Từ năm 2017 đến nay, giữa sinh viên với Trường đại học Tân Tạo và Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức (thuộc Tập đoàn Tân Tạo) vướng vào tranh chấp pháp lý. Phía trường “đưa” sinh viên ra tòa để đòi lại học bổng đã cấp và đòi luôn lãi suất vì chậm hoàn trả. Chuyện xưa nay hiếm và chưa thấy hồi kết khi mới đây sinh viên quyết định kiện lại trường...
Sinh viên bị trường “đòi nợ” đến 350 triệu đồng
Ngày 31/10, tại Tòa án nhân dân (TAND) H.Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), nguyên đơn gồm Trường đại học (ĐH) Tân Tạo và Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức kiện bị đơn là cựu sinh viên Ngô Trung (xử buổi sáng) và Đỗ Nhật Minh Trực (xử buổi chiều). Cả hai phiên tòa sơ thẩm chủ tọa đều tuyên bố tạm ngừng “vì lý do cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà phần lớn là phía nguyên đơn không đủ chứng cứ để cung cấp”.
|
Phụ huynh và cựu sinh viên có liên quan trong vụ kiện mệt mỏi rời Tòa án nhân dân H.Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) |
Theo bà Trần Thị Kiều Mỹ (đại diện cho Đỗ Nhật Minh Trực, hiện là sinh viên ngành y đa khoa Trường ĐH Võ Trường Toản), TAND H.Châu Thành A đã dời lại phiên xét xử một lần vì nguyên đơn không đến. Trước đó, ngày 19/9, TAND H.Châu Thành A có quyết định xét xử sơ thẩm vụ án dân sự “Tranh chấp về giao dịch cấp học bổng cho sinh viên”. Nguyên đơn là Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đức, bị đơn là cựu sinh viên Trường ĐH Tân Tạo - Đỗ Nhật Minh Trực. Người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan là Trường ĐH Tân Tạo. Cụ thể, Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức đề nghị Đỗ Nhật Minh Trực hoàn trả học bổng hơn 156 triệu đồng, thanh toán lãi suất chậm hoàn trả hơn 43,7 triệu đồng và bồi hoàn hơn 156 triệu đồng. Tổng số tiền phải trả lên đến hơn 350 triệu đồng.
Ngoài ra, TAND H.Châu Thành A cũng tiếp nhận nhiều vụ kiện đòi học bổng tương tự của Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đức đối với các cựu sinh viên Trường ĐH Tân Tạo. Trước đó, công ty này đã gửi đơn kiện đến TAND Q.6, Q.11, Q.8, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh (TP.HCM), H.Bến Lức, H.Cần Đước (tỉnh Long An), nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của sinh viên. Tuy nhiên, các tòa án này đã thống nhất đình chỉ vụ kiện để chuyển hồ sơ về TAND H.Châu Thành A - nơi các sinh viên đang theo học tại Trường ĐH Võ Trường Toản.
Theo đơn khởi kiện, Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức có lập Quỹ ITA để cấp học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi. Ngoài tiêu chí về thành tích và kết quả học tập, Quỹ ITA còn có tiêu chí chỉ cấp học bổng cho sinh viên theo học đến hết niên học. Nếu sinh viên bị đuổi học, nghỉ học giữa chừng mà không có xác nhận của bác sĩ thì phải hoàn trả gấp đôi số tiền học bổng đã nhận. Vì vậy, sau khi sinh viên có đơn xin chuyển trường sang Trường ĐH Võ Trường Toản, Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đức đề nghị sinh viên hoàn trả học bổng trường đã cấp lẫn lãi suất chậm
thanh toán.
Năm 2017, phụ huynh và sinh viên Trường ĐH Tân Tạo bức xúc khi trường bất ngờ tăng mạnh học phí, học phí học lại, thi lại, cũng như thay đổi chính sách học bổng liên tục. Sinh viên và phụ huynh đã phản đối, đề nghị trường giữ lại mức học phí như cam kết ban đầu nhưng không thành. Không thể tiếp tục theo học tại trường, những sinh viên này xin chuyển trường nhưng bị trường đòi lại học bổng, cũng như gây khó khăn trong việc rút hồ sơ.
Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu trường hoàn trả hồ sơ bản gốc và tạo điều kiện cho sinh viên chuyển trường. Sau khi sinh viên chuyển trường, Trường ĐH Tân Tạo đã khởi kiện sinh viên ra tòa. Tuy nhiên, tòa xác định trường không có pháp nhân khởi kiện. Đến nay, Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức là nguyên đơn khởi kiện.
Ai đúng, ai sai?
Ngay từ những mùa tuyển sinh đầu tiên, năm học 2012-2013, lãnh đạo nhà trường, khi đó hiệu trưởng là giáo sư Võ Tòng Xuân, phát đi thông tin tuyển sinh kèm theo thông điệp tặng 500 học bổng toàn phần cho sinh viên trúng tuyển. Điều kiện nhận học bổng được quy định là điểm trung bình năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12 đạt 7,0 và không có điểm môn nào dưới 5,0. Tất cả thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Tân Tạo đều được học bổng toàn phần. Sinh viên học theo chương trình của ĐH Duke (Mỹ)...
Sinh viên Đỗ Nhật Minh Trực cho biết: “Lúc đó, em rất hồ hởi vì được nhận học bổng rất lớn. Em chỉ làm thủ tục nhập học và nộp hồ sơ gồm học bạ bản chính, bằng tốt nghiệp bản chính, giấy chứng nhận kết quả thi bản chính… Ngoài ra, không phải ký thêm bất cứ giấy tờ nào khác để nhận học bổng”.
Trong bản tự khai gửi tòa, bà Trần Thị Kiều Mỹ cho rằng, khi tuyển sinh, Trường ĐH Tân Tạo quảng bá và tư vấn là khi vào học Khoa Y của trường sẽ được nhận học bổng toàn phần năm đầu tiên. Sau năm nhất, trường sẽ tiếp tục cấp học bổng dựa trên thành tích học tập. Sinh viên không được thông báo, không ký bất kỳ cam kết gì với nhà tài trợ hoặc trường. Sinh viên chỉ tích cực phấn đấu học tập, rèn luyện để đạt học bổng những năm sau. Thế nhưng, sau khi học hết học kỳ I năm thứ hai, trường thay đổi chính sách học bổng, tìm mọi cách để không phải cấp học bổng cho sinh viên.
Theo tìm hiểu, sinh viên trúng tuyển các khóa 2013-2019, 2014-2020 khi nhận học bổng không có bất kỳ hợp đồng ràng buộc nào và cũng không biết có quy định phải hoàn trả học bổng khi nghỉ học. Đến tháng 9/2015, chính sách học bổng do bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường, ký (song ngữ tiếng Anh - tiếng Việt) tại mục 4.7 xuất hiện nội dung: sinh viên nghỉ học giữa chừng không vì lý do sức khỏe có chứng nhận của bác sĩ ký túc xá Trường ĐH Tân Tạo buộc hoàn lại tất cả các khoản học bổng để trường cấp cho các đối tượng thật sự có nhu cầu học tập tại trường.
Trong số 81 sinh viên đã chuyển trường vẫn còn hơn 20 sinh viên bị trường giữ hồ sơ gốc. Số sinh viên này đã dự định thuê luật sư để khởi kiện nhà trường yêu cầu hoàn trả hồ sơ gốc.
Việc trường kiện sinh viên và sắp tới đây sẽ là cựu sinh viên kiện trường dường như vẫn chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại. Đây được xem là trường hợp hy hữu trong ngành giáo dục. Dù xét về luật, họ có quyền làm điều đó, nhưng sự tổn hại đâu chỉ là vật chất, thời gian. Trong câu chuyện này, dù ai thắng, ai thua, thứ duy nhất có thể lấy lại sau những phiên tòa này là tiền. Còn đạo thầy trò và uy tín xã hội đã đổ ra sẽ khó lòng “hốt” lại được.
Gia Tuệ