Trường công lập là ước mơ của con em gia đình nhập cư

01/08/2018 - 18:05

PNO - Tạo thêm cơ hội cho một học sinh đến trường không chỉ là tạo thêm niềm vui cho một gia đình mà còn ươm mầm một công dân tương lai.

Hôm qua, ngày 31/7, đồng loạt các trường tiểu học công lập ở TP.HCM công bố danh sách học sinh vào lớp Một. Trong đám đông phụ huynh cười vui hớn hở, một bà mẹ trẻ vội lau nước mắt. 

“Tôi đã gõ cửa nhiều nơi nhưng cháu vẫn không được nhận vào học chỉ vì không có hộ khẩu”- chị nói. Chị cho biết, từ Tiền Giang lên làm cho một doanh nghiệp may ở quận Tân Phú. “Đành phải đưa cháu về quê gởi ông bà nội chăm thôi”. Chị chào và quay đi. Tôi thấy trong đôi mắt ngấn nước của chị là tình mẹ bao la. Những ngày tới là chuỗi thời gian thương con, nhớ con nhưng không còn cách nào khác.

Truong cong lap la uoc mo cua con em gia dinh nhap cu
Số lượng học sinh lớp Một tại TP.HCM luôn quá tải

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm nhà kinh tế ở TP.HCM, trong lực lượng công nhân đang làm việc cho các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP.HCM có đến 70% là người nhập cư. Ngoài ra, trong lực lượng lao động tự do đang ngày đêm làm đủ thứ nghề và dịch vụ “không tên gọi’ ở TP này cũng có đến 55% đến từ các tỉnh, thành khác. Trong số họ, phần nhiều có con em không được nhận vào các trường mầm non, tiểu học, trung học công lập vì vướng quy định hộ khẩu.

Tại TP.HCM có khá nhiều trường ngoài công lập nhưng không phải ai cũng có điều kiện cho con em vào học vì chi phí khá đắt đỏ. Bởi vậy, trường công lập là đích đến, là ước mơ của con em gia đình nhập cư.

Hiện nay, quy định chung của TP.HCM về tuyển sinh vào các lớp đầu cấp là ưu tiên tiếp nhận học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn. Sau đó, nếu trường nào còn dư chỗ thì mới tính đến các đối tượng khác.

Mặt khác, dù TP.HCM đã dùng rào cản hộ khẩu trong tiếp nhận học sinh đầu cấp nhưng nhiều năm qua hệ thống trường lớp của TP luôn đặt trong tình trạng quá tải.

Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, bình quân mỗi năm TP.HCM phát sinh khoảng 15.000 học sinh không có hộ khẩu đang theo học các loại hình trường khác nhau. Báo cáo của Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM tại kỳ họp HĐND TP mới đây về công tác chuẩn bị năm học mới 2018-2019 cũng cho biết đến nay số học sinh không có hộ khẩu tại TP.HCM đã lên đến gần 295.000.

Truong cong lap la uoc mo cua con em gia dinh nhap cu
Niềm vui của học sinh lớp Một

Các nhà xã hội cho rằng đã đến lúc cần sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Đã có nhiều nghiên cứu về tác động qua lại của dân nhập cư và giáo dục ở các nước trên thế giới đã chỉ ra rằng trẻ em thuộc các gia đình nhập cư luôn phải chịu thiệt thòi về cơ hội tiếp cận giáo dục so với các nhóm trẻ khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến con đường vào đời của các em mà còn tác động đến các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Đó là việc nhiều người dân ngại tìm đến nhà máy, xí nghiệp ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp vì điều kiện học hành cho con em họ không được bảo đảm. 

Trong khi đó, ở các TP lớn thì luôn khát lực lượng lao động phổ thông, đội ngũ công nhân lành nghề, các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực.

Mới đây, để thu hút đội ngũ lao động có tay nghề chuyên môn cao, đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đến chất xám, từ tháng 11/2017, TP.HCM chính thức bãi bỏ quy định phải có hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức hàng năm. Thế nhưng, chính sách thu nhận con em họ vào các trường công lập ở TP thì chưa thay đổi. Rõ ràng đây là một bất cập!

Chừng nào sự bất cập, tù mù trong tuyển sinh đầu cấp chưa được giải quyết thì vẫn còn tình trạng chạy trường, vẫn còn dư luận râm ran mua một suất học giá hàng ngàn đô la.... Tham nhũng trong giáo dục vẫn còn đất sống. Chỉ thiệt thòi cho con em các gia đình nhập cư làm ăn chân chính.

Theo chúng tôi, đã đến lúc cần có cuộc tổng điều tra về số người nhập cư và trẻ em đi cùng vào TP; sự đóng góp của họ vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở TP, để từ đó có cơ sở đề xuất tăng ngân sách nhằm mở thêm nhiều trường học.

Từ Nguyên Thạch

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI