Trường đại học tranh luận gay gắt quy định điểm chuẩn hệ chất lượng cao phải cao hơn đại trà

13/02/2020 - 21:31

PNO - Tại hội nghị triển khai công tác tuyển sinh 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức vào 13/2, nhiều trường đại học đã tranh luận với bộ về chương trình chất lượng cao.

Một trong những điểm mới của Dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2020 gây nhiều tranh cãi nhất là có thêm quy định điểm trúng tuyển chương trình chất lượng cao phải bằng hoặc cao hơn ngành học này ở chương trình chuẩn (hay còn gọi là chương trình đại trà). Khoản 1 Điều 16 trong Dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2020 yêu cầu điểm trúng tuyển ngành học chất lượng cao phải bằng hoặc cao hơn trúng tuyển chương trình chuẩn cùng ngành.

Vấn đề này gây ra cuộc tranh luận khá gay gắt giữa đại diện các trường ĐH với Bộ GD-ĐT.

PGS-TS Bùi Hoàng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH quốc gia TP.HCM), cho rằng nên sửa quy định "điểm trúng tuyển" thành "ngưỡng đảm bảo chất lượng" và kiến nghị này cũng đã được ĐH Quốc gia TP.HCM có công văn gửi ra Bộ GD-ĐT.

Theo ông, mục tiêu chung là đảm bảo nguồn tuyển tốt. Vì vậy, nếu ngưỡng đảm bảo chất lượng của chương trình chất lượng cao bằng hoặc tốt hơn chương trình đại trà thì đúng, còn điểm trúng tuyển phải phụ thuộc vào số lượng hồ sơ nộp vào. Vì chương trình này có chỉ tiêu riêng, phương thức xét tuyển riêng, dẫn đến điểm trúng tuyển khác nhau. Nếu quy định "điểm trúng tuyển" thì sẽ khó khăn và không nhất quán với các quy định khác trong dự thảo.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng
PGS-TS Bùi Hoài Thắng: Nên sửa "điểm đúng tuyển" thành "ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào" . Ảnh: Hoàng Tiến

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thẳng thắn nói: "Chương trình chất lượng cao ở các trường phía Nam thực chất là chương trình dịch vụ chất lượng cao, có điều kiện khác, phương pháp tuyển sinh khác, đặc biệt là học phí cao hơn nhiều. Tại sao phải quy định điểm trúng tuyển cao hơn đại trà? Đó là sai lầm. Chúng ta cần phải tuân thủ quy luật của tuyển sinh: số lượng thí sinh đăng ký nhiều thì điểm trúng tuyển cao, đăng ký ít thì điểm trúng tuyển thấp".

“Phản pháo” lại ý kiến của đại diện các trường, ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho rằng: "Đây mới là dự thảo và Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến. Tuy nhiên, tôi xin nói là để làm dự thảo này, bộ đã huy động 20 chuyên gia từ các trường ĐH lớn của các khối ngành để biên soạn. Nói như thầy Dũng có cái đúng là không thể gọi là "chương trình chất lượng cao" mà phải gọi là "chương trình có dịch vụ chất lượng cao".

Chúng tôi làm tuyển sinh bao nhiêu năm, quá hiểu tuyển sinh là phải lấy từ cao đến thấp. Nhưng chúng tôi biết, có người nói không vào chương trình đại trà được thì vào chương trình chất lượng cao vì có điểm chuẩn thấp hơn. Đó là câu chuyện có thật".

Ông Phạm Như Nghệ (phải) cho rằng chương trình chất lượng cao cần được gọi đúng tên
Ông Phạm Như Nghệ (phải) cho rằng chương trình chất lượng cao cần được gọi đúng tên là dịch vụ cao. Ảnh: H. Tiến

Theo ông Nghệ, làm sao gọi là chương trình chất lượng cao được khi thi chương trình thường thì không trúng tuyển nhưng thi vào chương trình chất lượng cao lại trúng tuyển?

Ông nói: "Vẫn phải quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Trường của các thầy có ngưỡng đầu vào cao nhưng các trường khác thì sao? Khi Kiểm toán Nhà nước vào hỏi tại sao chương trình chất lượng cao có học phí cao nhưng đầu vào thấp hơn chương trình thường thì nói làm sao? Cho nên, gọi là dịch vụ chất lượng cao mới đúng. Đó là chương trình có máy lạnh, giảng viên được chọn... Nếu vậy hãy thông báo đây là "chương trình có dịch vụ chất lượng cao" để tuyển sinh".

PGS Dũng cho rằng, với điều kiện đảm bảo chất lượng cao như máy lạnh, giảng viên giỏi, chương trình đào tạo nước ngoài, dạy bằng tiếng Anh, sĩ số lớp ít... cho dù điểm đầu vào thấp hơn thì sau 4 năm, số sinh viên ra trường của chương trình này sẽ có chất lượng tốt hơn sinh viên chương trình bình thường.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM- ngôi trường thành công với chương trình chất lượng cao
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - ngôi trường thành công với chương trình chất lượng cao. Ảnh: H.Tiến

PGS.TS Đỗ Văn Dũng khẳng định rằng chất lượng chương trình chất lượng cao chắc chắn 100% sẽ cao hơn hệ đại trà vì học trong điều kiện tốt hơn nhiều. Học phí cao dẫn đến điểm đầu vào thấp hơn một chút chứ không phải là chất lượng học không cao.

Ông dẫn chứng, sinh viên học chương trình đại trà ra trường 86% có việc làm nhưng sinh viên chương trình chất lượng cao là 100% ra trường có việc làm. Theo ông, đó không phải là chất lượng cao thì gọi là gì?

Ngoài ra, nhiều trường ĐH cũng đề nghị bộ không nên khống chế chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành mới mở, cần thay đổi sang tỷ lệ, thí dụ như 30-50% để đảm bảo nguồn lực cho nhà trường thay vì quy định cứng nhắc 50 chỉ tiêu.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI