Trường đại học mở rộng đào tạo nhóm ngành vi mạch, AI

21/09/2023 - 06:30

PNO - Các chuyên gia nhận định, trong khoảng 5-10 năm nữa, lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thu hút rất nhiều lao động. Từ nhu cầu này, nhiều trường đại học đang mở thêm các ngành liên quan và dự báo sẽ thu hút thí sinh trong mùa tuyển sinh tới.

Các chuyên gia nhận định, trong khoảng 5-10 năm nữa, lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thu hút rất nhiều lao động. Từ nhu cầu này, nhiều trường đại học đang mở thêm các ngành liên quan và dự báo sẽ thu hút thí sinh trong mùa tuyển sinh tới.  

Mở rộng đào tạo

Theo Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM (HSIA), trong giai đoạn tới, trung bình mỗi năm Việt Nam sẽ cần khoảng 1.000 kỹ sư ngành vi mạch. Tuy nhiên, nguồn nhân lực thiết kế, sản xuất vi mạch ở nước ta hiện nay lại khá hạn chế. Một số công đoạn sau thiết kế phải tuyển người từ những lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, điều khiển tự động… sang làm việc.

Sinh viên Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM tìm hiểu về thiết kế vi mạch - ẢNH: T.T.
Sinh viên Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM tìm hiểu về thiết kế vi mạch - ẢNH: T.T.

“Việc những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Mỹ tăng cường đầu tư cho lĩnh vực này ở Việt Nam đã làm cho nhu cầu lao động tăng cao. Do đó, việc đào tạo nhân lực phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp là xu hướng tất yếu” - tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học (ĐH) Công nghiệp TPHCM - nhận định. Trường này đang có kế hoạch đưa vào đào tạo ngành thiết kế vi mạch trong năm học 2024-2025 để bắt kịp nhu cầu xã hội. 

Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM, những ngành đào tạo liên quan đến công nghiệp chip, vi mạch như kỹ thuật điện tử - viễn thông, máy tính - công nghệ thông tin và AI đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ thí sinh và phụ huynh. Lý giải về điều này, tiến sĩ Lê Đức Hùng - Trưởng bộ môn điện tử, Khoa Điện tử - Viễn thông - thông tin rằng, doanh nghiệp thiết kế vi mạch luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân lực đúng chuyên môn và đủ chất lượng nên thu nhập của sinh viên mới ra trường ngành này rất cạnh tranh. Thậm chí, với những người có nhiều năm kinh nghiệm, thu nhập có thể gấp khoảng 1,5 lần lương ở lĩnh vực công nghệ thông tin. Năm học tới, trường sẽ đưa ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo ĐH. 

Tiến sĩ Quách Thanh Hải - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cũng cho biết, những năm qua, ngành robot và AI của trường phát triển rất tốt, điểm đầu vào cao. Có rất nhiều doanh nghiệp đã đến đặt hàng hoặc hợp tác với trường để tuyển sinh viên ngay khi ra trường, với mức lương cạnh tranh. Ông cho biết thêm, trước kia, ngành vi mạch ở nước ta chỉ dừng ở khâu đóng gói, trong khi nguồn thu chủ yếu nằm ở 2 khâu còn lại là thiết kế và gia công lõi. Do đó, nhà trường đang có kế hoạch để đưa thêm ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu lao động. 

Thí sinh cần có định hướng rõ

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân nhận định, khoảng 2 năm nay, khi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, các trường ĐH đều đã giới thiệu về xu hướng phát triển của nhóm ngành AI, vi mạch và nhấn mạnh sẽ còn phát triển hơn trong tương lai. Riêng tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, công tác tư vấn dường như đã có hiệu quả hơn khi số lượng thí sinh đăng ký vào lĩnh vực tự động hóa, cơ điện tử tăng lên, chất lượng thí sinh cũng tốt hơn. “Nếu chúng ta thực hiện tốt công tác tư vấn, cộng với những dấu hiệu tính cực của bức tranh lao động hiện nay thì sẽ thu hút thêm nhiều học sinh tham gia” - ông nhấn mạnh.

Mặc dù lĩnh vực này đang dần trở nên phổ biến và có nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao nhưng các chuyên gia tuyển sinh cũng khuyên thí sinh cần cẩn trọng trong việc lựa chọn. Tiến sĩ Lê Đức Hùng cho hay, khi học về lĩnh vực vi mạch, sinh viên sẽ được học thiết kế mạch, đi sâu vào cấu trúc phần cứng, linh kiện điện tử, các phương pháp và quy trình thiết kế vi mạch, kết hợp giữa kỹ thuật điện tử với máy tính, lập trình, nền tảng toán, vật lý. Những điều này giúp ngành học trở nên thú vị nhưng bao hàm nhiều thách thức khi phải thường xuyên tiếp xúc với tài liệu, kiến thức bằng tiếng Anh.

Ông nhấn mạnh: “Ngành này tuy khát nhân lực nhưng không chạy theo số lượng mà doanh nghiệp thật sự cần tuyển những bạn có chuyên môn đúng về vi mạch, không mất thời gian đào tạo lại. Do đó, bên cạnh kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên, tiếng Anh, học sinh cần có đam mê và định hướng rõ ràng trước khi đưa ra quyết định”. 

Thạc sĩ Nguyễn Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công Thương TPHCM - cũng khuyên thí sinh rằng: “Để có thể tự chủ trong công việc, các bạn phải học tập thật tốt, đồng thời học thêm những môn học thuộc ngành khác. Ví dụ, sinh viên học ngành điện tử thì học thêm những môn học thuộc ngành công nghệ thông tin để có thể làm việc ở cả lĩnh vực điện tử và công nghệ thông tin. Các bạn nên đọc kỹ, hiểu rõ về ngành nghề, biết ngành nào thích hợp với mình và những ngành gần với ngành mình đã lựa chọn để có thể học tập tốt, cũng như có cơ hội việc làm tốt hơn”. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI