Ngày 26/10, TAND huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) đưa vụ án hình sự Trương Châu Hữu Danh (39 tuổi, đăng ký thường trú ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, TP. Tân An, tỉnh Long An) cùng 4 thành viên nhóm "Báo sạch" ra xét xử sơ thẩm cùng tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Được biết, vào ngày 12/10, vụ án đã phải tạm hoãn lần 1 do có đơn yêu cầu của luật sư các bị cáo.
|
Quang cảnh phiên xét xử nhóm "Báo sạch" ngày 26/10 |
Các bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Phước Trung Bảo (39 tuổi, hộ khẩu thường trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng); Đoàn Kiên Giang (36 tuổi, thường trú phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM); Nguyễn Thanh Nhã (41 tuổi, thường trú phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TPHCM) và Lê Thế Thắng (39 tuổi, thường trú phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội).
Tài liệu mật, tối mật từ đâu?
Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thế Thắng (hiện được tại ngoại) có đơn xin xét xử vắng mặt, có mặt luật sư bào chữa và được tòa chấp thuận.
Sau các thủ tục, thời gian đầu phiên xét xử, luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Trương Châu Hữu Danh và bị cáo Nguyễn Thanh Nhã cùng đề nghị tạm hoãn phiên tòa với lý do bị cáo này chưa được tiếp cận, sao chép hồ sơ vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích của bị cáo. Luật sư cũng đề nghị dành thời gian để triệu tập, hoặc áp giải bị cáo Lê Thế Thắng đến tham gia phiên xét xử.
Tuy nhiên, sau hai lần hội ý, Hội đồng xét xử nhận thấy việc áp giải bị cáo Thắng từ Hà Nội vào là bất khả thi. Đồng thời, ở cuối đơn xin xét xử vắng mặt, bị cáo Thắng cũng cam kết đã biết rõ các quyền và lợi ích khi có đơn xin xét xử vắng mặt.
Sau phần thẩm vấn ngắn, Hội đồng xét xử hỏi bị cáo Trương Châu Hữu Danh về nguồn gốc của các tài liệu mật liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải (tỉnh Long An). Bị cáo Danh nói các tài liệu liên quan vụ án này có đóng dấu "mật" hoặc "tối mật" được người lạ gửi đến tận nhà thông qua người chạy xe công nghệ shipper, bưu điện.
"Bị cáo là người tiếp cận vụ án này ngay từ đầu, do đó bị cáo muốn viết phản biện xã hội với mong muốn vụ án này sớm được sáng tỏ. Bị cáo không đánh vào nền tư pháp, mà thời gian qua có Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng có kiến nghị về vụ án này" - bị cáo Danh nói.
Cũng theo bị cáo Danh, việc thành lập, viết bài trên nhóm "Báo sạch" không phải là để kiếm tiền, hay lấy tiền của ai. Số tiền nêu trong kết luận điều tra là do các bị cáo nhận hợp đồng truyền thông thông qua công ty truyền thông, làm tư vấn truyền thông và hiện còn một số hợp đồng truyền thông vẫn chưa thực hiện xong.
Mỗi thành viên "Báo sạch" đều có thế mạnh riêng
Hội đồng xét xử hỏi vì sao các bị cáo chia nhau tiền làm truyền thông, bị cáo Nguyễn Phước Trung Bảo trả lời: "Mỗi thành viên trong nhóm Báo sạch có thế mạnh khác nhau, có các mối quan hệ... khác nhau nên mỗi người phụ trách mỗi công việc ở công ty truyền thông, được chia tiền lợi nhuận theo khả năng từng người".
Như Báo Phụ Nữ TPHCM đưa tin, vào đầu tháng 8/2021, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ toàn bộ hồ sơ vụ án Trương Châu Hữu Danh và 4 đồng phạm, đề nghị truy tố 5 bị can này cùng về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hồ sơ vụ án sau đó tiếp tục được chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thới Lai.
|
Các bị cáo là thành viên nhóm "Báo sạch" tại phiên xét xử sáng 26/10 |
Vào cuối tháng 8/2021, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thới Lai đã ban hành cáo trạng truy tố Trương Châu Hữu Danh và 4 người nêu trên cùng tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Theo cáo trạng, khoảng tháng 8/2019, bị can Trương Châu Hữu Danh cùng với những người trên tạo fanpage "Báo sạch", nhóm "Làm Báo Sạch" và kênh YouTube "BS Channel" để viết, đăng tải 47 bài, video về các chủ đề được dư luận quan tâm.
Bị can Nguyễn Phước Trung Bảo, Trương Châu Hữu Danh giữ vai trò quản trị viên. Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng giữ vai trò biên tập viên. Khi đăng bài viết đều có sự thống nhất của 5 thành viên nêu trên.
Theo cơ quan tố tụng, quá trình thống nhất cùng nhau thành lập fanpage "Báo sạch" và nhóm "Làm Báo Sạch" để đăng các bài viết, nhóm của Danh đã nhận hợp đồng làm truyền thông quảng cáo cho doanh nghiệp, thu khoảng 2,8 tỉ đồng.
Bị can Trương Châu Hữu Danh hưởng lợi 300 triệu đồng, Nguyễn Phước Trung Bảo 410 triệu đồng, Đoàn Kiên Giang 250 triệu đồng, Nguyễn Thanh Nhã 245 triệu đồng và Lê Thế Thắng 260 triệu đồng.
Cả 5 thành viên nhóm "Báo sạch" bị cáo buộc đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết, đăng tải, phát tán thông tin chưa kiểm chứng, không đúng sự thật, tiêu cực, một chiều để đăng tải, phát tán công khai trên mạng xã hội.
Đông Phong