Tiền cao nhưng chất lượng… hỡi ôi
Hơn 6g, hàng trăm sinh viên (SV) Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã tập kết tại sân trường, chuẩn bị lên xe đi tham quan địa chỉ đỏ. Điểm đến lần này là dinh Độc Lập. 8g, xe thả SV xuống cổng trước dinh Độc Lập. Mỗi SV được phát một chai nước và tự do đi đâu tùy thích, không ai quản.
Nhiều nhóm SV kéo nhau sang công viên 30-4 phía bên kia đường uống cà phê bệt. Số còn lại loanh quanh trong dinh nghe thuyết minh một lúc rồi cũng kéo nhau ra ngoài ăn uống, chờ hết giờ. 10g30, SV lên xe trở về trường, chuyến tham quan học tập kết thúc, mỗi SV đóng 150.000 đồng. Nếu điểm đến là địa đạo Củ Chi giá sẽ đắt hơn, 175.000 đồng/SV, lịch trình hoạt động cũng tương tự, có thêm hướng dẫn viên của khu di tích thuyết minh và thêm món... khoai mì.
Ông Cao Xuân Thủy - Trưởng phòng Công tác chính trị HS - SV Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, lý giải: việc tham quan địa chỉ đỏ là nội dung của môn học giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội của SV mà trường đã xây dựng và điều chỉnh trên cơ sở các văn bản pháp quy.
Theo quy định, SV chỉ cần tích lũy đủ số điểm hoạt động (từ một hoặc một số hoạt động mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi, chương trình từ thiện, hỗ trợ các hoạt động của trường, tham gia văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tìm hiểu truyền thống dân tộc, các cuộc thi olympic Mác - Lênin và olympic khác, tham quan địa chỉ đỏ, hỗ trợ tìm việc làm cho SV, tham gia các cuộc hội thảo khoa học, hội thảo định hướng nghề nghiệp…) thì phòng sẽ lập danh sách để đề nghị Phòng Đào tạo của trường xác nhận hoàn thành môn học. Chi phí 150.000 đồng và 175.000 đồng/SV mỗi chuyến tham quan địa chỉ đỏ, theo ông Thủy là bao gồm tiền xe, nước uống, vé vào cổng, hướng dẫn trên xe, thuyết minh tại điểm tham quan, bảo hiểm tai nạn trong chuyến đi.
|
Nhiều sinh viên phải tham quan địa chỉ đỏ để tích điểm |
Ông Thủy khẳng định: “Kể từ năm 2017, các địa điểm tham quan không còn chế độ giảm giá vé cho SV nữa”. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi vào ngày 28/12/2017, giá vé vào cổng dinh Độc Lập dành cho SV là 20.000 đồng/lượt. Tại địa đạo Củ Chi, chỉ cần có giấy giới thiệu của trường, sẽ tính giá vé 12.000 đồng/SV, bao gồm cả hướng dẫn viên…
Ông Thủy cho biết thêm, hoạt động tham quan địa chỉ đỏ chỉ là một trong những hoạt động được tính điểm công tác xã hội và hoàn toàn không bắt buộc SV tham gia. Tuy nhiên, theo các SV, đây là một trong những điều kiện bắt buộc để được xét tốt nghiệp.
Như vậy, có SV nào dám không tham gia! Đáng nói, đây là hoạt động nhằm tăng cường kỹ năng xã hội cho SV nên trường không quản lý thu chi mà để Phòng Công tác chính trị HS - SV tự tổ chức, tự thu chi. Nghĩa là, hoạt động này chỉ mang tính hỗ trợ SV, nhưng giá cả lại đậm tính lợi nhuận. Trung bình, mỗi năm trường có khoảng 3.000 tân SV phải tham gia chương trình “tham quan địa chỉ đỏ”, món lợi từ hoạt động này chắc chắn không nhỏ.
Bảng điểm giá... 10.000 đồng
Nhiều SV của Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM còn bức xúc về việc muốn xin bảng điểm kết quả học tập phải đóng 10.000 đồng. “Tụi em đóng học phí hơn chục triệu mỗi năm mà muốn lấy kết quả học tập để xin việc làm thêm hay gửi về địa phương nhận học bổng lại phải đóng 10.000 đồng. Đã tốn tiền mà chất lượng dịch vụ thì vẫn như “muôn năm cũ” - mỗi lần xin bảng điểm Phòng Đào tạo hẹn mấy ngày sau mới giao. Thời buổi này mà cái bảng điểm có sẵn trên hệ thống, chỉ việc nhấn nút in ra mà mất 2-3 ngày là sao?” - một SV năm tư bức xúc.
Các SV của trường này còn than thở về việc bị “ép” mặc đồng phục. “Tụi em không còn là học sinh phổ thông mà đi học phải mặc cùng một cái áo trắng viền xanh, ai cũng giống ai. Chúng em cần được thể hiện bản thân và mỗi người có gu thẩm mỹ riêng. Nhiều lúc muốn tạo phong cách cho lớp, cho ngành mình học cũng không được. Đã vậy, bắt mặc đồng phục mà không quy định cách mặc nên nhiều nam sinh mặc áo bỏ ngoài quần rất lôi thôi”, nhiều SV nêu ý kiến.
Theo các SV, mỗi chiếc áo đồng phục giá 100.000 đồng (cho tân SV, có trợ giá) và 120.000 đồng cho những SV mua thêm; đồng phục thể dục giá 150.000 đồng/bộ. Giá này tuy không đắt so với giá thị trường, nhưng quy định tất cả các ngày đều phải mặc đồng phục không phù hợp với đối tượng sinh viên.
Về việc xin bảng điểm phải tốn tiền, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh của trường, giải thích: “Trường cấp miễn phí khi SV tốt nghiệp. Việc thu tiền mỗi lần xin cấp bảng điểm là do chúng tôi muốn khuyến khích SV xem điểm trên phần mềm trực tuyến, hạn chế in giấy - ký duyệt... Mỗi SV đều có tài khoản để truy cập điểm, đăng ký môn học, nhưng nhiều em ỷ lại, không chịu xem điểm trên hệ thống điện tử, chỉ đến Phòng Đào tạo xin và xin nhiều lần”.
Lời giải thích này thật ra chưa thỏa đáng, bởi SV đã đóng học phí thì có quyền được lựa chọn dịch vụ theo yêu cầu của cá nhân; nhà trường có nhiệm vụ phải đáp ứng yêu cầu chính đáng của SV. Việc thu phí không hề có tác dụng hạn chế sự ỷ lại của SV mà ngược lại còn gây bất tiện và bức xúc cho người theo học, nhất là khi đây lại là một trường đại học công lập tự chủ, SV đóng học phí cao để được thụ hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Gia Tuệ