Trường đại học phải là cái nôi phát triển khoa học, công nghệ

17/02/2025 - 07:08

PNO - Góp ý cho dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (được trình tại kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV, ngày 15/2), các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đầu tư mạnh hơn cho các trường đại học.

Cần khuyến kích đúng nơi

Đại biểu Vương Quốc Thắng (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, cần đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục đại học bởi đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng các nhiệm vụ của thời đại mới. Muốn vậy, Nhà nước phải xây dựng được chiến lược, chương trình, dự án phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số khoảng 10 năm, trong đó có chính sách đột phá trong hợp tác giữa cơ quan nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng, có đến 90% bản công bố, báo cáo khoa học quốc tế đến từ các trường đại học. Trong khi đó, nguồn kinh phí của Nhà nước cấp cho các trường chưa đến 10% trong tổng ngân sách đầu tư cho KHCN. Theo ông, đầu tư như vậy là chưa đúng chỗ. Ông đề nghị dự thảo nghị quyết cần bổ sung quy định ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu KHCN tại các trường đại học.

Dự thảo nghị quyết của Quốc hội nêu mục tiêu: đảm bảo KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trở thành khâu đột phá, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, xã hội.

Nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Phenikaa, TP Hà Nội - ẢNH: Đ.K.
Nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Phenikaa, TP Hà Nội - Ảnh: Đ.K.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo nghị quyết phải khẳng định “các trường đại học là chủ thể nghiên cứu KHCN”. Đại biểu Lê Quân (TP Hà Nội) cho rằng, trên thực tế, khi tìm nguồn nhân lực hoặc giải pháp khoa học, các doanh nghiệp thường tìm đến các trường đại học. Đại biểu Vũ Hải Quân (TPHCM) trăn trở: “Đại học Quốc gia TPHCM là cơ sở nghiên cứu KHCN lớn nhất ở phía Nam với quy mô hàng trăm ngàn sinh viên và hơn 6.000 giảng viên, trong đó có gần 2.000 tiến sĩ nhưng lại không có quỹ chi cho nghiên cứu khoa học”. Do đó, ông đề nghị đưa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM vào đối tượng được hưởng kinh phí từ quỹ phát triển KHCN, tức kinh phí từ ngân sách nhà nước chi cho nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển KHCN.

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu
Góp ý về quy định ưu đãi thuế cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong dự thảo nghị quyết, ông Vũ Hải Quân đề xuất bổ sung quy định không áp dụng thuế thu nhập đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Theo ông, vấn đề ưu đãi thuế đã được đề cập trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị (về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia) và sau đó được cụ thể hóa bằng chương trình hành động của Chính phủ. Chính phủ xác định xem xét, không thu thuế tổ chức KHCN, trường đại học công lập hay trường đại học tư thục phi lợi nhuận. Trong khi đó, thời gian qua, các trường đại học vẫn phải đóng thuế.

Một trong những điểm mới của dự thảo nghị quyết là chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, các tổ chức, cá nhân nghiên cứu KHCN được miễn trách nhiệm dân sự trong các trường hợp xảy ra thiệt hại khi thực hiện đề tài. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ KHCN dùng ngân sách nhà nước nếu thực hiện đầy đủ quy định, quy trình trong quá trình triển khai nhưng không đạt được kết quả như dự kiến thì không phải trả lại kinh phí đã sử dụng. Cũng là nhà nghiên cứu khoa học, ông Vũ Hải Quân đề nghị, cần có cơ chế chấp nhận rủi ro bởi không phải dự án nghiên cứu nào cũng thành công.

Ủng hộ quy định này nhưng đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) đề nghị cần phân loại các nghiên cứu KHCN để “không cào bằng, tránh lãng phí tiền của Nhà nước”. Theo ông, trong nghiên cứu, có nghiên cứu khoa học tự nhiên và nghiên cứu khoa học xã hội. Nghiên cứu khoa học xã hội chủ yếu là viết lách, độ rủi ro và sai số không nhiều. Các nghiên cứu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới đòi hỏi có thí nghiệm, có thể có nhiều rủi ro hơn.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu thực tế, việc thanh toán kinh phí cho các đề tài rất phức tạp: “Có lúc, anh em nói rằng, việc làm thủ tục giải ngân cho đề tài khoa học còn vất vả hơn tìm giải pháp cho đề tài khoa học. Vì vậy, cơ quan soạn thảo và đơn vị thẩm tra cần bổ sung các ưu đãi vượt trội, gỡ các vướng mắc trong thanh toán tiền chi cho các đề tài”.

Thương mại hóa để công trình khoa học không bị xếp xó

Bên cạnh việc đầu tư cho hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số từ các nguồn trong và ngoài ngân sách, cần “thương mại hóa kết quả”, tức phát huy kết quả này.

Ví dụ, một cá nhân, tổ chức được cấp 10 tỉ đồng để nghiên cứu, nếu ra được kết quả và kết quả này làm lợi 500 tỉ đồng thì cá nhân, tổ chức đó nên được hưởng 300 tỉ, 200 tỉ còn lại đóng góp vào quỹ phát triển KHCN của đơn vị, địa phương hoặc trung ương. Chúng ta cứ sợ những chuyện này, nhưng nếu không thương mại hóa thì có khi công trình nghiên cứu bị bỏ vô ngăn kéo, còn nếu cho thương mại hóa, công trình đó có thể thu về hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Thực hiện được cơ chế thương mại hóa sẽ thúc đẩy được sự đầu tư cho hoạt động KHCN, đưa hoạt động nghiên cứu KHCN đi vào thực chất, hướng tới kết quả có thể áp dụng được.

Một vấn đề nữa là những nhà khoa học có thể ngồi ở Mỹ, ở châu Âu để nghiên cứu, nhưng khi chúng ta có cơ chế tốt, họ sẽ về Việt Nam hoặc đăng ký công trình nghiên cứu ở Việt Nam và chúng ta có được kết quả từ các nghiên cứu này. Rất nhiều quốc gia tiếp nhận người nước ngoài sang học thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí sau tiến sĩ và những người này tham gia vào các chương trình nghiên cứu của họ. Thực chất, họ đang lấy chất xám của nước khác. Vậy nên, chúng ta cần mạnh dạn miễn giảm thuế cho các hoạt động nghiên cứu này tại Việt Nam.

Về cơ chế rủi ro, dự thảo luật cần quy định cụ thể: miễn trừ trách nhiệm dân sự và hình sự khi không có lỗi chủ quan, đã thực hiện đầy đủ, đúng quy trình. Chúng ta phải đi sâu vào nội dung này vì đây sẽ là vấn đề rất thiết thực. Còn về chính sách đầu tư cho các doanh nghiệp, tôi đề nghị có sự đối xử như nhau giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Đơn vị nào đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn thì được đầu tư. Một số doanh nghiệp tư nhân có năng lực quản lý, KHCN còn tốt hơn doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta cần mạnh dạn mở rộng phạm vi, đối tượng và có cơ chế rất thoáng, mới thực sự đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như mục tiêu mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã đặt ra.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM

Quy định chặt chẽ, tránh lợi ích nhóm

Điều 5 của dự thảo nghị quyết quy định: “Viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức KHCN công lập được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp và làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu”.
Một phát minh có thể tốn một vài tỉ đồng nhưng thương mại hóa xong có thể đem lại hàng trăm tỉ đồng, nhất là khi chuyển nhượng, bán công nghệ. Đây là điểm mới bởi theo Luật Công chức hiện hành, đối tượng này không được tham gia quản lý, điều hành hay thành lập doanh nghiệp.

Tôi không phản đối quy định này nhưng đề nghị cân nhắc, tính toán kỹ vì dính tới lợi ích. Chúng ta cần có quy định để quản lý, tránh trường hợp khi có rủi ro thì không chịu trách nhiệm nhưng nếu thành công thì thành lập công ty để được hưởng lợi. Đôi khi, lợi ích này chỉ dành riêng cho một nhóm hay tạo ra tình huống kết bè kết phái, liên kết với lãnh đạo nhà trường để hưởng lợi ích.


Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội, TPHCM

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI