Ăn chơi trong lõi rừng
Nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái trong vườn quốc gia (VQG), các VQG trên cả nước thường được chia thành ba phân khu rất mạch lạc trên giấy tờ: phân khu phục hồi sinh thái; phân khu hành chính và dịch vụ du lịch; phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.
Đáng chú ý, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt nằm ở độ cao 400m trở lên, được lập ra nhằm bảo vệ nghiêm ngặt các hệ sinh thái rừng và hệ động, thực vật trong phân khu. Những thông tin này, chỉ cần vài phút truy cập vào trang điện tử của chính VQG Tam Đảo ở địa chỉ http://tamdaonp.com.vn, là có thể thấy.
|
Một trong các văn bản điều chỉnh quy hoạch từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Điều 7 Luật Đa dạng sinh học chỉ rõ những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học. Theo đó, các hoạt động như khai thác lâm sản, săn bắt, khai thác loài hoang dã, lấn chiếm đất đai, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, xây các công trình, nhà trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt đều bị cấm.
Thế nhưng, một con đường xi măng đã được mở ra, nối liền thị trấn Tam Đảo (cũ) vắt qua các đỉnh đồi, chạy thẳng vào lõi rừng. Xe tải chở vật liệu xây dựng ra vào như đi chợ với tần suất 15-20 chuyến/ngày (nếu thời tiết thuận lợi).
Một chiếc barie sập xuống, chắn ngang, cấm những người ngoài bước chân vào. Một đại dự án du lịch sinh thái (DLST) mang tên Sun Group được triển khai trên ba khu vực, với tổng diện tích 385,5ha, trong đó 300,5ha nằm trong lõi rừng quốc gia.
Theo những gì truyền thông đưa tin tại thời điểm khởi công dự án vào cuối năm 2016, khi hoàn thành, công trình này sẽ có rất nhiều hạng mục ăn chơi, nghỉ dưỡng ngay trong lõi rừng, trong cái khu vực lẽ ra là bất khả xâm phạm ấy.
Cái mốc 400m trở lên tính từ mặt nước biển mà quy định VQG đưa ra để phân rõ vùng bảo vệ là một cái mốc khôi hài. Với tổng số vốn giai đoạn I là 2.900 tỷ đồng, dự án Tam Đảo II cách khu du lịch Tam Đảo hiện có theo đường chim bay 6km, đường bộ khoảng 15km, độ cao khoảng 1.100m.
Trong khoảng 50 hạng mục công trình xây dựng của dự án Tam Đảo II, hạng mục gây ám ảnh nhất chính là “Trường đua xe tốc độ cao”. Chúng tôi không hiểu, căn cứ nào để người ta có thể lên đỉnh núi có độ cao hàng ngàn mét, vào tâm lõi khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng để xây trường đua xe tốc độ cao?
Điều chỉnh quy hoạch liên tục một cách bất thường
Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp Điều 15. Quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng 2. Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ được lập các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái. 3. Trong phân khu phục hồi sinh thái, chỉ được lập các tuyến đường bộ phù hợp nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường cấp IV miền núi, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, cầu dành cho người đi bộ ở khu rừng ngập nước. |
VQG Tam Đảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) quản lý. Năm 1996, VQG Tam Đảo được thành lập theo quyết định 136/TTg của Thủ tướng Chính phủ với diện tích 34.995ha; trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt chiếm diện tích 16.442ha (nằm từ độ cao 400m trở lên, trừ thị trấn Tam Đảo), khu phục hồi sinh thái chiếm 7.240ha, phân khu hành chính - dịch vụ 1.540ha và vùng đệm 15.515ha.
Đến năm 2011, Bộ NN-PTNT ra quyết định 1520/QĐ-BNN-TCLN phê duyệt quy hoạch rừng Tam Đảo, làm giảm diện tích rừng từ 34.995ha xuống 32.877,3ha. Theo đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt giảm từ 16.442ha xuống còn 15.653,7ha nhưng phân khu hành chính - dịch vụ lại tăng từ 1.540ha lên 2.629,2ha.
Ngày 4/6/2014, Bộ NN-PTNT ra quyết định số 1238/ QĐ-BNN-TCLN phê duyệt “Đề án phát triển DLST VQG Tam Đảo”. Hơn một năm sau đó, vào ngày 6/8/2015, bộ này tiếp tục ra Quyết định số 3125QĐ/BNN - TCLN phê duyệt đề án “Cho thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh DLST tại VQG Tam Đảo”.
Ở hai văn bản này, diện tích cho thuê môi trường rừng đến năm 2020 là 1.703,9ha. Trong đó, 1.033,9ha thuộc phân khu hành chính - dịch vụ (dự án Tam Đảo II chiếm 300,5ha trong phân khu này) và 670ha phân khu phục hồi sinh thái (theo Luật Đa dạng sinh học, khu vực này không được phép xây dựng nhưng hiện nay, dự án cáp treo của Sun Group rộng 100ha đã được xây dựng tại phân khu này).
Đến ngày 12/12/2018, Bộ NN-PTNT tiếp tục ra Quyết định số 4883/QĐ-BNN-TCLN “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững VQG Tam Đảo giai đoạn 2010-2020”. Theo đó, tổng diện tích rừng tự nhiên của VQG Tam Đảo tiếp tục giảm 116,2ha, còn 32.761,1ha.
Đối chiếu với bản đồ quy hoạch DLST đến năm 2020 trong bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cung cấp sau hai lần Báo Phụ Nữ TP.HCM gửi công văn đề nghị trước đó, có thể thấy, khu DLST Tam Đảo II (300,5ha) và khu DLST chân đỉnh Rùng Rình (70ha) trước đây nằm ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (độ cao trên 400m).
Theo chuyên gia bảo tồn Trần Lê Trà: “Việc ký các quyết định điều chỉnh quy hoạch là chuyện bình thường, nhưng nhìn những số liệu trên, tôi thấy việc điều chỉnh với mức độ liên tục trong một khoảng thời gian ngắn, lại có xu hướng bất lợi cho đa dạng sinh học là bất thường”.
Năm 1996, VQG Tam Đảo được lập ra với nhiệm vụ bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái tại đây, bảo vệ nguồn gen sinh vật, đặc biệt là các loài đặc hữu và bảo vệ rừng đầu nguồn vùng đồng bằng trung du Bắc bộ và thủ đô Hà Nội.
Từ bao giờ, quy định mâu thuẫn quy định, ý hướng mâu thuẫn ý hướng? Từ bao giờ, quy chế rừng đặc dụng bị vô hiệu hóa? Từ bao giờ, hệ thống phân định ranh giới trở nên yếu ớt, mờ nhạt, thậm chí là biến mất, để máy xúc, máy ủi, xe tải chở cát sỏi, xi măng, cốt thép ngang nhiên chạy thẳng vào khu bảo vệ nghiêm ngặt?
Rừng không biết cất tiếng. Nhưng đại công trường mọc lên giữa huyệt rừng biết cất tiếng.
Gần 2.000ha rừng Tam Đảo sẽ bị 18 dự án băm nát? Với quyết định số 4883/QĐ-BNN-TCLN ngày 12/12/2018, Bộ NN-PTNT đã điều chỉnh quy hoạch dưới danh nghĩa bảo tồn và phát triển bền vững VQG Tam Đảo giai đoạn 2010-2020. Theo đó, 18 dự án đã được phê duyệt cho thuê môi trường rừng VQG Tam Đảo. Cụ thể gồm: khu DLST ven hồ Xạ Hương (107,0ha); khu DLST hồ Làng Hà - rừng Lim - suối Vực Thuyền (80 ha); khu DLST nghỉ dưỡng Rừng Thông từ Km 15-18 (100,6ha); khu DLST chân đỉnh Rùng Rình (70ha); khu DLST văn hóa tâm linh Tây Thiên (49,6ha); khu DLST cao cấp Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 (395,5ha); khu DLST Mỏ Quạ (50ha); khu DLST Cửa Tử (30 ha); khu DLST Thác Đát (32ha); khu DLST Vĩnh Ninh (105ha); khu DLST Bản Long - thác Thậm Thình (50ha); khu DLST hồ Thanh Lanh (70ha); khu DLST Đá Đen (64,2ha); khu DLST Quân Boong (50ha); khu DLST Suối Kẹm (50ha); khu DLST Trà Hoa Vàng (200ha); khu DLST Sóng Mây (150ha); khu DLST thác Ba Ao (50ha). Tổng diện tích của 18 dự án này là 1.703,9ha. Đối chiếu với bản đồ quy hoạch khu DLST VQG Tam Đảo đến năm 2020, chúng tôi nhận thấy, dự án Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 và dự án khu DLST chân đỉnh Rùng Rình sát nhau, đồng thời ở giữa tâm lõi thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Tam Đảo với tổng diện tích của hai dự án là 465,5ha, trong số 1.703,9ha. Những dự án còn lại đều nằm trong phân khu phục hồi sinh thái của VQG Tam Đảo. Trước đó, trong đề án số 1238/QĐ- BNN-TCLN ngày 4/6/2014, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt các hạng mục công trình xây dựng tại khu Bến Tắm - Thác 75 như: nhà nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, resort 6 sao, khu chăm sóc sức khỏe… trong khi khu vực này nằm trong phân khu phục hồi sinh thái của VQG Tam Đảo, vi phạm Nghị định 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng. Bằng quyết định số 3215/ QĐ-BNN-TCLB ngày 6/8/2015, Bộ NN-PTNT đã duyệt đề án “Cho thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh DLST VQG Tam Đảo” trái với điểm b, khoản 1, điều 55, Nghị định số 23/2006/ NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về việc thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Nghị định này nêu rõ: “Không được xây các công trình phục vụ du lịch ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái trong rừng đặc dụng”. Câu hỏi đặt ra là, có hay không việc Bộ NN-PTNT cố tình phớt lờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, băm nát rừng của VQG Tam Đảo bằng cách chia nhỏ các dự án “cho thuê môi trường rừng” để giúp doanh nghiệp lách luật, né tránh sự giám sát của Quốc hội? Hiện mới chỉ “lòi ra” một dự án Tam Đảo II, đã cho thấy hàng loạt dấu hiệu vi phạm. Vậy, 17 dự án còn lại đã và sẽ được thực hiện thế nào? |
Nhóm phóng viên