Trường đại học tự chủ tài chính: Thu vượt quy định hơn 14,5 tỷ đồng

25/03/2019 - 08:27

PNO - Kiểm toán Nhà nước dẫn số liệu kiểm toán tại một số trường đại học công lập cho thấy số thu học phí vượt quy định, thu cải thiện điểm, tiền làm thẻ, tài liệu cho sinh viên... ngoài quy định lên tới hơn 14,5 tỷ đồng.

Đó là thông tin được đại diện Kiểm toán Nhà nước tiết lộ tại hội thảo cơ chế tự chủ với trường đại học công lập do Kiểm toán Nhà nước vừa tổ chức. 

Cụ thể, 5/7 cơ sở giáo dục được kiểm toán trực thuộc Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội thu ngoài quy định hơn 702 triệu đồng. 5/9 cơ sở giáo dục ĐH được kiểm toán thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM cũng thu ngoài quy định gần 4,5 tỷ đồng và tại 5/13 đơn vị được kiểm toán thuộc Bộ GD-ĐT là gần 9,4 tỷ đồng.

Theo ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III, các trường ĐH công lập thực hiện tự chủ tài chính bị áp lực tăng thu dẫn đến một số trường còn tình trạng thu vượt, thu sai, lạm thu các khoản ngoài quy định. Một số trường còn dựa vào lợi thế ngành để tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo.

Truong dai hoc tu chu tai chinh: Thu vuot quy dinh hon 14,5 ty dong
Học sinh lớp 12 tìm hiểu, chọn trường đại học có ngành phù hợp và mức học phí vừa sức - Ảnh: Q.Liêm

Trong khi đó, các trường ĐH công lập không chú trọng việc tạo lập quỹ học bổng, chưa có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học. Từ đó dẫn đến tình trạng người dân nghèo hiếu học không có điều kiện đi học do mức học phí cao. 

Đáng chú ý, nhiều trường chỉ chú trọng tăng học phí mà không quan tâm đến chất lượng giáo dục đã khiến chất lượng sinh viên không cao. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của bốn trung tâm kiểm định cho thấy, trong 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí đánh giá chất lượng chỉ duy nhất một trường ĐH có số lượng tiêu chí “đạt” với 56/61 tiêu chí.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, nhận xét: tự chủ ĐH đang nghiêng về tự chủ tài chính. Nghĩa là việc thu chi tự chủ, nên đã xuất hiện hiện tượng tận thu, vẽ ra để thu ngõ hầu lấp vào hầu bao lúc nào cũng cảm thấy rỗng... đã xảy ra việc vi phạm một số quy định đã nêu. 

Ông Lê Đình Thăng cho rằng, những dịch vụ mà các trường thu là nhu cầu có thật, các trường phải bỏ chi phí thật nhưng lại vướng mắc ở cơ chế. Do không có quy định rõ ràng với các khoản thu trên nên các trường nếu không thu thì có khi không đủ bù chi, mà thu thì rủi ro rình rập người đứng đầu.

Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ra văn bản cấm một số việc thu kiểu như chứng chỉ quốc phòng (thực chất chẳng để làm gì). “Kiểm toán cũng cần xem xét nguồn thu do tự chủ thì cơ cấu chi thế nào? Chi bao nhiêu cho mua sắm thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng, khai thác thiết bị để phục vụ điều kiện học tập và giảng dạy của giáo viên... mà không nhất thiết tham chiếu đến kiểm định vì kiểm định còn có những bất cập chưa sát” - tiến sĩ Vinh nói. 

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, ngoài việc mua sắm thiết bị, nếu tiền ngân sách cấp thì nhà trường có tuân thủ các hiệp định của WTO mua sắm Chính phủ thông qua đấu thầu công khai hay không? Nếu kiểm toán thấy chi phí tính đúng và đủ các khoản của nhà trường còn thiếu thì Nhà nước sẽ hỗ trợ như thế nào? Bên cạnh đó, lương của giảng viên cần được cải thiện để giữ chân những giảng viên giỏi, nếu chính sách không hợp lý, những ràng buộc từ các văn bản quy phạm pháp luật khác sẽ bó tay các trường và nguy cơ chảy máu chất xám khỏi trường ĐH là có thực. 

Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI