Trường đại học Văn Lang tuyển sinh ngành quan hệ công chúng vượt năng lực đào tạo?

30/12/2020 - 05:40

PNO - Một số sinh viên, giảng viên của Khoa Quan hệ công chúng - truyền thông Trường đại học Văn Lang nghi ngờ trường tuyển vượt quy mô quá nhiều khiến quyền lợi của người dạy và người học bị ảnh hưởng.

Có thông tin từ đầu năm học 2020-2021, một lãnh đạo Khoa Quan hệ công chúng - truyền thông Trường đại học (ĐH) Văn Lang “khoe” khoa đón nhận 1.820 tân sinh viên K26, đưa tổng số sinh viên bốn khóa của khoa lên đến 4.300 sinh viên.

Theo tìm hiểu, con số này không phải là “nổ” suông, mà có cơ sở. Tài liệu Báo Phụ Nữ TP.HCM thu thập được cho thấy, danh sách chủ nhiệm lớp sinh viên học kỳ I năm học 2020-2021 của Khoa Quan hệ công chúng - truyền thông lên đến hơn 4.100 sinh viên.

Trong đó, riêng sinh viên khóa 26 hơn 1.800 sinh viên. Con số này quả thật không bình thường khi tổng chỉ tiêu năm 2020 do trường công bố là 6.885 sinh viên cho 40 ngành đào tạo. Như vậy, chỉ tiêu thực sự của ngành quan hệ công chúng là bao nhiêu trong tổng chỉ tiêu của trường mà tuyển đông sinh viên đến vậy?

Trường đại học Văn Lang tuyển sinh ngành quan hệ công chúng vượt gần gấp đôi so với năng lực đào tạo
Trường đại học Văn Lang tuyển sinh ngành quan hệ công chúng vượt gần gấp đôi so với năng lực đào tạo

Để đối chiếu dữ liệu, chúng tôi lần tìm lại đề án tuyển sinh 2020 của Trường ĐH Văn Lang trên website trường cũng như trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhưng đều không còn tồn tại.

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của Báo Phụ Nữ TP.HCM, thông tin trong đề án tuyển sinh chính thức của trường này trong hai năm 2019 và 2020 cho thấy quy mô sinh viên của Khoa Quan hệ công chúng - truyền thông phát triển “nóng”.

Cụ thể, năm 2017, chỉ tiêu của ngành quan hệ công chúng là 180, tuyển vào 471 sinh viên với điểm chuẩn 19. Năm 2018 có chỉ tiêu là 210, tuyển vào 387 sinh viên với điểm chuẩn 18. Đến năm 2019, chỉ tiêu là 150, tuyển vào 217 sinh viên với điểm chuẩn 17 điểm. 1.075 là số sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Còn tổng quy mô của ngành này tính đến ngày 31/12/2019 là 2.627 sinh viên bậc ĐH chính quy. Điều này có nghĩa là trong năm 2020, không chỉ chỉ tiêu mà số lượng sinh viên được tuyển vào ngành quan hệ công chúng cũng tăng mạnh. 

Một số giảng viên và sinh viên đang học tập và giảng dạy tại khoa này thừa nhận có thể do sự “nở nồi” tuyển sinh đã khiến người học bị ảnh hưởng. Một sinh viên năm thứ ba Khoa Quan hệ công chúng - truyền thông cho biết: lớp học các môn chuyên ngành gần 100 sinh viên/lớp khiến chất lượng dạy và học không đảm bảo. Môn đại cương lớp đông đã đành nhưng môn chuyên ngành lẽ ra phải là lớp nhỏ, sĩ số ít, giảng viên có nhiều thời gian cho các hoạt động giảng dạy và tương tác với sinh viên hơn. Đó là chưa kể có nhiều giảng viên thỉnh giảng nên xảy ra hiện tượng đổi giảng viên giữa chừng.

Hay như giảng viên K. chưa có bằng thạc sĩ, được nhận vào trường làm trợ giảng 2 nhưng sau đó lại được cho phụ trách dạy sáu lớp với gần 500 sinh viên và còn chủ nhiệm lớp. Một giảng viên của khoa cho hay, trường tăng quy mô tuyển sinh quá "nóng" trong những năm qua trong khi giảng viên không đủ khiến một vài giảng viên phải “ôm” nhiều lớp chủ nhiệm, lớp học cũng rất đông…

Thực tế hiện nay, một số trường ĐH sử dụng nguồn giảng viên thỉnh giảng nhưng ký hợp đồng dài hạn. Những giảng viên này được tính vào tỷ lệ giảng viên/sinh viên khi nhà trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.

Một lãnh đạo của Trường ĐH Văn Lang cho biết: tại thời điểm xác định chỉ tiêu trong đề án tuyển sinh 2020, số lượng giảng viên cơ hữu của trường là 1.129, số giảng viên quy đổi tương ứng là 1.526,5 giảng viên, trong đó khối ngành VII (bao gồm ngành quan hệ công chúng) là 402 giảng viên quy đổi. Cập nhật tại thời điểm ngày 30/11/2020, số lượng giảng viên cơ hữu của trường là 1.695, số giảng viên quy đổi tương ứng là 1.758, trong đó khối ngành VII là 461 giảng viên quy đổi. Về tổng thể, năng lực đào tạo của trường là hơn 38.000 sinh viên, trong khi quy mô hiện tại chỉ hơn 32.600 sinh viên, vẫn thừa năng lực đào tạo.

Đối với khối ngành VII, tại thời điểm 30/11/2020, năng lực đào tạo của trường là 11.523 sinh viên, trong khi quy mô thực tế là 11.978 sinh viên. Theo Thông tư 09, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh là theo khối ngành đào tạo, khối ngành VII của trường chỉ còn thiếu 18 giảng viên quy đổi.

Nhưng đó là khi xét theo quy mô tổng thể toàn trường hay theo nhóm ngành, điều kiện nếu có thiếu cũng không đáng là bao. Tuy nhiên, nếu tính riêng ngành quan hệ công chúng thì sẽ thấy nhà trường đang tuyển sinh vượt gần gấp đôi so với năng lực đào tạo vốn có.

Cụ thể, số giảng viên hiện có của ngành này là 82, số giảng viên quy đổi là 107, nên năng lực đào tạo hiện tại của ngành này là hơn 2.600 sinh viên. Trong khi đó, quy mô đang đào tạo lên đến 4.125 sinh viên. Số liệu tính đến ngày 30/11/2020 cho thấy, ngành quan hệ công chúng còn thiếu 57 giảng viên quy đổi. Việc tuyển sinh và đào tạo nhiều hơn năng lực vốn có không chỉ khiến người học bị ảnh hưởng, mà kể cả người dạy cũng khó tránh khỏi áp lực. 

Theo Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, hiện vụ đã có công văn chuyển Thanh tra Bộ GD-ĐT làm rõ và xử lý những vấn 
đề trên. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI