Trường đại học đề xuất gì khi tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh 2022?

16/03/2022 - 18:54

PNO - Trong bối cảnh dịch bệnh, tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đại học khó khăn, nhiều trường cho rằng năm nay đề thi tốt nghiệp nên tăng độ phân hóa.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến thời điểm này các trường khối ngành sức khỏe chưa tổ chức họp để thống nhất phương thức tuyển sinh cho nhóm ngành y dược năm nay. Trước tình hình này, dự kiến năm 2022, ĐH Y Hà Nội vẫn xác định sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Trong bối cảnh có đến trên 50% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, GS.TS Nguyễn Hữu Tú cho rằng, Bộ GD-ĐT cần giữ vai trò chỉ đạo trong khâu tổ chức và ra đề thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo tính tin cậy và phân loại thí sinh giúp các trường yên tâm sử dụng kết quả này trong công tác tuyển sinh nhất là với các trường khối ngành y dược độ cạnh tranh rất cao.

Trường đại học đề nghị cần tăng độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp 2022 để phục vụ cho việc tuyển sinh trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh: Đại Minh
Trường đại học đề nghị cần tăng độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp 2022 để phục vụ cho việc tuyển sinh trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh: Đại Minh

Đồng tình với quan điểm này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng: “2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, tính phân hóa của đề thi tốt nghiệp đang giảm, không đảm bảo chất lượng khi dùng để phân loại cũng xét tuyển đại học. Hy vọng trong năm 2022, Bộ GD-ĐT tiếp tục xây dựng đề thi có tính phân hóa cao hơn, đảm bảo các trường có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển”.

PGS.TS Bùi Đức Triệu đề nghị, Bộ GD-ĐT sớm ban hành Quy chế tuyển sinh 2022, bởi dù chủ trương là ổn định nhưng những điều chỉnh mang tính kỹ thuật (nếu có) cũng tác động lớn đến các thí sinh.

Hiện, các trường đại học đã quen với tự chủ tuyển sinh, nhất là trong 2 năm vừa, các trường đã hoàn thiện phần mềm xét tuyển, đăng ký nhập học tạo thuận lợi cho thí sinh. Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng xây dựng phần mềm như vậy và đến thời điểm hiện tại vẫn hoạt động tốt. “Việc xây dựng phần mềm lọc ảo tốt sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học; nếu không sẽ lại là trở ngại”, PGS.TS Bùi Đức Triệu nói.

TS Trương Quý Tùng - Phó giám đốc Đại học Huế thì đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có quyết định giao chỉ tiêu cho ngành sư phạm, bởi còn liên quan đến các địa phương “đặt hàng” cho các trường đào tạo. Đồng thời, cần tiếp tục tăng quyền sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm phù hợp với các cơ sở đào tạo. Mặt khác, cần đề cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị.

Về việc, một số phụ huynh cho rằng Bộ GD-ĐT nên tổ chức nhiều đợt thi, trong đó đợt sau cách đợt trước khoảng 2-3 tuần. Khi đó, những học sinh F0 đợt 1 chưa dự thi được sẽ thi đợt 2 để lấy điểm xét tuyển ĐH thay vì đặc cách tốt nghiệp thì thí sinh lại không có điểm để xét vào đại học.

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Hữu Tú cho rằng nếu không phát sinh tình huống đột biến, vào khoảng tháng 6 và tháng 7, tình hình dịch bệnh có thể khả quan hơn. Do đó, Bộ GD-ĐT nên hướng đến thực hiện một kỳ thi theo hướng bình thường mới, tránh việc chia cắt thành nhiều đợt và không xuất hiện việc thí sinh không được tham gia thi.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI