Trường đại học nâng chuẩn “đánh rớt” thí sinh: Không sai nhưng chỉ xuất phát từ lợi ích cơ sở

16/08/2019 - 07:23

PNO - Trước sự việc hy hữu vài trường đại học thiếu người học đến mức phải nâng điểm chuẩn để “đánh trượt” thí sinh, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, đã có ý kiến xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên: Việc một số trường nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi và tâm lý thí sinh mà còn thiếu minh bạch về mức điểm chuẩn và cách thức tuyển sinh của nhà trường, Bộ GD-ĐT có ý kiến gì về trường hợp này? 

Truong dai hoc nang chuan “danh rot” thi sinh:  Khong sai nhung chi xuat phat tu loi ich co so

- Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Thực tế, các trường đều mong muốn tuyển được hết chỉ tiêu. Nhưng một số trường, trong điều kiện quá ít thí sinh trúng tuyển, không đủ số lượng để mở và duy trì lớp học nên đã nâng điểm chuẩn lên để thí sinh không trúng tuyển, được chuyển sang xét tuyển ở nguyện vọng tiếp theo hoặc tham gia xét tuyển đợt sau.

Chúng tôi hiểu được có nhiều lý do, chủ yếu là các trường phải cân đối từ nguồn học phí; tính toán hiệu quả của hoạt động đào tạo… Tuy nhiên, cách giải quyết trên vẫn chủ yếu xuất phát từ góc độ của cơ sở đào tạo.

Ở góc độ đảm bảo quyền của người học, do cách thức đó của các trường dẫn đến thí sinh có thể không trúng tuyển đợt 1 hoặc không trúng tuyển vào nguyện vọng mà các em ưu tiên. 

* Bộ sẽ làm gì để “điều tiết” những trường hợp tương tự?
- Trong điều kiện các trường tự chủ tuyển sinh, các thí sinh được tự do lựa chọn ngành học, nơi học thì việc “điều tiết” của Bộ phải dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật. Quy chế tuyển sinh không thể quy định các trường phải mở lớp khi có thí sinh đăng ký xét tuyển vượt điểm sàn của trường, không kể số lượng trúng tuyển là bao nhiêu. Cũng không có quy định Bộ GD-ĐT có quyền “điều tiết” thí sinh trúng tuyển vào trường không đủ số lượng mở lớp sang trường khác, vì còn phải tính đến nguyện vọng của thí sinh. 

* Về phía thí sinh, chỉ e bị thiệt thòi, nhất là khi nguyện vọng bị “đánh rớt” là nguyện vọng cuối của thí sinh?

- Bộ GD-ĐT đã định hướng cho các trường minh bạch thông tin cho thí sinh lựa chọn, khi phát sinh những tình huống không mong muốn thì cần thông qua bộ phận quản lý cơ sở dữ liệu để trao đổi với thí sinh, thống nhất cách lựa chọn mà cả hai bên đều có thể chấp nhận.

Đối với các thí sinh, bộ có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho thí sinh đến những trường đang đào tạo ngành đăng ký học mà thí sinh đủ điểm trúng tuyển, nếu thí sinh lựa chọn và có đơn đề nghị gửi bộ và gửi trường xin được xét tuyển...

Truong dai hoc nang chuan “danh rot” thi sinh:  Khong sai nhung chi xuat phat tu loi ich co so

Điểm  chuẩn  nhiều ngành của Trường đại học Đồng Nai được nâng lên để không có thí sinh nào trúng tuyển

Nếu thí sinh chỉ có một nguyện vọng hoặc đây là nguyện vọng cuối thì trường có thể thỏa thuận với thí sinh để chuyển sang ngành khác, đủ điểm trúng tuyển, tại trường. Hoặc thí sinh xin vào cùng ngành đăng ký xét tuyển ở trường khác, nếu đủ điểm trúng tuyển. Bộ đồng ý cho trường khác đó được xét tuyển.

​Cụ thể thí sinh có thể lựa chọn đăng ký ngành học của trường khác mà đủ điểm trúng tuyển rồi gửi đơn đề nghị Bộ GD-ĐT. Vụ Giáo dục Đại học sẽ trình lãnh đạo bộ chuyển đơn đến trường để tuyển thí sinh.

* Bộ GD-ĐT có biện pháp gì để tránh tình trạng đưa ra điểm chuẩn “khống” để loại thí sinh ở những kỳ tuyển sinh sau này?

- Trong toàn hệ thống, các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh như Trường đại học Đồng Nai, Trường đại học Hùng Vương TP.HCM không nhiều. Bên cạnh một số tác động như buộc các trường phải nâng cao chất lượng để thu hút thí sinh, phải đánh giá nhu cầu của thị trường khi mở ngành; phải khảo sát nhu cầu của thị trường và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi những ngành cũ giảm đi, ngành mới phát sinh… thì cũng cần tính đến các giải pháp hợp lý để đảm bảo quyền của thí sinh và quyền tự chủ của các trường. 

Có những giải pháp đã và đang được thực hiện như công khai minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường; quy định chế tài nếu vi phạm đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm; nếu 5 năm không tuyển sinh thì bị đóng ngành; trao quyền tự chủ cho trường để trường phải tính toán đến nguồn lực đảm bảo hoạt động của nhà trường khi không có sinh viên theo học… 

* Xin cảm ơn bà. 

Gia Tuệ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI