Trường ĐH, CĐ ngoài công lập: Hai mươi năm chưa được hoan nghênh

27/09/2013 - 18:37

PNO - PN - “Dù đã tồn tại hơn 20 năm qua nhưng đến tận lúc này, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập vẫn chưa được cơ quan quản lý vui vẻ thừa nhận, xã hội chưa vui vẻ hoan nghênh” GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, đến thời điểm này, cả nước đã có 80 trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Số sinh viên (SV) của các trường này chiếm khoảng 17% tổng số SV cả nước.

Truong DH, CD ngoai cong lap: Hai muoi nam chua duoc hoan nghenh

Các cử nhân ĐH Hoa Sen (TP.HCM) luôn tự hào về ngôi trường ĐH của mình. Nguồn ảnh: Internet

Nhìn thẳng vào những tồn tại của các trường ngoài công lập tại Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục ĐH ngoài công lập, được tổ chức ngày 26/9 tại Hà Nội, GS Trần Hồng Quân thừa nhận, dù đã có những đóng góp đáng kể cho nền giáo dục nhưng các trường ngoài công lập vẫn còn nhiều bất cập. Không ít trường để xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi khiến mất đoàn kết nội bộ. Ở một số trường, các nhà đầu tư tài chính thuần túy nắm quyền làm chủ, các nhà giáo, nhà khoa học trở thành người làm thuê.

Ông nhấn mạnh: “Vẫn còn khoảng 15 trường hoạt động rất khó khăn, làm ăn không đàng hoàng, còn nhiều chuyện nọ chuyện kia. Có những trường chất lượng đào tạo không ra gì. Vì vậy, Bộ phải phân định rạch ròi trường tốt-xấu, nếu không sẽ tạo ra những định kiến xã hội đối với trường ngoài công lập”. GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội không ngại ngùng chỉ ra một thực trạng nhức nhối hơn, có một số trường ngoài công lập như ở Nam Định, Hải Dương đặt vấn đề “mượn” tên giảng viên của Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội để hợp thức hóa việc mở ngành học. Ông bức xúc: “Nhiều tỉnh không đủ năng lực mở trường nhưng Bộ vẫn cho phép”.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, người từng nhiều năm làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẳng thắn cho rằng, cả xã hội lo lắng về giáo dục, nhưng sự chuyển biến trong ngành thì quá chậm. “Thời chiến tranh, các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một tấm gương về giáo dục, nhưng hiện nay thì giáo dục Việt Nam xếp hạng gần áp chót, kém cả Lào, Campuchia” - bà Bình nói. Phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém này, bà Nguyễn Thị Bình khẳng định, trách nhiệm không chỉ là của các cơ quan quản lý, mà còn là trách nhiệm của các trường khi không đặt mục tiêu đào tạo lên hàng đầu.

GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH dân lập Thăng Long cho rằng, chính các quy chế, quy định hoạt động và tổ chức các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập cùng với mạng lưới các trường ĐH hình thành trong ba năm gần đây đã gây cản trở cho việc phát triển mô hình này. GS băn khoăn, theo Luật Giáo dục ĐH vừa có hiệu lực, hội đồng quản trị các trường ngoài công lập phải có thêm thành viên mới, là người đại diện cho chính quyền địa phương nơi trường đặt trụ sở. Người này có mặt trong hội đồng quản trị để trông nom tài sản chung của trường, nhưng người này ở cấp nào, phường, quận hay tỉnh? Các cấp này có sự am hiểu gì về giáo dục không? Theo bà, quy định này sẽ gây rối loạn trong trường vì người đại diện này không có sự am hiểu về giáo dục để có thể tham gia biểu quyết về đường lối đưa trường đi lên.

Trước nhiều bức xúc của các trường về công tác quản lý, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ GD-ĐT đã và đang thực hiện các giải pháp như rà soát để đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ trong cả nước cho phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia và của từng địa phương. Bên cạnh đó cũng đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các trường trong việc được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác của Nhà nước đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa.

 Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI