêm đến 836 phòng học bậc THCS mới đảm bảo đủ chỗ học cho số học sinh gia tăng.

Hiệu trưởng một trường THCS tại TP Thủ Đức bày tỏ, áp lực tăng sĩ số học sinh đầu cấp khiến số lớp ở khối 6 của nhà trường “nở ra”, đồng thời sĩ số học sinh/lớp phải tăng lên, trong khi giáo viên chưa đáp ứng đủ về số lượng để đứng lớp, rất áp lực trong năm học mới. 

Sĩ số học sinh cao chưa đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018

Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, năm học 2023-2024 toàn thành phố tăng thêm 35.055 học sinh so với năm học 2022-2023. Mức tăng cao nhất là ở bậc THCS (tăng thêm 34.107 học sinh, trong đó có 33.669 học sinh hệ công lập, ngoài công lập là 438 học sinh). Số phòng học mới bậc THCS được đưa vào sử dụng là 141 phòng (tăng thêm 53 phòng). 

Năm học 2023-2024, số lượng học sinh tăng nhiều ở cấp THCS, tập trung tại TP Thủ Đức và một số quận, huyện như quận 12, Gò Vấp, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Hóc Môn do đây là các khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, dẫn đến tăng dân số tăng cơ học. 

“Việc gia tăng số học sinh dẫn đến tăng số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng thêm nguồn chi ngân sách thành phố. Bên cạnh đó, hiện nay một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã làm hạn chế phần nào công tác quản lý, chất lượng giảng dạy và chưa đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018” - Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá.  

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI