PNO - Bước vào năm học 2016- 2017, nhiều sinh viên đang theo học tại trường Đại học Tân tạo đã choáng váng với mức học phí mới, vì có ngành tăng một lúc đến hơn 40 triệu đồng
Bước vào năm học 2016- 2017, nhiều sinh viên (sv) đang theo học tại trường Đại học (đh) tân tạo đã choáng váng với mức học phí (hp) mới, vì có ngành tăng một lúc đến hơn 40 triệu đồng…
Tăng gộp, phạt nặng
Nhiều SV ngành y, hệ ĐH chính quy của trường ĐH Tân Tạo và gia đình đang phải xất bất chạy tiền vì trường đột ngột tăng HP gần gấp đôi so với năm học trước. Bạn V.T., SV năm 4 bức xúc: “Ngày 18/8, trường gửi cho SV Khoa Y bản “Hướng dẫn thu học phí năm 2016” thông báo HP cụ thể là 6.122 USD/năm; chưa bao gồm chi phí sách vở, tài liệu, HP các môn bắt buộc theo quy định của Bộ và các môn luyện thi chứng chỉ USMLE. Tính đủ thì HP năm nay tương đương 7.000 USD, tăng một lèo 2.000 USD. Gia đình em thật sự không biết kiếm đâu ra số tiền lớn thế để em tiếp tục học. Nếu em không đóng nổi để theo học thì coi như bỏ hết tiền của, công sức ba năm qua”.
Bạn N.Q. - SV năm 4 ngành y than: “Em không ngờ trường tăng HP đột ngột và nhiều đến vậy. Cha mẹ em rất khó kham nổi khoản HP 150 triệu đồng. Hạn cuối đóng HP tới rồi, nếu đóng trễ sẽ bị phạt một triệu đồng và chịu thêm lãi suất 1%/tháng. Đó là chưa kể thi lại, học lại đều phải đóng gấp hai, ba lần. Ban đầu trường đâu có cho biết mấy quy định đó. Không chỉ SV ngành y tụi em kêu trời mà HP năm nay của các ngành khác cũng đột ngột tăng khoảng 1.000 USD".
Không chỉ tăng HP “chóng mặt”, bản hướng dẫn thu HP của trường còn có nhiều quy định khiến SV phải… khóc thét. Trường ĐH Tân Tạo khẳng định, có quyền tăng HP 15%/năm các ngành và các khoản phụ thu bắt buộc của SV. Trường cũng có quyền tăng HP đến khi đạt chi phí đào tạo. Chi phí đào tạo của SV đều đã được Hội đồng quản trị tài trợ: SV Y khoa là 21.000 USD/ năm, SV khoa khác là 8.000 USD/năm. Vì thế, nếu SV bị rớt/học lại/thi lại hoặc bị kỷ luật đuổi học sẽ phải hoàn trả toàn bộ khoản tiền tài trợ này.
Khi học lại, thi lại, SV phải đóng HP tính đủ là gấp hai lần (các khoa khác) hoặc gấp ba lần đối với Khoa Y. Cụ thể: Khoa Y là 3.060 USD/môn nếu có học lại; 1.020 USD/môn nếu không tham dự học lại; các khoa khác là lý thuyết: 202 USD/tín chỉ, thực hành: 300 USD/tín chỉ. Việc trường đưa ra những khoản tiền phạt, tiền học lại quá cao đã khiến SV và gia đình hoang mang.
Nhiều phụ huynh và SV đã làm đơn kiến nghị, nêu rõ bức xúc: “Trường đã có nhiều sự thay đổi so với trước đây, tăng HP từ 5.000 USD/năm (HP năm học 2015-2016 trở về trước) lên 7.000 USD/năm (HP năm học 2016-2017) và sẽ còn tăng mỗi năm 15%. Lúc chúng tôi mới vào học, trường không có bất kỳ lưu ý nào về việc HP sẽ tăng. Chúng tôi chỉ được biết, SV học giỏi sẽ có học bổng (dù đến giờ chỉ tiêu được nhận học bổng đã khác xa thời điểm ban đầu, không ai đạt nổi nữa), nếu không có học bổng thì HP sẽ là 5.000 USD/năm. Tại sao chúng tôi không được thông báo từ đầu về những vấn đề liên quan đến HP, mà đến lúc này, khi con em chúng tôi đã học được hai-ba năm thì mới có một bả n hướng dẫn như thế?".
Một số phụ huynh còn cho biết: “Chúng tôi chịu mức HP 5.000 USD/năm vì đó là mức ban đầu được thông báo, chúng tôi đã cân nhắc khả năng tài chính của gia đình mới dám cho con em theo học. Trường tăng HP đột ngột khiến nhiều gia đình không thể lo nổi, đồng nghĩa với việc nhiều SV có thể dở dang việc học. Trường đã tính toán thế nào để xác định chi phí đào tạo một SV Khoa Y là 21.000 USD/năm mà người học không hề được biết, cho tới khi bản hướng dẫn ra đời?”.
Học phí phải minh bạch
Trả lời những bức xúc của người học, ông Michael Lộc Phạm, Phó hiệu trưởng cho biết: “Hướng dẫn thu HP 2016 ban hành vào tháng 8/2016 chỉ là thông báo nhắc lại. Trước đó một năm, chúng tôi đã thông báo việc tăng HP đến SV, nên không thể gọi là đột ngột. Chúng tôi không làm sai vì mỗi năm trường được tăng 15% HP. Ba năm qua chúng tôi không tăng, nay tăng từ 5.000 lên 7.000 thì tính ra mỗi năm vẫn dưới 15% là đúng luật…”.
Việc trường quyết định tăng gộp một lúc tương đương 40% HP là có cân nhắc đến khả năng nhiều SV không kham nổi dẫn đến bỏ học, thì trong trường hợp SV bị cho thôi học, trường bắt phải đền toàn bộ chi phí là có minh bạch, công bằng với người học? - chúng tôi đặt vấn đề.
Ông Michael Lộc Phạm thừa nhận: “Đúng là tăng gộp bốn năm sẽ gây khó khăn cho phụ huynh. Nếu SV thấy khó khăn thì tất cả phải làm một đơn thỉnh nguyện, cùng ký tên gửi lãnh đạo trường xem xét, chứ chúng tôi không thể nghe ý kiến một vài cá nhân được”.
Cũng theo ông Lộc Phạm, “Việc trường đưa ra các mức phạt khi SV thi lại, học lại, hoặc bị cho thôi học… chỉ mang tính răn đe, nếu sự việc xảy ra thì sẽ hành xử khác. Không có biện pháp răn đe nào hữu hiệu bằng cách đánh vào túi tiền!”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra tình huống có SV bị đuổi, thì ông Lộc Phạm lại nói: “Đã răn đe mà anh vẫn phạm tội thì phải xử phạt” (?).
Bộ GD-ĐT không có quy định “quản” chuyện tăng HP của trường tư. Xác định mức HP là quyền của các trường. Thế nhưng, không quản không có nghĩa là trường muốn tùy tiện tăng bao nhiêu cũng được. Tuy cũng là chuyện “thuận mua vừa bán”, nhưng sản phẩm ở đây là việc đào tạo con người và khách hàng là người học, mỗi một thay đổi về chính sách HP sẽ ảnh hưởng đến tương lai của số đông người học.
Vì thế, trường phải công khai, minh bạch HP và lộ trình tăng HP với người học ngay từ đầu. Điều này thể hiện sự sòng phẳng, chuyên nghiệp của trường. Thực tế, việc dự toán chi phí cho quá trình đào tạo bốn-sáu năm là chuyện trong tầm tay của các trường, đâu nhất thiết phải đợi đến lúc thiếu vốn rồi tăng vùn vụt. Cũng là trường tư nhưng nhiều trường ĐH vẫn chọn cách công khai thông tin HP để người học lựa chọn.
Trường ĐH Văn Lang công bố mức HP ngay từ đầu và cam kết giữ ổn định HP suốt bốn năm học. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cũng nêu rõ: nếu có tăng HP sẽ chỉ tăng không quá 7%/ năm. Trường ĐH Hoa Sen tuy có mức HP “khủng” nhưng đã đưa ra lộ trình HP ngay từ năm nhất để SV cân nhắc, lựa chọn… Gần như không có trường nào chọn cách tăng đột ngột, gộ p một lần như ĐH Tân Tạo.