PNO - Trong đề án tuyển sinh năm 2019 Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM gửi lên Bộ GD-ĐT, có hàng loạt giảng viên cơ hữu đang là công chức hoặc nhân sự cơ hữu ở trường khác.
Số lượng giảng viên (GV), học hàm - học vị của GV là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của các trường. Mỗi GV cơ hữu, thỉnh giảng, là thạc sĩ hay tiến sĩ… đều có quy đổi hệ số cụ thể trong việc xác định và duyệt chỉ tiêu tuyển sinh. So với diện tích cơ sở vật chất khó “phù phép” thì các trường thường chọn “hô biến” ở tiêu chí GV. Vì vậy, nhiều trường kê khai không trung thực danh sách GV, “mượn tên” để xin thêm chỉ tiêu trở thành chuyện phổ biến.
Chưa từng dạy cũng thành cơ hữu
Tên của thạc sĩ ngành công nghệ thông tin M.C.T. “chễm chệ” trong danh sách GV cơ hữu trong đề án tuyển sinh 2019 của Trường đại học (ĐH) Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (đăng tải trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT). Khi chúng tôi liên hệ, ông giật mình vì chưa từng giảng dạy ở đây ngày nào và cũng không hay biết tên mình được “mượn” như thế. Thạc sĩ T. ngạc nhiên nói: “Năm 2012, tôi có nộp hồ sơ vào trường này ứng tuyển làm GV nhưng sau đó tôi không làm mà về Trường cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng từ năm 2013. Có thể họ lấy hồ sơ cũ đưa vào danh sách”.
Trong danh sách GV cơ hữu ngành quản trị kinh doanh còn có tiến sĩ Đ.Đ.H. Được biết, ông H. có bằng thạc sĩ ngành tiếng Anh và lấy bằng tiến sĩ ngôn ngữ học. Đáng nói, ông H. hiện đang là lãnh đạo phòng giáo dục một quận tại TP.HCM. Trao đổi với chúng tôi, ông H. cho biết, mình có tham gia giảng dạy với vai trò thỉnh giảng môn tiếng Anh chuyên ngành. Bản thân muốn đi dạy vì nhớ nghề nhưng vì quá bận nên chỉ nhận lớp vào thứ Bảy, thỉnh thoảng có dạy thêm Chủ nhật. Và ông cũng bất ngờ trước thông tin mình có tên trong danh sách GV cơ hữu của trường vì ông đang là công chức.
Bất thình lình có tên trong danh sách và gây bất ngờ không kém chính là cái tên của tiến sĩ N.G.T.A. khi nằm trong danh sách GV cơ hữu ngành công nghệ thông tin. Bởi ông đang là trưởng khoa tại Trường ĐH Công nghệ thông tin (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM). Một nguồn tin cho biết: ông có tham gia giảng dạy tại Trường HUFLIT nhưng đó là chuyện… gần chục năm trước. Hiện tại, ông là cán bộ cấp khoa tại trường công lập nên không thể là GV cơ hữu tại HUFLIT.
Theo điều 4 Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, “GV cơ hữu của cơ sở giáo dục tư thục là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn ba năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ ba tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do cơ sở giáo dục trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành”. Điều này có nghĩa là danh sách GV cơ hữu của Trường HUFLIT gửi đến Bộ GD-ĐT có rất nhiều cái tên sai quy định.
Một nguồn tin phản ánh với chúng tôi rằng, rất nghi ngờ về danh sách GV báo cáo về bộ là “có vấn đề”, bởi khi tìm trong thời khóa biểu học kỳ II năm học 2018 - 2019 thì thấy có rất nhiều GV cơ hữu có tên trong danh sách nhưng lại không có tên trong thời khóa biểu giảng dạy. Con số mà những người này phản ánh có GV có tên mà không thấy dạy phải lên đến gần 100 người. GV “ma” gần như xuất hiện ở khắp các ngành từ quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, luật kinh tế, công nghệ thông tin...
Lộ danh sách giáo viên “ma”?
Thật ra, việc “phù phép” về danh sách GV vẫn tồn tại ở một số trường ĐH nhưng số lượng GV đang nghi vấn “có vấn đề” tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM không ít. Nếu như những GV nghi vấn trên là sự thật thì vấn đề không chỉ dừng lại ở sự “qua mặt” bộ để có nhiều chỉ tiêu mà quan trọng hơn, chất lượng đào tạo sẽ như thế nào khi một trong những điều kiện đảm bảo chất lượng quan trọng nhất là GV không được đảm bảo?
Để làm rõ những nghi vấn này, chúng tôi đã điện thoại, nhắn tin liên hệ với quản lý phòng ban chức năng như Trung tâm Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp nhưng không được trả lời. Đến ngày 23/5, chúng tôi đến trường và được thạc sĩ Vũ Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, yêu cầu gửi email các vấn đề nêu trên và sẽ xin ý kiến lãnh đạo trường để trả lời vào ngày 29/5. Tuy nhiên, chờ đến ngày 30/5, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía nhà trường, điện thoại cho ông Vũ Quốc Anh không được.
Vấn đề này, chúng tôi cũng đã thông tin và gửi câu hỏi liên quan đến Bộ GD-ĐT.
Chuyện mượn tên giảng viên không hiếm
Thạc sĩ N.L.P., tốt nghiệp cao học ngành đạo diễn tại Pháp, cho biết: “Khi về nước, tôi có hợp tác giảng dạy tại hai trường ĐH công lập với thời lượng rất ít. Sau đó, một trường ĐH tư thục gọi điện mời tôi đến bàn chuyện hợp tác giảng dạy. Khi gặp trao đổi với khoa và phòng nhân sự, tôi không đồng ý giảng dạy vì không thu xếp được thời gian như trường yêu cầu và một số điều kiện làm việc không phù hợp nhưng họ ngỏ ý mượn bằng tốt nghiệp của tôi và các chứng chỉ liên quan để phô-tô lại. Sau đó, tôi mới biết mình đã cho mượn tên để trường báo cáo”.
Về việc mượn tên GV, một trưởng phòng đào tạo bật mí: “Thông báo tuyển dụng và lưu giữ hồ sơ để kê khai danh sách GV là “chiêu” mà các trường hay dùng để mượn tên cho vào báo cáo. Sau khi nhận hồ sơ với đầy đủ thông tin, dù ứng viên có trúng tuyển hay không cũng dễ dàng bị liệt kê vào danh sách GV của trường. Bởi vậy, nhiều người dù không giảng dạy nhưng bỗng nhiên có tên làm GV ở trường A, trường B mà họ không hề hay biết”.