Trường ĐH phải sớm thay đổi phương pháp dạy đã lỗi thời

09/11/2017 - 20:10

PNO - Phương pháp giảng dạy truyền thống đã bị thụt lùi, lỗi thời. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, các trường ĐH bắt buộc phải thay đổi phương pháp theo mục tiêu đào tạo, theo mong muốn người học và thị trường.

PGS.TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ điều này tại hội thảo “Tìm các phương pháp sư phạm hỗ trợ học tập chuyên môn trong bối cảnh quốc tế” do trường ĐH Nguyễn Tất Thành và ĐH Birmingham City (Anh) vừa tổ chức.

Hội thảo này quy tụ được các diễn giả đến từ các trường ĐH như ĐH Birmingham City (Anh quốc), trường ĐH Giáo dục (thuộc ĐHQG Hà Nội), trường ĐH Sư phạm TP.HCM… Ở mỗi trường đều có phương pháp riêng để giúp sinh viên tích luỹ được nhiều kiến thức, kỹ năng. Các diễn giả cho rằng cái thiếu hiện nay vẫn là khoảng cách nhất định giữa chương trình đào tạo trong nhà trường và thực tế của doanh nghiệp, của xã hội.

Trong số những tham luận tại hội thảo, tham luận của diễn giả Nguyễn Văn Hiển và các đồng sự trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã chỉ ra các trở ngại mà giáo sinh Việt Nam đối mặt trong kì thực tập đầu tiên trong chương trình giáo dục giáo sinh. Cuộc nghiên cứu được thực hiện với các giáo sinh năm thứ 3 trong năm học 2016-2017. Những lỗ hỏng lớn giữa chương trình đào tạo tại đại học và thực hành tại trường học; thiết kế không phù hợp của quá trình thực tập, và sự thiếu sót kinh nghiệm thực tế của giáo sinh… là những nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đối với quá trình thực tập.

“Đây là thời đại của sự sáng tạo và cá nhân hóa cho nên phương pháp giảng dạy cũng không thể lỗi thời. Phải làm sao cho phù hợp từ khâu xây dựng chương trình  đến phương pháp dạy theo hướng mở, phát triển năng lực cá thể.  Mỗi sinh viên tùy theo năng lực của mình mà xây dựng kế hoạch học tập, chương trình học riêng theo ý của họ. Vì vậy, phương pháp giảng dạy tích cực thôi chưa đủ, phải làm sao khơi dậy được ý thức tự học để sinh viên hiểu được chính bản thân của mình từ đó tự học theo đúng khả năng và mục tiêu của mình”, PGS. Hồng nhấn mạnh.

Theo bà Hồng, vai trò của giảng viên trong cuộc cải tiến này vô cùng quan trọng. Nếu ngày trước, giảng viên chỉ cần truyền thụ lại kiến thức là xong nhiệm vụ. Giờ đây, người thầy phải vững kiến thức, phương pháp lẫn công nghệ để hướng dẫn người học theo xu thế mới.

Sau hội thảo này, các chuyên gia hứa hẹn cùng nhau xây dựng một diễn đàn nhằm giúp các nhà làm giáo dục có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như áp dụng những phương pháp giảng dạy mới vào giảng đường. Các chuyên gia trong và ngoài nước hy vọng có thể hỗ trợ người học trong các bối cảnh quốc tế hóa từ đó đề xuất phương hướng triển khai tại Việt Nam.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI