Trường học chủ động tổ chức ôn thi miễn phí cho học sinh

16/02/2025 - 06:11

PNO - Dù không được thu tiền ôn luyện cho học sinh cuối cấp theo quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, nhiều trường THCS, THPT vẫn chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập, bảo đảm kiến thức cho học sinh trước các kỳ thi quan trọng.

Thông tư 29 quy định, học sinh (HS) cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch của trường là đối tượng được học thêm trong nhà trường nhưng không được thu tiền. Kỳ thi lớp Mười và tốt nghiệp THPT đang đến gần, nhiều trường đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS bằng nhiều cách.

Ôn luyện miễn phí

Tại Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè, TPHCM), việc ôn thi vào lớp Mười thường được thực hiện sau khi kết thúc năm học (23/5). Thời gian ôn kéo dài khoảng 2 tuần với 3 môn thi: văn, toán, tiếng Anh. Ông Dương Công Lý - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Theo thông tư mới, trường sẽ tổ chức ôn tập không thu tiền. Mỗi giáo viên chỉ dạy từ 1-2 lớp trong 2 tuần nên số tiết không nhiều. Trường sẽ xem xét chi trả thu nhập tăng thêm cho thầy cô theo Nghị quyết 08 của HĐND TPHCM. Đối với HS yếu, giáo viên sẽ ôn tập trên lớp hoặc qua phần mềm LMS để bảo đảm kiến thức cho các em”.

Cũng theo ông, trường chỉ có 2 - 4% HS thi vào các trường THPT quận trung tâm, số còn lại tập trung ở trường trên địa bàn, mức độ cạnh tranh không cao. HS của trường rất ít học thêm nhưng tỉ lệ đậu lớp Mười thường từ 97% trở lên.

Học sinh lớp Mười hai Trường THPT Hồ Thị Bi (huyện Hóc Môn) trong tiết học môn giáo dục kinh tế và pháp luật - ẢNH: N.Q.
Học sinh lớp Mười hai Trường THPT Hồ Thị Bi (huyện Hóc Môn) trong tiết học môn giáo dục kinh tế và pháp luật - Ảnh: N.Q.

Bà Lê Thị Thùy - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Đồn (quận 4) - thông tin, từ 7 năm nay, các trường THCS tại quận 4 không thu tiền nhưng vẫn tổ chức luyện thi lớp Mười cho HS bình thường. Kỳ thi diễn ra vào đầu tháng Sáu thì giáo viên sẽ dạy và ôn tập cho HS đến cuối tháng Năm. Trường dạy 2 buổi/ngày nên lấy kinh phí này để chi trả cho giáo viên tham gia giảng dạy. Trường cũng đưa nhiều bài tập lên hệ thống LMS để HS tăng cường ôn luyện, tương tác với thầy cô.

Ông Nguyễn Xuân Đắc - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) - cũng cho hay, nhiều năm nay, trường không tổ chức thời khóa biểu ôn luyện riêng cho HS. Nếu các môn khác kết thúc thời gian học vào ngày 23/5 thì với 3 môn thi lớp Mười, thầy cô cố gắng hoàn thành sớm chương trình (có thể vào cuối tháng Tư) và dành thời gian còn lại để ôn tập.

Đối với bậc THPT, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức) - chia sẻ, trường vẫn tổ chức ôn luyện cho HS bình thường. Tuy nhiên, nếu những năm trước trường vận động 100% HS tham gia và vận động kinh phí từ phụ huynh thì năm nay, trường cho HS đăng ký tự nguyện và hoàn toàn miễn phí. Giáo viên cũng tự nguyện đăng ký dạy và được trả phí thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08. Với những HS quá yếu thì giáo viên tổ chức giảng dạy, phụ đạo và được chi theo quy chế chi tiêu nội bộ.

Ông Lê Thanh Tòng - Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Bi (huyện Hóc Môn) - cho biết, hằng năm vào đầu học kỳ II, trường có bố trí tiết ôn tập cho HS. Năm nay, trường thống nhất vẫn giữ nguyên số tiết ôn tập và dạy miễn phí. Theo ông, HS ngoại thành tìm chỗ học thêm khó khăn và không phải ai cũng có điều kiện. Còn việc chi bồi dưỡng cho giáo viên giảng dạy như thế nào, trường đang chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT TPHCM.

Tìm giải pháp lâu dài

Tại Hà Nội, thầy và trò Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) đang tập trung hoàn thành chương trình lớp Mười hai theo kế hoạch năm học. Ông Lê Việt Dương - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trường đang xây dựng kế hoạch bổ trợ (không thu tiền) cho HS chưa vững kiến thức và kỹ năng làm bài thi. Đây là hoạt động được trường triển khai đều đặn hằng năm. Năm nay, trường sẽ triển khai từ tháng Ba, thay vì thực hiện từ tháng Tư như các năm trước.

Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm) sẽ mở các lớp bồi dưỡng cho HS cuối cấp có nhu cầu, không thu phí. Hiệu trưởng nhà trường Hoàng Đức Thuận cho biết, trên cơ sở tính toán ngân sách, trường trích một phần kinh phí (dự kiến là 70.000 đồng/tiết học) để bồi dưỡng giáo viên. Đây không phải là thù lao, bởi thông thường, nếu chưa tính theo mức tiền dạy thừa giờ, thầy cô cũng đã nhận khoảng 200.000 đồng/tiết. Nếu nhân với hệ số dạy thừa giờ theo quy định thêm 150% nữa, thì mức thù lao sẽ rất cao, nhà trường không có đủ quỹ để bù đắp. Trên tinh thần tự nguyện, đa phần thầy cô đều sẵn sàng. Theo đó, trường sẽ tổ chức các lớp học thêm cho HS khối Mười hai ở tất cả môn thi tốt nghiệp, kể cả môn chỉ có 11 HS đăng ký như môn sinh học.

Tuy vậy, theo ông Hoàng Đức Thuận, việc này chỉ là giải pháp tạm thời, cấp bách, về lâu dài vẫn cần có hướng dẫn cụ thể cũng như có nguồn ngân sách hỗ trợ hoạt động dạy thêm tại trường. Ông lý giải: “Với số HS lớp Mười hai hiện nay tại trường và áp dụng mức thu tiền học thêm theo quy định của TP Hà Nội là 7.000 đồng/tiết học, thì sẽ mất khoảng 140 triệu đồng/tháng. Điều này rất khó cho các trường, vì hoàn toàn không có đủ nguồn ngân sách để bù đắp kinh phí. Năm đầu tiên áp dụng quy định có thể vận động giáo viên hỗ trợ, chia sẻ. Nhưng nếu tiếp tục kéo dài ở những năm học sau thì rất khó để các trường duy trì việc dạy miễn phí”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam - việc dạy thêm trong nhà trường không thu phí đối với 3 nhóm đối tượng được quy định tại Thông tư 29 là rất nhân văn. Quy định này nếu được triển khai sẽ tạo ra môi trường giáo dục bình đẳng, bảo đảm HS khó khăn hoặc cần bồi dưỡng năng lực được hỗ trợ mà không bị hạn chế bởi điều kiện kinh tế. Song, ông cũng thừa nhận ngân sách hạn chế là thách thức lớn với nhiều trường học.

Ôn luyện cho học sinh là trách nhiệm của nhà trường

Ngày 11/2, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thành về tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông. Trong đó, bộ yêu cầu các trường tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những HS có kết quả học tập ở mức chưa đạt. Tổ chức cho HS lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch của trường, xác định đây là trách nhiệm của nhà trường để giúp HS đáp ứng các yêu cầu cần đạt của chương trình. Đồng thời, bộ cũng đề nghị UBND tỉnh thành chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng HS, đặc biệt là HS còn gặp khó khăn trong học tập, HS cuối cấp, đối tượng yếu thế, HS có hoàn cảnh khó khăn…

Tự học rất quan trọng

Dù là năm đầu tiên kỳ thi vào lớp Mười diễn ra theo chương trình mới nhưng ông Nguyễn Xuân Đắc khẳng định, từ các năm trước, sở đã ra các dạng đề giải quyết tình huống, vận dụng kiến thức vào thực tế nên HS đã quen. Ông nhắn nhủ: “Những HS đang học thêm nhưng phải gián đoạn thì hãy tiếp tục sử dụng khung thời gian đó để làm bài tập, ôn luyện kiến thức. Những em khác cũng cần chủ động xây dựng thời khóa biểu hợp lý cho từng môn học, luyện đề thi của những năm trước. Kiến thức học được ở trường mới quyết định, học thêm chỉ bổ trợ. Đặc biệt, các em phải duy trì sức khỏe, tinh thần ổn định trước kỳ thi”.

Bà Lê Thị Thùy khuyên: “Chương trình mới không nặng về kiến thức mà quan trọng là kỹ năng, phẩm chất, tư duy. Trên lớp, HS được giáo viên dạy kỹ năng tư duy, khả năng đọc đề, phân tích đề từ sớm. Tuy nhiên, khả năng tự học, tính chủ động trao đổi với thầy cô mới quan trọng và mang lại hiệu quả”.

Với HS chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Quang Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) - cho rằng, HS chỉ cần tập trung học ở trường và tự học ở nhà. Ngoài ra, HS có thể hỏi thêm bạn bè, thầy cô và học qua các kênh dạy online để mở rộng kiến thức. Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc nói thêm: “Với ma trận đề tham khảo của Bộ GD-ĐT, HS cần nghiêm túc học để có kết quả tốt. Các em có thể học thêm qua các ứng dụng AI để có nhiều hướng tiếp cận với cùng một dạng bài”.

Trang Thư - Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI