Trường Đại học Vinh 'bán' học viên, Bộ GD-ĐT có biết?

17/11/2017 - 09:41

PNO - Những gì diễn ra trên thực tế dễ cho người ta cảm giác là trường này đã “bán” giấy phép liên kết tuyển sinh - đào tạo - thi cử để lấy phần trăm, rồi vứt bỏ trách nhiệm với người học và xã hội.

LTS: Một trường đại học “bán” học viên xoay vòng từ trường này sang trường kia, chưa thi tuyển đã có quyết định… trúng tuyển. Một dự thảo đề án “nuốt” 12.000 tỷ đồng ngân sách trong lúc nợ công ngập đầu, để dùng đào tạo 9.000 tiến sĩ. Cho dù những vị có trách nhiệm từ trường nọ đến ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có biện luận, quả quyết ra sao, thì niềm tin vẫn dạt trôi đâu đó.

Học viên trúng tuyển và có quyết định trúng tuyển nhưng sau đó lại phải tham gia đợt thi tuyển đầu vào. Chưa hết, học viên tiếp tục bị “bán” từ đối tác này sang đối tác khác, bị chuyển chỗ học đến ba, bốn lần trong năm. Chuyện cười ra nước mắt này đang xảy ra với nhiều học viên chương trình liên thông lên đại học của Trường Đại học Vinh.

Trúng tuyển một tuần, mới đi thi

Chị A.M. tốt nghiệp Trường Đại học (ÐH) Sư Phạm TP.HCM, ngành ngữ văn. Do TP.HCM không thiếu giáo viên (GV) ngữ văn nên chị A.M. chấp nhận làm GV tiểu học ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), đồng thời phải bổ sung thêm bằng chuyên môn về giáo dục tiểu học. Chính vì vậy, khi thấy thông báo tuyển sinh liên thông lên ĐH ngành giáo dục tiểu học của Trường ÐH Vinh, chị liền đến địa chỉ tuyển sinh tại Q. Thủ Ðức ghi danh, nộp hồ sơ và đóng 1,8 triệu đồng lệ phí ôn thi ba môn đầu vào. 

Truong Dai hoc Vinh 'ban' hoc vien, Bo GD-DT co biet?
 

Tương tự, chị N.L. và nhiều học viên (HV) khác cũng chọn chương trình liên thông này để hoàn chỉnh con đường học hành và chị cũng phải đóng 1,8 triệu đồng lệ phí ôn thi và thi. Ngày 2/7, các HV dự thi ba môn đầu vào gồm tâm lý tiểu học, tiếng Việt và toán. Khoảng hơn một tuần sau, họ chính thức vào học, nhưng khi bước vào “cuộc chơi”, HV mới cảm nhận được nhiều bất ổn. 

“Lớp mình chỉ khoảng 40 HV, nhưng lại có ba hệ liên thông học chung nhau là: liên thông từ trung cấp (TC) lên ĐH (học 2,5 năm), liên thông từ cao đẳng lên ÐH (1,5 năm) và văn bằng 2 (2 năm). Một số HV chưa kịp thi tuyển cũng vào học chung và nói sẽ tổ chức thi bổ túc đầu vào sau. Mình thấy khó hiểu vô cùng”- chị A.M. nói. Những điều khó hiểu trên khiến nhiều HV trù trừ việc đóng học phí học kỳ I (khoảng 5,5 triệu đồng) dù đã vào học được vài tháng. 

Thế nhưng, khi biết được sự thật rằng tất cả 33 HV đều được lãnh đạo Trường ĐH Vinh ra quyết định công nhận trúng tuyển ĐH vào ngày 26/6 (trước ngày thi tuyển đúng một tuần) với hình thức “vừa học vừa làm” khóa 58 (2017-2020) bằng hình thức xét tuyển (tức là không cần phải qua thi tuyển, nhưng thực tế họ vẫn phải đóng tiền ôn tập và thi) thì các HV không còn giữ được bình tĩnh.  

Ngày 14/11, trả lời Báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề trên, ông Nguyễn Hồng Soa - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trường ĐH Vinh - cho rằng, năm 2016, khi bắt đầu tuyển sinh khóa học trên, Trường ĐH Vinh áp dụng hình thức thi tuyển và lệ phí thi tuyển là 1,8 triệu đồng, nhưng đến đầu năm 2017, trường đã xây dựng đề án xét tuyển thay cho thi tuyển.

Ông Soa cũng cho rằng, không phải toàn bộ HV đều bị thu tiền mà chỉ một số HV ghi danh trước, bị đơn vị liên kết nhầm lẫn phải thi tuyển theo quy chế cũ nên mới thu tiền và cho thi tuyển. Theo ông Soa, nhà trường sẽ khấu trừ 1,8 triệu đồng đã thu của HV vào học phí. 

Tuy nhiên, những lý giải của ông Soa không khớp với thực tế: những HV bị “lỡ” thu lệ phí ôn và thi đều ghi danh vào tháng 5 và tháng 6/2017, nghĩa là đã gần nửa năm sau khi quy chế đã thay đổi. Sự thật này không thể không đặt ra câu hỏi: vai trò giám sát của Trường ĐH Vinh ở đâu khi “giao khoán” cho đơn vị liên kết tự lo chiêu sinh, để dẫn đến những sai sót mà không kịp thời phát hiện?

“Dù trường hứa trả lại chi phí ôn và thi, tiền không mất nhưng chúng tôi tốn nhiều thời gian, công sức không cần thiết cho việc ôn và thi” - một HV bất mãn. 

Học viên là món hàng để các trường mua bán

Không dừng ở những sai sót trong tuyển sinh, khi vào học được một thời gian, các HV còn liên tục bị chuyển nơi học tập. Ban đầu, lớp học đặt tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q. Bình Thạnh, sau đó chuyển về Trường Trung cấp (TC) Công nghệ Bách Khoa (Q. Phú Nhuận).

Truong Dai hoc Vinh 'ban' hoc vien, Bo GD-DT co biet?
 

“Họ bảo với chúng tôi, địa điểm cũ không có phòng trống nên lớp phải chuyển sang học tạm chỗ mới một tuần. Sau đó, họ lại bảo rằng trường cũ là TC Miền Đông (ở Đồng Nai) không mở lớp nên chuyển lên Trường TC Công nghệ Bách Khoa học luôn. Họ giải thích với chúng tôi là không có gì phải lo lắng, vì chủ tịch hội đồng quản trị hiện nay của Trường TC Công nghệ Bách khoa cũng là cổ đông của Trường TC Miền Đông và chính là người đứng ra liên kết với ÐH Vinh” - chị A.M kể. 

Sự nhập nhằng trong quan hệ liên kết khiến HV cảm thấy hoang mang. HV yêu cầu được xem hợp đồng ký kết giữa đôi bên và các quyết định liên quan, nhưng đại diện Trường TC Công nghệ Bách Khoa không thể đáp ứng, bởi vào thời điểm đó, Trường ĐH Vinh và Trường TC Công nghệ Bách Khoa chưa ký hợp đồng liên kết đào tạo. 

Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường TC Công nghệ Bách Khoa - cho biết: “Trước đây, chương trình này do Trường ĐH Vinh liên kết đào tạo với Trường TC Miền Đông, nhưng xét thấy HV chủ yếu ở TP.HCM, hơn nữa tôi cũng là cổ đông của Trường TC Miền Đông, nên khi mua lại Trường TC Công nghệ Bách Khoa thì mới chuyển HV về học tại đây cho tiện đi lại và quản lý”. 

Có thể thấy được sự tùy tiện và bát nháo đến mức nào trong hoạt động tuyển sinh - liên kết đào tạo nói trên của Trường ĐH Vinh. Bởi lẽ, dù cùng một chủ thì Trường TC Công nghệ Bách Khoa và Trường TC Miền Đông vẫn là hai chủ thể có tư cách pháp nhân khác nhau và riêng biệt, nên không thể “hoán đổi”, “cho tặng” HV tùy ý. Và nếu có sự “thay ngôi đổi chủ” thì phải có báo cáo và thực hiện các thủ tục có tính pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho đông đảo HV. 

Quá bát nháo!

Vì sao không có hợp đồng liên kết đào tạo giữa Trường TC Công nghệ Bách khoa và Trường ĐH Vinh? Tiến sĩ Phúc giải thích: “Trước khi chuyển cho Trường TC Công nghệ Bách Khoa, hiệu trưởng Trường TC Miền Đông có làm văn bản đề nghị chuyển lớp học này về cho trường của tôi, gửi lên Trường ĐH Vinh.

ĐH Vinh đã đồng ý và làm hợp đồng hợp tác với Trường TC Công nghệ Bách Khoa. Nhưng lúc đó, chủ cũ đang bán và bàn giao công việc lại cho chúng tôi nên anh ta chưa kịp ký. Giờ chúng tôi đang điều chỉnh lại hợp đồng và sớm ký lại chính thức”.

Truong Dai hoc Vinh 'ban' hoc vien, Bo GD-DT co biet?

Nhưng cái sự “loạn” trong liên kết đào tạo vẫn chưa dừng lại. Theo Quy chế liên kết đào tạo của Bộ GD-ĐT, chương trình đào tạo phải do giảng viên của Trường ĐH Vinh (cơ sở chủ trì đào tạo) thực hiện tối thiểu 70% hoặc 100% (tùy vào liên kết theo hình thức đặt lớp đào tạo hay phối hợp đào tạo).

Thế nhưng trên thực tế, với cả sáu môn học của học kỳ I mà HV đã học qua, không giảng viên cơ hữu nào của Trường ĐH Vinh vào dạy. Phải chăng Trường ĐH Vinh đã “khoán” luôn nhiệm vụ đào tạo cho đối tác liên kết?

Ông Nguyễn Hồng Soa khẳng định: “Trường Đại học Vinh không bao giờ “khoán” nhiệm vụ đào tạo cho đối tác liên kết mà là do trong học kỳ I, công tác tổ chức lớp mới, thông tin liên lạc cũng như việc tập trung học vào các ngày cuối tuần còn gặp khó khăn, nên trường đã mời những giảng viên có trình độ thạc sĩ đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM. Từ học kỳ II, trường sẽ cử các giảng viên của trường vào trực tiếp giảng dạy. Mọi hoạt động liên quan đến công tác chuyên môn như đào tạo, thi cử, chấm thi, đề thi đều do Trường ĐH Vinh quản lý. Đơn vị liên kết chỉ chịu trách nhiệm tổ chức, lo cơ sở vật chất cho lớp học”.

Tất nhiên, đến bây giờ thì ông Soa không thể nói khác. Nhưng với những gì diễn ra, đã quá đủ để cho thấy Trường ĐH Vinh chẳng hề theo dõi, giám sát thực hiện chương trình liên kết đào tạo của mình với Trường TC Miền Đông, từ khâu tuyển sinh, thu tiền, đến tổ chức đào tạo.

Nhưng đây cũng chỉ là một ví dụ về sự bát nháo trong mảng tuyển sinh - liên kết đào tạo ĐH vốn đã kéo dài từ rất lâu. Còn nhớ, thời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển mới lên, một cuộc thanh tra trên diện rộng đã chứng minh “liên kết đào tạo” ngoài trường (còn gọi là đào tạo từ xa) là vô cùng bát nháo và bộ đã ra sức chấn chỉnh.

Tiếp sau đó, dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, bộ tiếp tục thanh tra và chấn chỉnh. Nhưng sự bát nháo ấy chưa bao giờ thuyên giảm mà ngược lại còn lây lan lên cả bậc đào tạo sau ĐH.

Riêng Trường ĐH Vinh thì ai cũng biết, đó là một thương hiệu “nổi tiếng” cả nước trong hoạt động liên kết đào tạo. Ngoài những sai phạm nêu trên, thời gian qua, Trường ĐH Vinh còn liên quan đến hàng loạt sai phạm về tuyển sinh, thu tiền, ôn thi, tổ chức thi, coi thi, đề thi cho hơn 800 thí sinh trong liên kết tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ tại Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà. 

Những gì diễn ra trên thực tế dễ cho người ta cảm giác là trường này đã “bán” giấy phép liên kết tuyển sinh - đào tạo - thi cử để lấy phần trăm, rồi vứt bỏ trách nhiệm với người học và xã hội. Những sai trái này, Bộ GD-ĐT có biết?

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI