Trường đại học Đông Đô ‘bán bằng’: Trách nhiệm thuộc về ai?

26/08/2019 - 06:00

PNO - Các đơn vị của Bộ GD-ĐT phối hợp không chặt chẽ, “bật đèn xanh” cho Trường đại học Đông Đô “thu tiền bán bằng”, đào tạo “chui” văn bằng 2.

Mới đây, trong thông cáo trả lời báo chí, Bộ GD-ĐT khẳng định: chưa nhận được bất cứ văn bản đề nghị nào liên quan đến việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của trường này. Do vậy, bộ chưa có văn bản cho phép trường này được đào tạo văn bằng 2. 

Cũng theo thông cáo này, từ năm 2016 đến năm 2018, Trường đại học Đông Đô có báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính. Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 của trường gửi về Vụ Giáo dục Đại học không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong ba năm, Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ GD-ĐT đều xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 cho trường.

Cụ thể, theo thông báo số 173 ngày 1/4/2015 của Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ GD-ĐT do Phó vụ trưởng Nguyễn Văn Áng ký gửi Trường đại học Đông Đô về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cho thấy đơn vị này đã xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy của Trường đại học Đông Đô là 500.

Tiếp theo, tại thông báo số 68 ngày 24/2/2016, Vụ Kế hoạch - Tài chính cũng xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2016 của Trường đại học Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII.

Truong dai hoc Dong Do ‘ban bang’: Trach nhiem thuoc ve ai?
Trường đại học Đông Đô có nhiều sai phạm trong thời gian dài

Đến năm 2017, theo thông báo số 136 ngày 7/3/2017, Vụ Kế hoạch - Tài chính xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2017 của trường này là 150 ở khối ngành III, V và VII. Thông báo do Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính ký. Nơi nhận là Trường đại học Đông Đô, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (để báo cáo), Thứ trưởng Bùi Văn Ga (để báo cáo), Vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra Bộ GD-ĐT.

Dư luận đặt câu hỏi tại sao Vụ Kế hoach - Tài chính lại giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 cho Trường đại học Đông Đô? Theo quy định, việc đào tạo văn bằng 2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD-ĐT với những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khóa sinh viên chính quy ngành đó tốt nghiệp.

Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT (qua Vụ Giáo dục Đại học và Vụ Kế hoạch -  Tài chính) về việc cho phép đào tạo văn bằng 2. Trên cơ sở đề nghị của cơ sở đào tạo, chỉ tiêu đào tạo đại học hệ chính quy hàng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng 2 cho cơ sở có đủ điều kiện.

Xuất phát từ nhu cầu sử dụng văn bằng  trong xã hội rất lớn, Trường đại học Đông Đô đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy tràn lan, không tuân thủ theo quy định. Trường liên kết với các trung tâm để tuyển sinh và ăn chia theo thỏa thuận. Mức thu đối với đối với các lớp học ngày thường là 27.690.000 đồng/học viên; đối với các lớp học buổi tối, thứ Bảy và Chủ nhật mức thu là 29.820.000 đồng/học viên. Các đối tác tuyển sinh được nhận phí môi giới là 30%/học viên.

Lợi dụng việc này, một số cán bộ chủ chốt của trường đã thông đồng, chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc với các trung tâm trên để thu lập hồ sơ của những người có nhu cầu lấy nhanh bằng đại học chính quy nhưng không tham gia học, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.

Đến năm 2018, khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh thì không còn việc ra thông báo xác nhận chỉ tiêu mà trường tự xác định chỉ tiêu.

Một cựu quan chức của Bộ GD-ĐT phân tích: “Trường đại học Đông Đô đã “lách” không thông qua Vụ Giáo dục Đại học để trình việc xin phép đào tạo mà trực tiếp trình Vụ Kế hoạch - Tài chính để xin xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh. Vụ Kế hoạch - Tài chính lại không kiểm tra xem Trường đại học Đông Đô đã được cho phép đào tạo văn bằng 2 hay chưa nên mới dẫn đến sai phạm này. Trong khi đó, Vụ Giáo dục Đại học lại không kiểm tra kỹ văn bản của Vụ Kế hoạch - Tài chính để có phản hồi nên mới xảy ra vụ việc”.

Theo vị này, có hai trường hợp xảy ra, một là sự phối hợp giữa ba bên, trường và Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Giáo dục Đại học không chặt chẽ. Hai là có việc lợi dụng kẽ hở để “bán chỉ tiêu”.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: Trong trường hợp này, phải có lỗ hổng thì Trường đại  học Đông Đô mới dám đào tạo “chui”, “thu tiền bán bằng”. Các đơn vị làm thiếu trách nhiệm, dư luận hoàn toàn có thể đặt vấn đề có lợi ích cá nhân, tiền nong ở đây không? Về trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải là người chịu trách nhiệm cao nhất. Các cơ quan của bộ không có sự phối hợp thống nhất cũng phải “trị”. Trường sai thì phải xử lý nghiêm. Người học không vì kiến thức để lấy bằng cũng phải xử lý để răn đe.

Các văn bằng đã cấp có giá trị hay không?

Ông Vũ Mạnh Dũng, Chánh văn phòng Học viện Khoa học xã hội, cho hay: Học viện đang rà soát các nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ. Bước đầu cho thấy có 7 trường hợp sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh hệ đại học chính quy của Trường đại học Đông Đô.

Hiện Học viện chưa có hướng xử lý số nghiên cứu sinh này bởi phải chờ ý kiến chính thức từ Bộ GD-ĐT. Chỉ khi Bộ GD-ĐT công bố các văn bằng này không có giá trị thì học viện mới căn cứ để hủy kết quả đầu vào của nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có ý kiến chính thức liên quan đến giá trị của văn bằng 2 ngôn ngữ Anh do Trường đại học Đông Đô cấp.

Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI