Trường đại học Ngân hàng TP.HCM: Xây sân tennis để phục vụ sinh viên?

17/05/2017 - 12:59

PNO - Không chỉ “ồn ào” trong tuyển dụng - sử dụng nhân sự, tiêu cực trong quản lý và triển khai nghiên cứu khoa học,mới đây lại thêm một việc xảy ra tại trường ĐH Ngân hàng TP.HCM khiến nhiều cán bộ, giảng viên (CB-GV) bức xúc.

Cụ thể, việc xây dựng hai sân tennis đã được phê duyệt kinh phí, nhưng trường lại liên kết đầu tư với đối tác bên ngoài mà nhiều GV không hề hay biết. 

Truong dai hoc Ngan hang TP.HCM: Xay san tennis de phuc vu sinh vien?
Với danh nghĩa xây dựng sân tennis phục vụ việc giảng dạy TDTT cho SV, nhưng SV không được hưởng lợi gì từ công trình này

Theo đơn tố cáo của CB-GV Trường ĐH Ngân hàng, đầu năm 2016, trường có trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (thông qua Vụ Tài chính kế toán) về kế hoạch xây dựng hai sân tennis để phục vụ việc giảng dạy TDTT cho sinh viên (SV) với kinh phí đầu tư 980 triệu đồng.

Kế hoạch được phê duyệt, trường đã thực hiện giai đoạn 1 - làm phần nền sân với tổng kinh phí 680 triệu đồng; nhưng sau đó lại không tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 mà đem công trình đi… “hợp tác” với một đối tác bên ngoài, gọi nôm na là xã hội hóa.

Theo đó, đối tác sẽ tiếp tục hoàn thiện sân tennis và đưa vào khai thác, trong khi các phòng ban chức năng của trường… thì “mù tịt” chuyện “hợp tác” này. Ngày 5/5/2017, khi các GV nêu thắc mắc về việc sử dụng công trình này, mới biết trường đã ký “hợp đồng hợp tác kinh doanh” với Công ty cổ phần Quản lý nhà An Lạc.

Theo hợp đồng (HĐ), đối tác sẽ bỏ thêm 800 triệu đồng để đầu tư sơn mặt sân và xây dựng một sân tập đạt tiêu chuẩn; lắp đặt hệ thống chiếu sáng, ghế nghỉ; thi công hàng rào bao quanh khu vực sân, khán đài… Đối tác sẽ được chiêu sinh trong và ngoài trường để dạy tennis, được bán thức ăn, nước uống, trang phục và dụng cụ thể thao. Nhà trường được đối tác trả ba triệu đồng/tháng, mỗi năm trả 10 tháng (trừ những tháng hè và tết), được giảm 10% phí thuê sân cho các lớp học của SV chính khóa. Thời hạn HĐ là 10 năm. 

Nhiều CB-GV của trường cho rằng, có nhiều điểm vô lý trong bản HĐ này. Cụ thể, HĐ không được trình các phòng ban có trách nhiệm như Quản trị tài sản, Tài chính kế toán, Hỗ trợ SV và không có chữ ký nháy của Trưởng phòng Hỗ trợ SV - đơn vị phụ trách quản lý dịch vụ này.

Với danh nghĩa “phục vụ giảng dạy TDTT cho SV”, nhưng thực chất SV không được hưởng gì ngoài việc giảm 10% tiền thuê sân. Quan trọng, chỉ tính riêng kinh phí (chưa kể hàng ngàn mét vuông đất và môi trường lý tưởng với 15.000 SV theo học hàng năm), trường đã bỏ ra 680 triệu đồng, tương đương 46% kinh phí đầu tư vào dự án (phía đối tác bỏ 800 triệu đồng), nhưng lại giao toàn quyền quản lý nguồn thu cho đối tác, chỉ hưởng 30 triệu đồng/năm. “Mức thu này là quá thấp, chỉ bằng một nửa lãi suất ngân hàng, trong khi SV không được hưởng lợi” - một CB của trường phân tích. 

Một GV khác bức xúc: “Chương trình đào tạo không buộc SV phải học môn tennis. Khả năng tài chính cũng không cho phép SV theo đuổi bộ môn này. Phải chăng hiệu trưởng đã mượn danh nghĩa “giảng dạy TDTT cho SV” để thu lợi cho bản thân?”.

Chúng tôi đã liên lạc với ông Lý Hoàng Ánh, Hiệu trưởng trường để trao đổi về vấn đề trên nhưng nhiều lần ông đều cáo bận họp, sau đó ủy quyền cho Hiệu phó Đoàn Thanh Hà tiếp chúng tôi. Ông Hà chỉ cho biết ngắn gọn là các nội dung liên quan đến hai sân tennis cùng nhiều vấn đề khác đang được đoàn kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước làm rõ.   

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI