Trường Đại học "thất thủ" trước thí sinh ảo

22/08/2016 - 07:03

PNO - Lần đầu tiên, hàng loạt trường đại học (ĐH) “đại gia” như ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM... phải chấp nhận hạ điểm để tuyển đủ người học.

Con số chỉ tiêu mà các trường còn thiếu giờ đây tính bằng đơn vị hàng trăm, hàng nghìn. Nhưng “đau” nhất vẫn là thí sinh, phải đánh mất cơ hội được học trường yêu thích chỉ vì... quy chế.

50% thí sinh đã đi đâu?

Đó là câu hỏi của hầu hết các trường ĐH sau khi kết thúc đợt xét tuyển NV1. Dù dự đoán trước phương thức xét tuyển năm nay cầm chắc có ảo nhưng không chuyên gia nào có thể ngờ được mọi phương án “chống ảo” của các trường đều “vỡ trận”. Bởi, dù đã tính toán, trừ hao và gọi vượt 40%-100% so với chỉ tiêu, nhưng cuối cùng, số thí sinh trúng tuyển đến xác nhận nhập học chỉ được khoảng một nửa. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có hơn 13.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển cho 6.350 chỉ tiêu. Hội đồng tuyển sinh trường cân nhắc, quyết định gọi trừ hao thành 130% chỉ tiêu. Kết quả, số thí sinh đến nộp phiếu điểm để nhập học chỉ hơn 4.100 em.

Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trường có hơn 63% thí sinh trúng tuyển nộp phiếu điểm dù đã gọi đến 120% thí sinh trúng tuyển nhưng ảo quá nhiều. Trường buộc phải tuyển bổ sung đến 35 ngành với 2.020 chỉ tiêu.

Tương tự, Trường ĐH Tài chính - Marketing đã thông báo xét tuyển bổ sung 1.036 chỉ tiêu cho tất cả các ngành với điểm nhận hồ sơ ngành bất động sản và hệ thống thông tin quản lý là 15, các ngành còn lại 16 điểm. Như vậy, so với điểm chuẩn đợt 1, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đợt 1 của trường giảm từ 3,5 đến 5,75 điểm tùy ngành. Học viện Ngoại giao điểm chuẩn đợt 1 rất cao, từ 23,75 - 24,5 điểm, nhưng điểm nhận hồ sơ xét tuyển đợt này lại giảm từ 2,75 - 3,5 điểm...

Truong Dai hoc
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Chưa khi nào, các trường công lập thuộc nhóm ngành sức khỏe “thất thủ” như năm nay bởi hằng năm, thí sinh muốn vào các trường này phải có điểm thi cao chót vót và chưa có tiền lệ tuyển nguyện vọng bổ sung. Năm nay, trong số các ngành xét tuyển bổ sung của ĐH Y Dược TP.HCM có cả những ngành “hot” và có điểm chuẩn rất cao là răng hàm mặt, dược. Trường xét tuyển bổ sung 402 chỉ tiêu cho 12 ngành, so với điểm chuẩn đợt 1, điểm xét tuyển bổ sung của nhiều ngành giảm từ 2 đến 3 điểm. Tương tự, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thông báo hạ điểm, xét bổ sung thêm năm ngành. Khoa Y của ĐHQG TP.HCM cũng phải tuyển bổ sung thêm ngành dược.

Hàng loạt trường ĐH lớn cho biết thiếu người học trầm trọng. Trường ĐH Sài Gòn phải xét bổ sung cho 21 ngành bậc ĐH và ba ngành bậc CĐ với 580 chỉ tiêu. Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã thông báo nhận xét tuyển bổ sung 21 ngành. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM chỉ tuyển được 60% chỉ tiêu, phải tiếp tục xét thêm 1.600 chỉ tiêu. Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM thiếu khoảng 40% chỉ tiêu.

Quy chế làm trường rồi, thí sinh thiệt

Hàng loạt thí sinh xét tuyển vào các ngành dược, bác sĩ răng hàm mặt của trường ĐH Y Dược TP.HCM phải “khóc hận”. “Em chỉ ước mơ trở thành dược sĩ. Xác định trường ĐH Y Dược lấy điểm rất cao nên em phải xét thêm một trường ngoài công lập có ngành dược. Em chỉ cách điểm chuẩn 1 điểm, trượt, đành nộp phiếu điểm vào trường ngoài công lập. Giờ trường hạ điểm, nếu em đậu cũng đành chịu”, Minh Tâm (TP.HCM) cho biết.

Lỗi tại ai, tại trường hay thí sinh? Phó hiệu trưởng một trường đại học lớn tại TP.HCM cho biết: "Hầu hết các trường đều mong tuyển đủ ngay NV đầu vì đó là thí sinh thật sự muốn học ở trường. Kết thúc tuyển sinh càng sớm thì càng khỏe cho trường. Chẳng đặng đừng mới phải tuyển bổ sung, chẳng ai muốn hạ điểm. Lỗi nằm ở quy chế tuyển sinh đã đưa ra phương thức mà ai cũng dự báo sẽ có ảo. Nhưng không ai ngờ ảo đến độ làm cả trường rối, thí sinh lỡ dở".

Quy chế quy định, ở đợt xét tuyển đầu tiên, mỗi thí sinh có hai quyền xét tuyển vào hai trường. Nếu trúng tuyển trường nào, thí sinh dùng phiếu điểm nộp vào trường đó xác nhận nhập học. Như vậy, khả năng một thí sinh đậu cùng lúc hai trường rất cao, nghĩa là ảo một nửa. Trên lý thuyết, các trường muốn đủ chỉ tiêu phải gọi thí sinh trúng tuyển đến 200% chỉ tiêu.

“Dù Bộ mang tiếng là giao cho các trường được quyền gọi thí sinh để đảm bảo chỉ tiêu cần tuyển, nhưng lại liên tục cảnh báo tuyển vượt chỉ tiêu sẽ bị xử lý”, một hiệu trưởng cho biết. Đây thật sự là thách đố đối với các trường trong kỳ tuyển sinh năm nay, phải lựa chọn một trong hai nguy cơ: chịu ảo hoặc vượt chỉ tiêu. Nhưng đáng tiếc nhất là đẩy hàng loạt thí sinh kế cận điểm chuẩn NV 1 không còn cơ hội để học trường mong muốn vì đã xác nhận học ở một trường khác. Những tưởng cho thí sinh hai quyền lựa chọn, nhưng kỳ thực mỗi em chỉ có một cơ hội.

Nỗi khổ của trường và thí sinh cuối cùng chỉ tại quy chế rối rắm. Chuyện tuyển sinh đã được quy định là quyền tự chủ, là chuyện của các trường nhưng dường như Bộ chưa khi nào thôi nhúng tay. Nhiều người băn khoăn, ở đợt xét tuyển tiếp theo khi mà mỗi thí sinh được đăng ký đến ba trường thì liệu có “vỡ trận” xét tuyển một lần nữa?

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI