Trường đại học trong 'cơn bão' cách mạng công nghệ 4.0: Cần tiềm lực và quyết tâm đổi mới

21/07/2017 - 13:07

PNO - Giáo dục đại học (ĐH) chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các trường ĐH phải “trở mình” thế nào để không bị tụt hậu?......

Là những vấn đề được các nhà giáo dục trong nước và quốc tế “mổ xẻ” tại hội thảo quốc tế “Mô hình ĐH 4.0 - Nền tảng giáo dục thế kỷ XXI” do Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức ngày 20/7.

Truong dai hoc trong 'con bao' cach mang cong nghe 4.0: Can tiem luc va quyet tam doi moi
 


Kinh phí và quyết tâm là chìa khóa đổi mới
GS Gottfried Vossen, Trường ĐH Muenster (Công hòa Liên bang Đức) nhấn mạnh: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng và tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các trường ĐH cũng không nằm ngoài guồng xoáy này. Nhiều trường ở Đức không còn cảnh thầy ghi bài trên bảng, sinh viên (SV) ngồi nghe. Kiểu truyền thống này đã bị thay thế hoàn toàn. Yếu tố quyết định dẫn đến sự thay đổi này nằm ở người lãnh đạo có muốn thay đổi và có quyết tâm hay không. 

Để thích ứng với sự thay đổi của cuộc cách mạng 4.0, các trường ĐH phải nghiên cứu và tìm hướng đi phù hợp cho mình. Sẽ không có một mô hình mẫu để áp dụng chung mà bản thân các trường phải chủ động tiếp cận, thay đổi. Vấn đề kinh phí là một trở ngại với các ĐH công lập. Ở Đức hiện nay ngân sách cho các ĐH công bị cắt giảm. Nếu không thay đổi để nâng cao chất lượng sẽ không thu hút. 

GS Hoàng Phạm, đến từ ĐH Rutgers của Hoa Kỳ, cho biết: “Thực tế ở Mỹ ít nghe đến cái gọi là mô hình ĐH 4.0. Cái mà chúng tôi quan tâm đó là chất lượng, SV ra trường có được khách hàng (doanh nghiệp) sử dụng hay không. Nếu 15.000 SV ra trường mỗi năm mà chỉ có 20% có việc làm thì ngay lập tức ông hiệu trưởng phải từ chức. Vậy vấn đề đặt ra là những yếu tố nào sẽ tạo nên một trường ĐH hàng đầu của thế kỷ XXI? 

Theo GS Hoàng, các nước châu Á đang đặt mục tiêu lọt vào tốp những ĐH hàng đầu thế giới của những tổ chức xếp hạng uy tín. Vấn đề thách thức là tài chính và nghiên cứu khoa học. Nếu ĐH không nghiên cứu thì khó có thứ hạng, mà muốn nghiên cứu thì tài chính là chìa khóa. Vậy tài chính lấy từ đâu? Ở Mỹ, chính phủ cũng đang cắt giảm ngân sách và chúng tôi chỉ được hỗ trợ 25% tài chính cho hoạt động.

Do đó, nguồn tài chính còn lại là thu từ người học và từ các doanh nghiệp đặt hàng. Để có chất lượng phải luôn cập nhật chương trình đào tạo mới nhất sau mỗi năm. SV phải có kinh nghiệm, trải nghiệm từ các doanh nghiệp thông qua các đề tài nghiên cứu, đặt hàng. Vì vậy SV ra trường không chỉ nhận tấm bằng mà theo đó giá trị của SV được thừa nhận.  

Hướng đi nào cho đại học Việt Nam?

Phát biểu trong buổi hội thảo, PGS-TS Trần Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tới hệ thống giáo dục, Bộ GD-ĐT đã khuyến khích các trường triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới một nền giáo dục hiện đại, hội nhập quốc tế.

Bộ GD-ĐT rất hoan nghênh khi ĐH Nguyễn Tất Thành là trường tiên phong trong việc đề xuất ý tưởng xây dựng trường ĐH ngoài công lập trọng điểm cũng mô hình giáo dục ĐH 4.0.ĐH Nguyễn Tất Thành là ĐH đầu tiên có đề án trình Bộ và Chính phủ về việc nghiên cứu mô hình giáo dục ĐH 4.0. Từ đề xuất của trường mà Bộ trưởng đã có chỉ đạo đưa vào chương trình nghiên cứu cấp quốc gia đề tài nghiên cứu giáo dục ĐH 4.0 để xây dựng nền tảng khoa học cho chính sách giáo dục ĐH trong thời gian tới.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, để đẩy mạnh và phát triển mô hình giáo dục 4.0 trong thời gian vừa qua nhà trường cũng đã tổ chức nhiều buổi hội thảo trong nước và quốc tế về giáo dục 4.0 cùng nhiều hoạt động thiết thực để triển khai áp dụng mô hình này. Việc trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức hội thảo quốc tế về giáo dục 4.0 một lần nữa chứng minh cho quyết tâm của nhà trường trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện, tiếp cận xu hướng thế giới. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI