Trường học chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

01/04/2022 - 06:34

PNO - Tỷ lệ phụ huynh chưa đồng thuận cho con ở độ tuổi tiểu học tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn còn cao nên nhà trường phải kiên trì giải thích, vận động.

Phụ huynh vẫn còn e ngại

Bộ Y tế vừa có thông báo chính thức về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, công tác tiêm chủng sẽ được tiến hành vào tuần lễ thứ hai của tháng Tư. Tại TPHCM, các cơ sở giáo dục đang tiến hành nhập thông tin của các em trong độ tuổi lên hệ thống tiêm chủng, chuẩn bị cơ sở dữ liệu cho ngày tiêm sắp tới.

TP.HCM chuẩn bị tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (trong ảnh: Học sinh từ 12 tuổi đã được tiêm vắc-xin phòng COVID-19) - ẢNH: THANH THANH
TPHCM chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (trong ảnh: Học sinh từ 12 tuổi đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19) - Ảnh: Thanh Thanh

Tại Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (Q.8), cô Lê Huỳnh Diễm Thúy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con tiêm vắc xin ở trường là hơn 50%. Về thiếu mã định danh của học sinh, cô Lê Huỳnh Diễm Thúy nói rằng toàn trường chỉ thiếu khoảng vài chục học sinh, và đang chờ phụ huynh bổ sung. Nhà trường vẫn nhập dữ liệu tiêm chủng của học sinh lên hệ thống bình thường.

Còn tại Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1), cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ, do đọc các thông tin không chính thống, không rõ ràng về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, nên vẫn còn nhiều phụ huynh chưa đồng ý, không yên tâm cho con tiêm vắc xin. Hiện tỷ lệ phụ huynh đồng thuận của trường đạt hơn 67%, và con số này sẽ còn thay đổi trong những ngày tới.

Tương tự, đối với trẻ dưới 12 tuổi, cô Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho hay tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con tiêm chủng chỉ đạt gần 50%. Số còn lại chủ yếu nằm trong trường hợp F0 mới khỏi bệnh, đang chờ đủ ngày theo quy định để có thể được tiêm chủng. 

Thực tế này không quá nhiều bất ngờ, bởi ngay từ khi có thông tin tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ, rất nhiều phụ huynh e ngại, nhất là trẻ mầm non năm tuổi và học sinh tiểu học. 

Kiên trì giải thích cho phụ huynh 

Theo đại diện nhiều trường, thầy cô rất mong muốn học trò được tiêm đầy đủ vắc xin để an toàn khi đi học, sinh hoạt trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc này là tự nguyện, tùy vào điều kiện cụ thể mà cha mẹ quyết định. Cái khó là hiện nay nhiều học sinh đã nhiễm rồi nên tỷ lệ phụ huynh đồng thuận không cao. Trường học chỉ biết cố gắng giải đáp thông tin, tuyên truyền cho phụ huynh hiểu.

Theo cô Diễm Thúy, việc đăng ký tiêm vắc xin là hoàn toàn tự nguyện, dựa trên nhu cầu của phụ huynh. Qua khảo sát, nguyên nhân chủ yếu khiến phụ huynh không đồng thuận là các học sinh từng là F0, đã khỏi bệnh. Hiện các giáo viên vẫn đang thuyết phục, động viên phụ huynh, nên con số này sẽ tiếp tục thay đổi.

Còn cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh), mong muốn cơ quan chuyên môn cung cấp thêm thông tin cụ thể hơn về vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi cho các trường. Ví dụ như: liều lượng, loại vắc xin, tác dụng phụ nếu có… Khi có nhiều thông tin rõ ràng để phụ huynh tường tận thì các trường sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyên truyền, vận động phụ huynh, cũng là một trong những giải pháp để tăng tỷ lệ đăng ký tiêm vắc xin cho trẻ ở bậc tiểu học.

Hiện rất nhiều phụ huynh cũng đang trong trạng thái chờ, đang tìm hiểu và vẫn chưa biết sẽ tin vào thông tin về vắc xin phòng COVID-19 ở nguồn nào. Nếu có các thông tin chính thống, thầy cô sẽ giải thích thêm với phụ huynh để giảm bớt lo lắng khi cho con đi tiêm chủng.

Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1) vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh trong công tác tiêm chủng, do mục tiêu cao nhất là trẻ phải được đến trường an toàn, để phát triển toàn diện. “Việc thuyết phục phụ huynh, tăng tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con đi tiêm chủng là để đạt được mục tiêu này”, cô Tống Thị Mai Hương nhấn mạnh.

Với công tác tiêm vắc xin cho trẻ ở độ tuổi này, Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trường đại học Y Dược TPHCM, lưu ý, đây là độ tuổi nhạy cảm, nên cần nhớ những phản ứng sau khi tiêm cho trẻ. Quan trọng nhất là sốc phản vệ. Các trường cần nhận biết, xử trí nhanh khi hồi sức, cấp cứu cho trẻ. Ngoài ra, trẻ còn có thể có các phản ứng sau tiêm khác với người lớn như ngất vì đau hoặc do đói. 

Minh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI