Trường học bất ngờ “rung lắc”, mới hay nguy hiểm chực chờ

07/12/2020 - 07:46

PNO - Từ ngày 6/10, học sinh của 17/22 lớp học của Trường THPT Nguyễn Huệ, H.Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh đột ngột chuyển đến học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện do ngôi trường bị "rung lắc".

Trong khi chờ kết luận chính thức của ngành chức năng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Tuấn Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh về sự cố này. 

Theo ông Hải, sáng 2/10, trong giờ ra chơi, rất nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ thấy hiện tượng “rung lắc“ mạnh ở các phòng học ở tầng 1 và 2 thuộc khối lớp học nên các em đã báo với hiệu trưởng. Sau khi tiếp nhận thông tin, hiệu trưởng nhà trường đã báo nhanh về sở bằng điện thoại.

Sau mười năm đưa vào sử dụng, Trường THPT Nguyễn Huệ (H.Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) xuống cấp trầm trọng
Sau mười năm đưa vào sử dụng, Trường THPT Nguyễn Huệ (H.Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) xuống cấp trầm trọng

Chiều cùng ngày, Sở GD-ĐT Tây Ninh đã phối hợp với đơn vị thiết kế và Phòng Kinh tế hạ tầng H.Bến Cầu đến hiện trường để khảo sát và kiểm tra thực địa. Nhưng vào thời điểm khảo sát, tại các phòng học không thấy hiện tượng “rung lắc“ như trước đó.

Ngày 3/10, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ đã gửi tờ trình số 02/TTr-THPT về sở báo cáo hiện tượng “rung lắc“ thấy được bằng mắt thường xảy ra ngày 2/10 đồng thời kiến nghị cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Đồng thời, UBND H.Bến Cầu cũng gửi văn bản về UBND tỉnh đề nghị tạm thời cho học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ nghỉ học do khối công trình lớp học không an toàn. Vào ngày 6/10, 17 lớp học của trường đã được chuyển ra học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) của huyện, cách trường THPT Nguyễn Huệ khoảng 500m. Năm lớp còn lại vẫn tiếp tục học tại Trường THPT Nguyễn Huệ do TTGDTX không đủ sức chứa. 

Kết quả khảo sát, kiểm tra thực tế hiện trạng công trình Trường THPT Nguyễn Huệ của Sở Xây dựng ngày 4/10 nhận định: khối lớp học của trường THPT Nguyễn Huệ đang bị xuống cấp và hư hỏng nặng, có khả năng gây nguy hiểm bất cứ lúc nào cho giáo viên và học sinh nếu tiếp tục giảng dạy và học tập tại đây.

Cụ thể, hộp gain tại vị trí phía sau bên trái công trình bị đứt gãy, nền một số vị trí bị sụp, lún; hầu hết các dầm sàn lầu 1, lầu 2 đều có vết nứt xiên tại vị trí đầu dầm và bị võng, vết nứt và độ võng dầm có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Một số cột bị nứt. Các sàn lầu bị võng. Hầu hết sàn mái bị võng nứt, một số vị trí hư hỏng nặng, nước chảy qua được.

Khối hành chính và khối phòng chức năng cũng xuất hiện một số hiện tượng tương tự như khối phòng học nhưng không nặng bằng.

Sở Xây dựng đề xuất: tạm dừng ngay việc dạy và học tại trường; lên phương án bố trí địa điểm khác để học sinh tiếp tục học tập cho đến khi khắc phục xong nguy cơ mất an toàn của công trình. Khẩn trương di dời ngay các thiết bị trường học, tránh hư hao về tài sản.

Đồng thời, kiến nghị Sở GD-ĐT nhanh chóng tổ chức kiểm định (độc lập) đánh giá chất lượng công trình để có hướng xử lý phù hợp. Hiện nay, trung tâm quy hoạch giám định chất lượng xây dựng tỉnh đã được chọn làm đơn vị kiểm định chất lượng và khả năng chịu lực kết cấu toàn bộ công trình Trường THPT Nguyễn Huệ.

Được biết, công trình xây mới Trường THPT Nguyễn Huệ do Sở GD-ĐT Tây Ninh làm chủ đầu tư, được xây dựng ngay trên nền trường cũ và được đưa vào sử dụng từ năm 1998. Công trình gồm ba khối nhà (khối hành chính, khối lớp học và khối phòng chức năng) xếp thành hình chữ U, mỗi khối có quy mô ba tầng (gồm 1 trệt, 2 lầu).

Trong đó, khối lớp học ở giữa, khối hành chính và khối phòng chức năng ở hai bên. Dự án được triển khai thi công từ năm 2008 và chính thức đưa vào sử dụng từ năm học 2009-2010. Việc xuống cấp của công trình xây dựng sau mười năm sử dụng là tùy thuộc vào nhiều yếu tố tác động.

Nhưng hiện tượng “rung lắc” cả khối nhà học và những đánh giá, nhận định của các cơ quan chức năng là một thực tế từ quá trình chuyển biến chất lượng công trình đã âm thầm diễn ra từ trước.   

“Sự việc đang được thực hiện ráo riết, cẩn trọng trên tinh thần đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh và thầy cô giáo đang giảng dạy, học tập tại trường” - ông Bùi Tuấn Hải nói. Chúng tôi ghi nhận sự tích cực xử lý sự cố “rung lắc” xảy ra ở Trường THPT Nguyễn Huệ của Sở GD-ĐT Tây Ninh. Nhưng nếu ngôi trường này không “rung lắc” bất thường thì bao giờ sự an toàn cao nhất cho người sử dụng mới được đặt ra một cách nghiêm túc như vậy? 

Nguyễn Thiện

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI