Trường đại học dành riêng cho phụ nữ - Mô hình gây tranh cãi ở Iraq

13/06/2022 - 06:50

PNO - Mặc dù được thành lập với mục tiêu tạo cơ hội cho phụ nữ theo đuổi con đường học vấn bậc cao, trường đại học nữ duy nhất của Iraq vẫn đang là mô hình gây tranh cãi ở quốc gia thuộc khu vực Trung Đông.

Kể từ khi được thành lập và hoạt động cho đến nay được 4 năm, trường Đại học nữ Al-Zahraa (Al-Zahraa University for Women) vẫn đang là đề tài tranh luận chưa có hồi kết của chính những phụ nữ thuộc giới khoa bảng ở Iraq.

Nữ sinh viên đang theo học tại trường đại học dành cho phụ nữ đầu tiên ở Iraq - Ảnh: Al-Fanar Media
Nữ sinh viên trong một lớp học tại trường đại học đầu tiên dành cho phụ nữ ở Iraq - Ảnh: Al-Fanar Media

Trường đại học nữ giúp trao quyền cho phụ nữ

Theo một báo cáo của UNESCO năm 2019, ước tính có hơn 1/3 phụ nữ Iraq mù chữ. Và tỷ lệ này tăng lên mức 50% đối với phụ nữ ở khu vực nông thôn.

Maram Youssef, một nữ sinh 18 tuổi đang theo học tại Đại học nữ Al-Zahraa cho biết, cô đã quyết định chọn trường đại học này thay vì các trường đại học công lập mà cô trúng tuyển bởi “một trường đại học dành riêng cho nữ sẽ giúp tôi vượt qua được các khó khăn tiềm tàng có thể gặp phải ở các trường đại học khác”.

Đại học nữ Al-Zahraa  được thành lập vào năm 2018, và là trường đại học đầu tiên dành riêng cho phụ nữ ở Iraq. Trường hiện có ba khoa, gồm Dược, Công nghệ Y tế, và Giáo dục với 2.850 sinh viên nữ đến từ nhiều địa phương trên cả nước đăng ký theo học.

Theo Bộ trưởng Đại học Iraq Abdul Razzaq Al-Issa thì ý tưởng thành lập trường đại học nữ này bắt đầu từ năm 2016 khi nhiều gia đình từ chối cho con gái của mình nhập học tại các trường đại học có cả nam và nữ học chung vì lý do liên quan đến “niềm tin tôn giáo và xã hội”.

Mặc dù cá nhân ông Al-Issa tin rằng, trường đại học nên là một nơi công bằng cho cả nam và nữ theo đuổi con đường học vấn, thế nhưng ông vẫn ủng hộ quyết định của Bộ giáo dục đối với việc thành lập một trường đại học dành riêng cho phụ nữ.

"Trường đại học dành cho phụ nữ đáp ứng được các điều kiện kinh tế và xã hội của nhiều địa phương, cũng như giúp phụ nữ trẻ tiếp tục có cơ hội được đi học thay vì phải bỏ học vì sự cấm đoán của gia đình chỉ vì phải học chung với các sinh viên nam”, ông Al-Issa nói.

Tiến sĩ Zainab Al Sultani, Hiệu trưởng Đại học nữ Al-Zahraa - Ảnh: Alzahraa Edu
Tiến sĩ Zainab Al Sultani, Hiệu trưởng Đại học nữ Al-Zahraa - Ảnh: Alzahraa Edu

Theo Tiến sĩ Zainab Al Sultani, Hiệu trưởng Đại học nữ Al-Zahraa, thì sự tồn tại của trường đại học hoàn toàn dành riêng cho phụ nữ “không phải là điều khiếm khuyết hoặc lạc hậu bởi hiện vẫn đang tồn tại những cơ sở giáo dục tương tự ở châu Âu, như Đại học Phụ nữ Quốc tế (IFU) ở Đức”. Quan trọng hơn, mô hình trường đại học này còn giúp tạo ra những phụ nữ làm lãnh đạo được trang bị đầy đủ các kỹ năng và phương pháp cần thiết thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao.

“Trường đại học dành cho nữ mang lại cho phụ nữ sự tự tin. Bên cạnh đó, được học tách riêng với nam giới sẽ giúp làm tăng khả năng học tập, tạo tâm lý thoải mái, từ đó giúp họ nâng cao trình độ học vấn”, bà Al Sultani nói.

Đại học nữ Al-Zahraa hiện có khoảng 70% giảng viên nhân viên là phụ nữ. Chỉ có một số ít giảng viên là nam giới đang phải đảm nhận công tác giảng dạy tại khoa Y bởi không thể tuyển đủ giảng viên nữ cho lĩnh vực này.

Iraq đang tìm cách để đảm bảo phụ nữ được tạo điều kiện theo học đại học - Ảnh: BBC
Iraq đang tìm cách để đảm bảo phụ nữ được tạo điều kiện theo học đại học - Ảnh: BBC

Tiến sĩ Wafaa Al-Sahn nhận thấy rằng, sinh viên nữ thường đằm tính và có khả năng tập trung hơn sinh viên nam, vì vậy, họ cũng tiếp thu bài giảng cũng tốt hơn. Theo bà thì nên có thêm nhiều trường đại học dành cho nữ giới để có thêm nhiều em gái có cơ hội được theo học đại học.

Giáo sư Maysaa Jaber giảng dạy môn tiếng Anh tại Đại học Baghdad cũng ủng hộ mô hình đại học dành cho phụ nữ, bởi theo bà thì đây chính là loại hình giáo dục được sử dụng để trao quyền cho phụ nữ thay vì hạn chế hoặc đàn áp họ.

Đại học dành cho phụ nữ càng gây nên bất bình đẳng giới?

Thế nhưng vẫn có không ít tiếng nói phản biện ở chiều ngược lại.

Tiến sĩ Hadeel Abdelhameed, một chuyên gia nghiên cứu về nữ quyền cho rằng, việc chính phủ Iraq thành lập một trường đại học dành riêng cho nữ là một quyết định sai lầm nghiêm trọng bởi “ điều đó càng củng cố sự tồn tại của những vấn đề về giới trong xã hội”.

Theo vị Tiến sĩ hiện đang là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Công dân và Toàn cầu hóa thuộc Đại học Deakin (Úc) thì việc thành lập trường đại học dành riêng cho phụ nữ “càng thể hiện sự ủng hộ phân biệt giới tính trong môi trường giáo dục và sự tồn tại về khoảng cách giữa hai giới tính trong một xã hội phát triển lành mạnh”.

Vẫn có những ý kiến cho rằng, mô hình đại học dành riêng cho phụ nữ càng khiến cho tình trạng bất bình đẵng giới trở nên nặng nề hơn - Ảnh:  Alaa Al-Shemaree/EPA
Có những ý kiến cho rằng, mô hình đại học dành riêng cho phụ nữ càng khiến cho tình trạng bất bình đẳng giới trở nên nặng nề hơn - Ảnh: Alaa Al-Shemaree/EPA

Tiến sĩ Abdelhameed cho rằng, giải quyết vấn đề lo lắng của những gia đình đối với các trường đại học có cả nam và nữ nên được bắt đầu bằng việc thiết kế các chính sách để thay đổi quan điểm của các nhóm người này, đồng thời khuyến khích phụ nữ trẻ hòa nhập một cách bình đẳng với nam giới “hơn là thành lập nên những trường đại học dành riêng cho phụ nữ”.

Nguyễn Thuận (theo Al-Fanar Media)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI