Khi làm đẹp trở thành ngành học chính quy
Lĩnh vực thẩm mỹ trước nay được nhiều trường trung cấp, cao đẳng và các trung tâm thẩm mỹ, trung tâm dạy nghề đưa vào đào tạo dưới dạng các khóa học ngắn hạn. Trước nhu cầu ngày càng cao của xã hội, gần đây một số trường đại học ở TPHCM đã mở mã ngành đào tạo về công nghệ thẩm mỹ. Sinh viên được đào tạo từ kỹ thuật đến ứng dụng làm đẹp trong nhiều lĩnh vực như làm móng, kỹ thuật chăm sóc và làm đẹp da, làm tóc, kỹ thuật trang điểm, nghiên cứu mỹ phẩm…
|
Trường đại học Văn Lang là một trong những trường đầu tiên ở Việt Nam đào tạo ngành công nghệ thẩm mỹ - ẢNH: T.MY |
Được biết đến là một trong những trường đầu tiên mở ngành này, tiến sĩ Nguyễn Hữu Hùng - Quyền trưởng khoa Khoa Công nghệ ứng dụng Trường đại học Văn Lang - nhận định: thị trường lao động lĩnh vực thẩm mỹ có nhiều “thợ” giỏi nhưng họ chủ yếu chỉ học nghề nên khó đi sâu vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Ngay từ khi mở ngành, trường đưa ra mục tiêu sinh viên vừa am hiểu kiến thức chuyên ngành, vừa có cái nhìn tổng quát về thị trường, cũng như có khả năng vận hành, quản lý…
Khác với phẫu thuật thẩm mỹ, ông Nguyễn Hữu Hùng cho biết, ngành công nghệ thẩm mỹ không thực hiện thẩm mỹ xâm lấn như cắt mí, nâng mũi… mà dạy về kỹ thuật làm đẹp không xâm lấn, xử lý trên bề mặt da. Theo học ngành này, sinh viên được đào tạo kiến thức về: da liễu thẩm mỹ, công nghệ tế bào gốc, công nghệ sinh học nano, công nghệ sản xuất mỹ phẩm, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thử nghiệm mỹ phẩm…
“Nếu học việc, người làm chỉ biết đến công thức, còn theo học chương trình đại học, sinh viên được đào tạo bài bản từ nguyên lý đến thực hành kỹ năng. Khi học xong, các em không chỉ thạo tay nghề mà nhìn vào sản phẩm phải đọc được công thức, thành phần để sáng tạo ra quy trình sử dụng hiệu quả nhất giữa các loại mỹ phẩm. Ngành này có nhu cầu nhân lực chất lượng cao rất lớn nhưng không phải ai cũng nhìn nhận đúng. Tôi phải ngồi tâm sự với sinh viên để các em hiểu được cái hay của lĩnh vực này, khi nó còn quá mới” - ông Nguyễn Hữu Hùng nói.
Dạy làm móng, làm tóc, chăm sóc da
Năm 2024, Trường đại học Công nghệ TPHCM cũng đưa ngành công nghệ thẩm mỹ vào đào tạo. Theo tiến sĩ Nguyễn Lệ Hà - Viện trưởng Viện Khoa học ứng dụng của trường - ngành này tuy mới ở Việt Nam nhưng đã được đào tạo ở nhiều nước trên thế giới. Sự đóng góp của ngành này giúp nhiều nước tạo được những thương hiệu mỹ phẩm hay công nghệ chăm sóc sắc đẹp uy tín, nổi tiếng trên thế giới.
Sinh viên sẽ được đào tạo đầy đủ trong lĩnh vực làm đẹp gồm nghệ thuật làm đẹp (làm đẹp da, móng, tóc), nghệ thuật trang điểm; chăm sóc cơ thể (dinh dưỡng làm đẹp, chăm sóc sắc đẹp, trị liệu cơ thể làm đẹp, spa…); sáng tạo và phát triển các sản phẩm dinh dưỡng chức năng, mỹ phẩm chăm sóc da và cơ thể; vận hành và kinh doanh các dịch vụ trong lĩnh vực thẩm mỹ (spa chăm sóc và trị liệu, kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm, dinh dưỡng chăm sóc sắc đẹp). Bà Nguyễn Lệ Hà cho biết, dù cùng ngành học nhưng chương trình đào tạo ở các trường có thể sẽ khác nhau tùy vào mục tiêu, định hướng của mỗi trường.
“Lĩnh vực mới, xu hướng mới luôn mở ra những cơ hội mới, tạo điều kiện để các bạn trẻ có thể khai phá tiềm năng và năng lực sáng tạo, sự năng động của bản thân, nhưng đi kèm là những thách thức vì sẽ thiếu những bài học kinh nghiệm để kế thừa. Đó cũng là một trong những hạn chế đối với sinh viên nếu lựa chọn theo học những ngành học mới mẻ như công nghệ thẩm mỹ” - nữ viện trưởng nhận định.
Sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thẩm mỹ có thể đảm nhiệm các vị trí như: chuyên viên chăm sóc sắc đẹp, chuyên viên trang điểm, thẩm mỹ; đại diện thương hiệu mỹ phẩm; chuyên gia tư vấn giải pháp dinh dưỡng trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu quy trình sản xuất sản phẩm dinh dưỡng cải thiện sức khỏe và sắc đẹp; quản lý và vận hành các cơ sở spa, chăm sóc sắc đẹp và trị liệu; nghiên cứu, giảng dạy hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực này…
Ngoài 2 trường nói trên đào tạo chính quy bậc đại học chuyên về công nghệ thẩm mỹ, ở TPHCM còn có nhiều trường đào tạo một trong những chuyên ngành của lĩnh vực thẩm mỹ trong ngành hóa học. Cụ thể, như chuyên ngành hóa mỹ phẩm được đào tạo ở Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM); Trường đại học Công Thương TPHCM, Trường đại học Nông Lâm TPHCM, Trường đại học Nguyễn Tất Thành…
Chương trình ngành hóa mỹ phẩm ở những trường này đào tạo về hóa học cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm. Sinh viên được học về các nguyên liệu, công nghệ sản xuất và quy trình kiểm định chất lượng sản phẩm mỹ phẩm. Đồng thời, sinh viên được đào tạo về các kỹ năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, từ việc tìm hiểu thành phần, công dụng đến thiết kế bao bì và marketing.
Năm 2024, Trường đại học Công nghệ TPHCM mở mới và tuyển sinh ngành công nghệ thẩm mỹ theo 4 phương thức: xét tuyển qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp Mười hai; xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp Mười một và học kỳ I lớp Mười hai). Các tổ hợp môn xét tuyển gồm: A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, Anh), C00 (văn, sử, địa), D01 (toán, văn, Anh). Còn Trường đại học Văn Lang tuyển sinh bằng tổ hợp A00 (toán, lý, hóa); B00 (toán, hóa, sinh); D7 (toán, hóa, Anh); D08 (toán, sinh, Anh).
Nguyễn Loan