Trường đại học "xung kích" thực hiện trách nhiệm với cộng đồng

19/04/2020 - 15:38

PNO - Không chỉ chế tạo robot “làm việc” trong khu cách ly, lắp “ATM gạo” giúp người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên đại học còn xung phong “ra trận” chống dịch.

Robot CD 1.0 từ nhóm nghiên cứu Robotics của Trường đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng đang là “trợ thủ” đắc lực trong khu cách ly của Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Thay thế cho một bộ phận nhân viên y tế, robot vào từng ngóc ngách để làm nhiệm vụ khử khuẩn.

Robot khử khuẩn đang làm việc trong khu cách ly
Robot khử khuẩn đang "làm việc" trong khu cách ly

Hai robot sử dụng công nghệ diệt khuẩn khác nhau: robot CD 1.0 (Covid Defender 1.0) hoạt động ở khu vực chịu được nước, khử khuẩn bằng phương pháp phun hóa chất dạng dung dịch; robot DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0) hoạt động ở khu vực văn phòng, nhà ga, nơi đông người... khử khuẩn bằng phương pháp chiếu tia UV.

Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân, đại diện nhóm nghiên cứu Robotics, cho biết: ngay khi nhận được lời đề nghị của Hội Chữ thập đỏ quận 9, lãnh đạo nhà trường đồng ý ngay và chuyển giao robot đến khu cách ly.

Cánh tay robot là vòi phun thuốc, có khả năng chuyển động lên, xuống, qua trái, qua phải. Ngoài ra, hai bên thân robot còn được gắn vòi phun, nên trong quá trình di chuyển robot có thể phun thuốc ra hai bên, phía trước, phía trên và cả dưới mặt sàn. 

Độ xa phun ra từ thân robot ra hai bên là khoảng 1m, phía trước, phía trên là khoảng 2m nên robot chỉ cần di chuyển một lượt là có thể khử khuẩn hoàn toàn khu vực sảnh, hành lang, phòng bệnh của các khu cách ly và bệnh viện.

"Sau khi dịch bệnh được khống chế, robot sẽ được cải tiến để sử dụng cho các công việc khác như cứu hộ, cứu nạn... trong những môi trường và điều kiện mà con người không thể trực tiếp tham gia do nguy hiểm hoặc quá khó khăn", tiến sĩ Thùy Vân cho biết thêm.

Hình ảnh đẹp giữa mùa dịch bệnh
Hình ảnh đẹp giữa mùa dịch bệnh

Giữa những ngày dịch bệnh khó khăn, trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), người đi đường dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân xếp hàng để vào ATM… rút gạo. Cây ATM đặc biệt tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM này chảy ra 13 tấn gạo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. 

Trong thời gian từ 15-17 giờ các ngày 15/4 đến 17/4, hàng ngàn người đến đây để nhận gạo. Mỗi phần hỗ trợ gồm 3kg gạo. Đây là hoạt động chung tay góp sức từ cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên, phụ huynh và các mạnh thường quân.

Máy ATM gạo đặt trước cổng trường giúp nhiều người vượt qua những ngày khốn khó
Máy ATM gạo đặt trước cổng trường giúp nhiều người vượt qua những ngày khó khăn

Còn tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, 50 giảng viên trẻ và sinh viên xung phong tham gia hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) phòng chống dịch COVID-19. Những bạn trẻ này sẽ hỗ trợ sáu nhóm gồm: nhập và rà soát dữ liệu xét nghiệm; thu thập, thống kê, phân tích, biên soạn tài liệu khoa học liên quan đến dịch bệnh; thực hiện truyền thông gián tiếp và hỗ trợ tuyền thông trực tiếp; giám sát lây nhiễm tại doanh nghiệp; thống kê, báo cáo thông tin các ca lây nhiễm và các thông tin khác; quản lý dữ liệu (hành chính) tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn TP.HCM… 

“Thông qua hoạt động này, giảng viên trẻ và sinh viên đã thể hiện tinh thần xung kích của ngành y trong cuộc chiến chống dịch. Với nền tảng kiến thức về y khoa, tôi tin các bạn hỗ trợ tốt cho công tác chống dịch”, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Sinh viên Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, nhóm trưởng tình nguyện chia sẻ: “Đây không chỉ là trách nhiệm của người thầy thuốc tương lai mà còn là cơ hội cơ hội ứng dụng những kiến thức trên giảng đường vào thực tế”.

Giữa đại dịch đầy khó khăn, trường đại học đã "xung kích" thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Từ chế tạo nước sát khuẩn, khẩu trang kháng khuẩn phát cho người dân giữa lúc thị trường khan hiếm; đến chịu giảm lương, thắt lưng buộc bụng hỗ trợ cho người học bớt gian nan... 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI