Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hành xử sai luật với giáo viên

01/06/2014 - 07:42

PNO - PN - 18 giáo viên (GV) Khoa Giáo dục thường xuyên (GDTX) Trường Đại học Công nghiệp (ĐHCN) TP.HCM đang không biết mình sẽ bị cho nghỉ việc lúc nào, dù họ đều đã có từ bốn-bảy năm làm việc tại trường.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cô Nguyễn Thị Thanh, một trong số những GV nói trên cho biết, ngày 1/9/2007, cô ký hợp đồng (HĐ) làm việc với Trường ĐHCN, diện “thử việc”, thời hạn một năm. Ngày 1/9/2008, HĐ hết hạn, hai bên lại ký tiếp HĐ có thời hạn một năm. Tưởng sau bản HĐ này, cô sẽ trở thành GV chính thức của trường nhưng khi hết hạn, Trường ĐHCN lại lần lượt ký tiếp với cô các bản HĐ lần ba và lần bốn vào các năm 2009 và 2010, mỗi HĐ có giá trị một năm.

Tháng 9/2011, HĐ không được ký kết nữa, cứ ngỡ HĐ đã ký sẽ tự động trở thành HĐ không xác định thời hạn theo Luật Lao động (LĐ), nhưng đến năm 2012 và năm 2013, nhà trường lại lần lượt ký HĐ thứ năm và thứ sáu với cô. Bản HĐ lần cuối có giá trị đến 31/8/2014. Như vậy, trong gần bảy năm, trường ĐHCN đã ký với cô Nguyễn Thị Thanh tổng cộng sáu HĐ. Không chỉ riêng cô Thanh mà tại Khoa GDTX còn có các cô Mai Thị Hiền, Phạm Thị Thu và khoảng 15 GV khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Từ lâu, các GV luôn bất an với những bản HĐ bất lợi cho họ. Ngày 21/3 vừa qua, nỗi lo này càng hiện rõ khi lãnh đạo Khoa GDTX thông báo, đến 31/8 tới, trường sẽ chấm dứt HĐ với họ. “Chẳng lẽ sau từ bốn - bảy năm làm việc chúng tôi phải ra đi tay trắng?” - cô Nguyễn Thị Thanh lo âu.

Truong DH Cong nghiep TP.HCM hanh xu sai luat voi giao vien

Đơn thư của 18 giáo viên trường ĐHCN gửi Báo Phụ Nữ

Luật sư Nguyễn Thế Thông (Công ty luật hợp danh Anh Luật) khẳng định, việc sử dụng lao động (LĐ) như trên là trái quy định của Luật Lao động. Cụ thể, thời gian thử việc đối với LĐ có trình độ ĐH, pháp luật quy định không quá 60 ngày (điều 27), không phải là một năm. Quan trọng hơn, luật quy định: “Khi HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới thì HĐLĐ xác định thời hạn đã giao kết trước đó trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Trường hợp hai bên ký kết HĐLĐ mới là HĐLĐ xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một lần, sau đó nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn” (điều 22).

Về vấn đề trên, ông Trần Văn Thắng - Phó hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Công đoàn Trường ĐHCN, cho là trường đã áp dụng Luật Viên chức, nhưng theo LS Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, không thể lấy Luật Viên chức để bào chữa cho việc làm sai luật. “Theo Luật Viên chức, hết thời gian tập sự (từ ba tháng - một năm) thì hoặc là phải tiếp nhận chính thức hoặc là không tiếp nhận, chứ không thể mỗi năm ký một HĐ. Làm như vậy là không đúng, là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ” - LS Hậu nói.

Ông Thắng còn đổ lỗi cho "lịch sử", đại thể là: tình trạng mỗi năm ký một bản HĐ đã có từ trước tháng 8/2011, nghĩa là thời của ban lãnh đạo cũ. Đến tháng 8/2011, khi ban lãnh đạo mới tiếp nhận thì cũng là lúc Bộ GD-ĐT quy định: trường ĐH không được tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp. GV Khoa GDTX dạy văn hóa cho HS hệ trung cấp chuyên nghiệp, khi hệ đào tạo này không còn thì nhu cầu sử dụng GV cũng sẽ giảm, đó là lý do trường phải tiếp tục ký HĐ có thời hạn với GV, để khi không còn nhu cầu thì chấm dứt. Về số phận của 18 GV nói trên, ông Thắng nói: “Sẽ phải xem xét. Trong trường hợp không tuyển sinh được, nhu cầu sử dụng không có thì buộc phải giảm”.

Cách biện giải trên cho thấy, cả hai đời lãnh đạo trường ĐHCN đều cố tình làm trái quy định về sử dụng LĐ, vì quyền lợi của nhà trường mà không đếm xỉa đến quyền lợi hợp pháp của GV. LS Hậu cho rằng, trước hết GV phải kiến nghị buộc nhà trường thực hiện hợp đồng cho đúng luật. Nếu trường không thực hiện, GV có thể kiện lên cơ quan quản lý LĐ là Thanh tra LĐ (Sở LĐ-TB-XH) hoặc Tòa án LĐ.

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI